Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Vai trò của chứng nhận chất lượng thương mại quốc tế về trái cây
(Ngày đăng: 21/12/2016)
Hiện nay, mỗi quốc gia trên thế giới về hàng rào thuế quan đều không giống nhau đối với mặt hàng trái cây. Tại Liên minh châu Âu, áp dụng thuế MFN (Tối Huệ Quốc) ở mức 24% cộng thêm €4,20/100 kg, các thành viên trong khối cũng áp dụng mức thuế tiêu thụ khác nhau. Nước Anh không đánh thuế tiêu thụ nhưng Đức lại áp dụng mức thuế tiêu thụ khá cao (19%). Thuế tiêu thụ ở Hà Lan ở mức trung bình, khoảng 6%. Mỹ là quốc gia nhập khẩu lớn nhất, áp dụng mức thuế nhập khẩu 1,3%; cho phép các bang tự đặt mức thuế bán hàng cho mỗi bang; Trung Quốc áp dụng mức thuế bán hàng khá cao, khoảng 17%, trong khi thuế nhập khẩu chỉ ở mức 5%; Nhật Bản và Hàn Quốc áp dụng mức thuế nhập khẩu rất cao, lần lượt là 34% và 30% nhưng thuế bán hàng ở hai nước này thấp hơn, khoảng 10% và 8%. Chẳng hạn, về mặt hàng trái xoài (xem bảng 1).

 

Bảng 1: Thuế nhập khẩu và bán hàng đối với xoài

Nguồn: DutyCalculator


       Sau khi Mỹ và Việt Nam ký hiệp định thương mại song phương (BTA) vào tháng 7 năm 2000, có hiệu lực vào tháng 12 năm 2001, thì rau quả Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường Mỹ hơn, nhờ áp dụng thuế MFN. Thuế MFN trung bình cho mặt hàng xoài ở thị trường Mỹ là 4.7%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với các quốc gia được hướng GSP (miễn thuế nhập khẩu).


       Hoa quả tươi của Việt Nam đang tuân theo quy định của Cục kiểm dịch động- thực vật (APHIS). Cụ thể, trái cây phải được đăng ký với APHIS để được cho phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Việc xử lý này có thể lên tới 5 năm. Điều này gây khó khăn lớn cho việc xuất khẩu theo quy mô lớn của hoa quả từ Việt Nam. Các trái cây nhập khẩu phải kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan bảo vệ thực vật quốc gia (NPPO) của Việt Nam với kê khai bổ sung xác nhận đã xử lý trái cây và kiểm tra được hoàn thành theo quy định của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Để bắt đầu nhập khẩu trái cây từ Việt Nam, các nhà nhập khẩu đầu tiên cần phải xin giấy phép của APHIS. Các hình thức có thể được hoàn thành trực tuvến bằng cách sử dụng hệ thống APHIS ePermits tại website www.aphis.usda.gov/permits. Hệ thống ePermits là một công cụ dựa trên web cho phép nhà nhập khẩu xin giấy phép. Quá trình này thường đặt ra một thách thức lớn đối với xuất khẩu trái cây của Viêt Nam.


       Vai trò của chứng nhận thương mại quốc tế về mặt hàng trái cây, hết sức quan trọng đối với Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam có lợi thế so sánh trong mặt hàng sản xuất xoài. Tuy nhiên, vẫn chưa tận dụng được hết tiềm năng. Về sản lượng và xuất khẩu, Việt Nam đều đứng ở vị trí không cao. Mặt hàng xoài của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc thâm nhập thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc. Các thị trường này đưa ra các quy định khác nhau cho trái cây tươi nhập khẩu.


       Thị trường Châu Âu (EU) khi nhập khẩu trái cây, có các nhóm yêu cầu (hình 1): yêu cầu “bắt buộc” (must), yêu cầu "phổ biến” (common), yêu cầu “đặc biệt” (niche). Yêu cầu của nhóm “bắt buộc” là các điều kiện mà doanh nghiệp xuất khẩu phải đáp ứng thì sẽ được phép thâm nhập thị trường EU. Các yêu cầu trong nhóm “phổ biến” là những yêu cầu mà các doanh nghiệp xuất khẩu thường đáp ứng, đó là sản phẩm phải đạt chuẩn GlobalGAP, điều kiện này không bắt buộc nhưng các nhà xuất khẩu nên đáp ứng để cạnh tranh. Nhóm yêu cầu “đặc biệt” áp dụng cho một số phân khúc thị trường cụ thể như rau quả hữu cơ.


Hình 1: Yêu cầu của EU với rau quả nhập khẩu


Nguồn: CBI Market Information Daiabase


       Theo hình trên, các yêu cầu bắt buộc bao gồm: yêu cầu liên quan đến thuốc trừ sâu, quản lý thực phẩm. giống cây trồng, tiêu chuẩn marketing, quy định về chất gây hại và nhãn mác. Quy định quan trọng nhất trong nhóm này liên quan đến thuốc trừ sâu hay lựợng thuốc trừ sâu tối đa (MRL) trong thực phẩm. Thị trường EU quy định 450 loại thuốc bảo vệ thực đối với xoài. Lưu lượng cho phép phần lớn dao động trong khoảng từ 0.01 đến 0,05 mg/kg.


