Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Đề xuất một số giải pháp ngăn chặn hiệu quả dịch sâu tấn công vườn bưởi
(Ngày đăng: 19/12/2016)

Ở Tiền Giang, thời gian gần đây nông dân trồng cây có múi, nhất là cây bưởi rất lo lắng vì một lọai sâu lạ tấn công, gây thiệt hại không nhỏ cho nhà vườn, đáng kể là các nhà vườn trồng bưởi da xanh và bưởi lông Cổ Cò.
Cây bưởi da xanh năng suất cao trên đất Tiền Giang

 

       Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang, sâu đục trái trên cây có múi hiện đang là đối tượng dịch hại quan trọng và diễn biến phức tạp. Diện tích cây có múi của tỉnh là 10.721 ha thì có khoảng 405 ha bị sâu đục trái, với tỷ lệ nhiễm từ 10 - 20%. Thời gian qua, ngành cũng đã triển khai 3 mô hình “Quản lý tổng hợp sâu đục trái bưởi” tại huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy và TP. Mỹ Tho. Ngành cũng đang hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình phòng trừ tạm thời của Cục Bảo vệ thực vật.


       Trước sự phát triển của lòai sâu đục trái, Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam cho biết, hiện nay sâu đục trái đang tấn công mạnh vào các vườn cây có múi ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), gây thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt là các vườn bưởi. Những vườn chăm sóc tốt thì thiệt hại từ 10 - 30%, còn những vườn thiếu kỹ thuật chăm sóc có thể thiệt hại cao hơn.


       Sâu đục trái bưởi không chỉ gây hại khắp vùng ĐBSCL mà còn xuất hiện tại Bình Phước, Khánh Hòa. Qua nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) và Đại học Cần Thơ đưa ra những giải pháp mới đối phó lòai sâu hại nầy.


       Nhóm tác giả nghiên cứu của Sofri cho biết, sâu đục trái lây lan nhanh là do chúng có thể phát tán qua đất có chứa nhộng từ vùng nầy sang vùng khác, các thành trùng phát tán nhờ gió do chúng có khả năng bay mạnh. Ngòai ra, người mua trái nếu không chú ý kỹ sẽ vận chuyển trái nhiễm sâu, đặc biệt là trứng sâu từ vùng nầy sang vùng khác. Khảo sát gần đây cho thấy, sâu có thể gây hại ở tất cả các giai đọan phát triển của trái từ rất sớm sau đậu trái đến tận ngày thu họach chứ không chỉ tấn công trái lớn. Sâu thường đục từ vị trí giữa trái trở xuống đáy, do quá trình đục vào bên trong gây vết thương nên nấm, vi khuẩn, ruồi đục trái xâm nhập làm trái hư, rụng gây ảnh hưởng nghiêm trọng. Sâu đục trái ăn rất nhanh, ăn phần xốp vỏ và đục sâu vào bên trong ăn phần thịt, ăn luôn cả hạt.


       Đề xuất giải pháp đối phó


       - Qua nghiên cứu hiện tượng sâu đục trái trên một số vườn bưởi các tỉnh ĐBSCL, các nhà khoa học Sofri đã đề xuất một số giải pháp có khả năng mang lại hiệu quả đối với dịch sâu tấn công vườn bưởi như sau:


       + Khuyến cáo, cần xây dựng mùa vụ tại các tỉnh trồng bưởi, xử lý cho cây ra hoa, đậu trái đồng lọat để dễ quản lý sâu hại. Nếu các tỉnh thống nhất lịch thời vụ thì cắt được phần nào vòng đời của sâu. Ở các tỉnh bị nhiễm nặng cần thu gom, đem chôn hoặc cho vào túi nylon cột chặt đem phơi nắng 2 – 3 giờ nhằm diệt sâu còn trong trái nhiễm (cần tính cộng đồng, phát động chiến dịch), song song đó tính đến phương án ly trích dược liệu tinh dầu từ trái bưởi nhiễm sâu đục trái. Vệ sinh sạch cỏ, rác mục hạn chế sâu làm nhộng.


