Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị hàng hóa, thích ứng biến đổi khí hậu
(Ngày đăng: 11/01/2017)
Tiền Giang đã xây dựng Đề án Tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị nông sản hàng hóa, thích ứng biến đổi khí hậu, gắn với phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường đến năm 2020, định hướng 2030.
 
Tỉnh cũng xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp làm trọng tâm tái cơ cấu kinh tế chung của tỉnh, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020 theo nghị quyết đề ra. Đặc biệt, Tiền Giang quan tâm liên kết vùng và tiểu vùng nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh kinh tế địa phương, chú trọng các ngành hàng và nông sản có lợi thế cạnh tranh; trên cơ sở đó có lộ trình nâng cao chất lượng, hiệu quả của nông sản hướng đến thị trường xuất khẩu đồng thời phù hợp chủ trương thích ứng biến đổi khí hậu.


       Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các khu nông nghiệp ứng dung công nghệ cao và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm kiểu mẫu để nhân rộng trong toàn tỉnh là những ưu tiên hàng đầu trong quá trình triển khai thực hiện. Mặt khác, lấy liên kết theo chuỗi giá trị làm trung tâm của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đồng thời với tập trung phát triển kinh tế hợp tác và doanh nghiệp.


       Tiền Giang phấn đấu đến năm 2020, giá trị tăng thêm khu vực nông – lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 4%/ năm (giai đoạn 2016 – 2020); cơ cấu kinh tế khu vưc nông – lâm nghiệp và thủy sản chiếm 31,3 đến 32,7% GRDP toàn tinh vào năm 2020. Trong nội bộ ngành nông nghiệp cũng có sự chuyển dịch hợp lý giữa trồng trọt – chăn nuôi – thủy sản – lâm nghiệp – dịch vụ nông nghiệp. Ngoài ra, có 50% số xã trong tỉnh ra mắt xã nông thôn mới vào năm 2020.


       Một số chỉ tiêu quan trọng: Đến năm 2020 diện tích canh tác lúa còn 78.000 ha trong đó có 25% diện tích canh tác theo mô hình cánh đồng lớn, 90% diện tích canh tác sử dụng giống lúa xác nhận, có 20.000 ha được doanh nghiệp đầu tư và bao tiêu sản phẩm. Về cây ăn trái, mở rộng diện tích lên 74.000 ha, sản lượng khoảng 1,285 triệu tấn/ năm, tăng 95.000 tấn so năm 2015, có 15 – 20% diện tích đạt tiêu chí GAP. Đến năm 2020, diện tích rau màu đạt 45.000 ha, sản lượng gần 800.000 tấn trong đó có từ 15 đến 20% được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn. Về chăn nuôi, đa dạng hóa vật nuôi trong đó ngoài các đối tượng nuôi truyền thống còn mở rộng chăn nuôi nhiều đối tượng mới: đàn cút, gà ta Gò Công, dê,… Tương tự, diện tích nuôi tôm đat 4.600 ha trong đó có 3.000 ha nuôi thâm canh.


       Để đạt mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu, đối với những địa bàn khó khăn như: khu vực ven biển giảm diện tích lúa chuyển sang trồng màu, nuôi trồng thủy sản xuất khẩu, đưa cây màu xuống chân ruộng. Đối với vùng ngập lũ đầu nguồn sông Tiền phía tây chú trọng đưa cây màu xuống chân ruộng, chuyển đổi từ trồng lúa sang lập vườn trồng cây ăn quả đặc sản theo mô hình chuyên canh,…


       Nhiều đề tài, dự án được tỉnh triển khai trong thời gian tới trong khuôn khổ Đề án Tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp Tiền Giang: Đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông đến năm 2025, Đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Đề án chuỗi giá trị đối với các sản phẩm giai đoạn 2014 – 2020, Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 – 2020…


       Dự kiến, tỉnh huy động tổng vốn đầu tư Đề án Tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp trên 3.737 tỉ đồng trong đó gồm nhiều nguồn: Vốn ngân sách, vốn ODA, vốn doanh nghiệp, vốn nhân dân đóng góp. Riêng nguồn vốn do nhân dân đóng góp gần 1.679 tỉ đồng, chiếm gần 45% tổng nguồn vốn huy động.
 

Minh Trí
Tin liên quan