       Một yêu cầu khác đang dần trở nên quan trọng là việc chứng nhận chất lượng, đặc biệt là GlobalGAP. Đây là chứng nhận an toàn thực phẩm cho toàn bộ quá trình sản xuất, từ khâu chuẩn bị trước khi trồng đến trước khi đưa sản phẩm vào chế biến. Các tiêu chí của tiêu chuẩn GlobalGAP được chia thành 9 nhóm. Mỗi nhóm, có một hay nhiều điểm kiểm soát được, bao gồm: “yêu cầu chính” (major must), “yêu cầu phụ” (minor must) và “khuyến nghị” (recommendation). Để được chứng nhận GlobalGAP. Các sản phẩm phải đáp ứng 100% các yêu cầu chính và 95% các yêu cầu phụ (Bảng 2). Các yêu cầu chính thường liên quan đến khả năng truy xuất nguồn gốc, giống biến đổi gen, phân bón hoá học và hữu cơ, thuỷ lợi và thuốc bảo vệ thực vật. Thí dụ như sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc sản xuất ở đâu hay nhà sản xuất có thể chứng minh được biện pháp thủy lợi của mình có tính đến việc bảo tồn nguồn nước.


Bảng 2. Số lượng yêu cầu trong mỗi nhóm của tiêu chuẩn GlobalGAP


       Số liệu bảng 2 cho thấy, dư lượng thuốc bảo vệ được có nhiều qui định nhất (18 yêu cầu chính và 35 yêu cầu phụ) vì nó ảnh hưởng vô cùng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng; côn trùng gây hại trong trái cây cũng là một trong các mối nguy hại lớn.


       Trái cây nhập khẩu phải được kiểm tra sâu bệnh. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về sâu bệnh, người chủ hoặc đại diện người chủ lô hàng phải thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro sâu bệnh. Nếu không lô hàng sẽ được trả lại quốc gia xuất khẩu hoặc tiêu huỷ. Có bốn biện pháp xử lý bao gồm xử lý cơ học, xử lý nhiệt độ, xông khói và chiếu xạ. Trái cây cũng có thể được xử lý bằng nhiệt độ (nóng/lạnh) hoặc với khí gas (chủ yếu là methyl bromide). Chiếu xạ là việc sử dụng các tia xạ ở mức độ nhất định để ngăn chặn quá trình sinh sản của sâu bệnh.


       Thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản yêu cầu xử lý nhiệt đối với trái cây nhập khẩu. Mặc dù chi phí xử lý nhiệt rẻ hơn so với chiếu xạ nhưng vẫn làm tăng giá trái cây tăng lên nhiều. Thí dụ như giá thanh long tăng 4 lần, khiến mặt hàng này khó cạnh tranh ở thị trường Hàn Quốc. Tương tự, Trung Quốc cũng yêu cầu xử lý nhiệt đối với xoài nhập khẩu. Tuy nhiên, do chi phí xử lý nhiệt làm tăng giá xoài nên Trung Quốc cho phép sử dụng biện pháp xử lý thay thế, đó là dìm trong nước nóng.


       Xoài Ấn Độ phải được xử lý chiếu xạ trước khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, chi phí chiếu xạ cao, chiếm khoảng 20 - 40% trong sự chênh lệch giữa giá xuất khẩu và giá thành. Trong khi đó, cơ sở chiếu xạ ở Ấn Độ ban đầu được xây dựng cho mục đích nghiên cứu nên chi phí chiếu xạ đã không bao gồm chi phí xây dựng hạ tầng chiếu xạ ban đầu. Hơn nữa, chi phí chiếu xạ đối với xoài Ấn Độ cùng đã giảm sau khi Mỹ cho phép thực hiện chiếu xạ tại Ấn Độ thay vì ở Mỹ. Tương tự, xoài Thái Lan cũng phải được chiếu xạ trước khi xuất khẩu sang Mỹ theo điều khoản riêng về trái cây nhập khẩu từ Thái Lan vào thị trường Mỹ.


       Thị trường nông sản Hàn Quốc được bảo hộ rất cao. Những năm gần đây, Hàn Quốc bắt đầu mở cửa thị trường cho 2 sản phẩm trái cây tươi từ Việt Nam, đó là thanh long (2011) và xoài (2012). Yêu cầu đối với thị trường này thấp hơn thị trường EU và Mỹ, vì thế xoài Việt Nam xuất khẩu nhiều sang thị trường này.


       Qua phân tích trên, việc được cấp các chứng chỉ quốc tế hoặc chứng chỉ trong nước tương đương là vô cùng quan trọng đối với hàng hóa trái cây Việt Nam nói chung và xoài nói riêng. Các chứng chỉ này sẽ giúp trái cây thâm nhập thị trường châu Âu và Mỹ tốt hơn. Trên thực tế, việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP cũng góp phần gia tăng thu nhập của người trồng xoài vì bán với giá cao hơn. Thời gian qua. sản xuất trái cây của Việt Nam nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng làm “chưa tới” vấn đề này vì sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn GAP với qui mô lớn đã làm giá bán chênh lệch không đáng kể, có nơi bán với giá như chi phí sản xuất.

 

Anh Sắc
Tin liên quan