Chuối nuôi cấy mô là giống cây trồng cho năng suất cao, chất lượng đồng đều, đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu. Vài năm trở lại đây, nông dân tích cực trồng loại chuối này phục vụ cho thị trường xuất khẩu, bởi lợi nhuận trồng chuối khá cao. Diện tích chuối ngày càng mở rộng ở nhiều địa phương: Lâm Đồng, Đồng Nai, Cần Thơ… | |
Cây con trong phòng thí nghiệm |
Ở địa bàn ấp Long Thạnh, xã Long an, huyện Châu Thành có ông Nguyễn Văn Cang là người trồng giống chuối này đầu tiên, bước đầu cho hiệu quả khá tốt.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ chuối cấy mô, Ông Cang (sinh năm 1961) đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng chuối nuôi cấy mô. Ông Cang chia sẻ: Lúc đầu ông trồng thử khoảng 0,5 công chuối già cấy mô với 120 gốc (giống chuối ông mua ở Cần Thơ do người anh họ giới thiệu). Trồng khoảng 10 tháng, chuối bắt đầu cho thu hoạch ông bán tại chỗ cho thương lái với giá 7000 - 8000 đồng/ký. Mỗi buồng chuối nặng khoảng 25-40 ký, được từ 240.000 – 300.000 đồng. Với 0,5 công chuối, cho ông thu 19.250.000 đồng sau vụ đầu tiên, lợi nhuận khoảng 10.000.000 đồng. Với kết quả khả quan này, hiện nay ông Cang đã mở rộng diện tích trồng chuối cấy mô lên 11 công.
Ông Phan Hồng Cang bên mô hình chuối cấy mô
Ông chia sẻ: Cây chuối cấy mô có ưu điểm vượt trội hơn chuối sinh ra từ chồi ở các đặc điểm: phát triển tốt, năng suất cao, có khả năng chống chịu các tác nhân gây bệnh, có khả năng chịu úng chịu hạn tốt, cho thu hoạch đồng loạt. Ngoài ra, cây cho trái đẹp, không sẹo, đồng đều, khi chín có mùi thơm hơn chuối thường.
Nói về kỹ thuật trồng chuối cấy mô, ông Sáu chia sẻ kinh nghiệm:
- Sau khi làm đất và bón phân lót, thì tiến hành trồng cây khi thời tiết thuận lợi như trời râm mát, đất đủ ẩm. Khoảng cách hàng cách hàng 2 – 2,5m, cây cách cây là 2m (2000 - 2500 cây/ha). Dùng dao rạch bỏ túi bầu, đặt cây giống vào giữa hố, lấp đất đến qua cổ rễ và nén chặt.
- Trồng xong cần tưới đẫm nước ngay để tránh cây bị mất nước và giúp rễ tiếp xúc tốt với đất. Ở giai đoạn cây con tưới 2 ngày/lần, cây trưởng thành 2 lần/tuần. Vào mùa mưa cần thoát nước cho vườn để tránh ngập úng.
- Định kỳ tỉa chồi 1 tháng/lần, dùng dao cắt ngang thân sát mặt đất và hủy đỉnh sinh trưởng. Nên tiến hành tỉa vào lúc trời nắng ráo, tránh để đọng nước làm chồi con bị thối lây sang cây mẹ. Việc để chồi thực hiện sau khi trồng 5 tháng, chừa lại cây con mập, khỏe mọc cách cây mẹ trên 20cm, sao cho mỗi bụi có 3 cây cách nhau khoảng 4 tháng.
- Sau khi xuất hiện 1 - 2 nải trung tính, tiến hành bẻ bắp (vào buổi trưa để hạn chế sự mất nhựa). Nên dùng cây chống buồng tránh đỗ ngã.
- Trong quá trình trồng, cây chuối thường xuất hiện một số loại sâu hại như Sùng đục củ, bù lạch… Người trồng cần thăm vườn thường xuyên vệ sinh vườn chuối và can thiệp phun thuốc kịp thời tùy đối tượng sâu bệnh.
Qua thực tế cho thấy chuối nuôi cấy mô cho năng suất cao hơn 20–30%, nhu cầu tiêu thụ chuối trong nước cũng như ngoài nước ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, để chuối trở thành mặt hàng xuất khẩu ổn định về phẩm chất cũng như về số lượng thì các ngành chức năng cần quan tâm tạo điều kiện và hỗ trợ cho người nông dân từng bước hình thành vùng sản xuất chuối tập trung quy mô lớn, quy trình sản xuất, công nghệ thu hoạch và đóng gói ngang tầm với các tập đoàn sản xuất chuối lớn trên thế giới.
Chuối cấy mô là loại chuối giống được tạo ra từ việc nuôi cấy mô tế bào. Với kỹ thuật này cây sau trồng 12-16 tháng tuổi cho năng suất và chất lượng trái cao hơn việc trồng chuối từ chồi. Thêm nữa việc trồng chuối từ mô đồng loạt dẫn đến chuối ra buồng và chín đồng đều nên rất thích hợp trồng chuyên canh, phục vụ cho xuất khẩu.