       + Quan sát cho thấy thành trùng sâu sắp đẻ trứng ở điều kiện ban đêm, không thích đẻ trứng nơi có ánh sáng, vì vậy áp dụng ánh sáng đèn cho hiệu quả cao ngăn ngừa sâu đục trái. Sử dụng đúng đèn compact 20 watt, đủ ánh sáng chiếu vào trái bưởi, thời gian chiếu sáng phải cài đặt chính xác từ 17 giờ chiều đến 6 giờ sáng. Tại Bến Tre, mô hình thắp sáng bằng đèn compact 20 watt xung quanh bìa vườn với thời gian như trên, có kết hợp nuôi kiến vàng xua đuổi thành trùng cao (vườn mô hình không có trái mhiễm, vườn đối chứng 23/100 trái bị nhiễm sâu). Biện pháp tưới nước phủ tòan bộ tán cây, nhất là vỏ trái ở thời điểm 18, 19 giờ tối, ẩm độ trên vườn cao hạn chế thành trùng sâu đục trái đến đẻ trứng (phải thu gom và tiêu hủy hết trái bị nhiễm trước).


       + Biện pháp bao trái có hiệu quả cao, sử dụng bao trái chất lượng, chú ý tiến hành bao trái khi trái được vài tuần tuổi (2 - 3 cm), không nên chờ trái lớn mới bao, trước khi bao cần quan sát kỹ xem có ổ trứng trên trái không. Kết hợp tỉa thưa trái, phun thuốc BVTV trước khi bao và theo dõi thường xuyên để phát hiện trái vẫn còn nhiễm để tiêu hủy. Áp dụng biện pháp hóa học theo nguyên tắc 4 đúng, phun đúng thời điểm, tránh phun định kỳ. Sử dụng luân phiên một trong các lọai thuốc sau: alpha-cypermethrin, deltamethrin kết hợp dầu khóang. Thuốc nên áp dụng vào giai đọan bướm nở rộ từ 1 - 2 ngày và phun lặp lại giai đọan 7 - 10 ngày sau đó. Việc phun thuốc chỉ hiệu quả khi xác định đúng thời điểm, đồng lọat, tránh sử dụng tràn lan gây kháng thuốc và bộc phát dịch.


       Nuôi kiến vàng, hạn chế xen canh


       TS. Nguyễn Văn Hùynh (Đại học Cần Thơ) khuyến cáo, nhà nông cần theo dõi gia tăng mật số sâu đục trái và lây lan trên vườn bưởi và các lọai cây có múi khác. Giới hạn khả năng gây hại bằng cách thu lượm trái rụng bị sâu đem chôn tránh sâu lớn chui ra ngòai làm nhộng trong đất. Sử dụng thuốc một cách an toàn, ít độc cho thiên địch, môi trường. Nên tỉa cành, tỉa trái cho ra hoa đồng lọat, tránh để trái thường xuyên trong vườn hoặc xen canh với các lọai cây có múi khác có trái không cùng mùa. Chú ý nuôi giữ kiến vàng trong vườn vì lòai kiến nầy sẽ ăn trứng và quấy rối sự đẻ trứng của bướm (chú ý diệt kiến hôi vì chúng tranh giành lãnh thổ với kiến vàng).


       Trước tình hình trên, để có biện pháp quản lý tổng hợp hiệu quả sâu đục trái bưởi cụ thể riêng cho địa phương tỉnh Tiền Giang, Sở KH&CN đã trình UBND tỉnh phê dưyệt nhiệm vụ đột xuất mới phát sinh và đặt hàng với Viện Cây ăn quả miền Nam thực hiện đề tài “Nghiên cứu biện pháp quản lý tổng hợp hiệu quả sâu đục trái bưởi tại Tiền Giang”, với mục tiêu cụ thể như sau:


       * Xác định đặc điểm sinh học sâu đục trái bưởi, quy luật diễn biến mật số trong năm và những gỉai pháp an tòan và hiệu quả để quản lý sâu đục trái bưởi;


       * Xây dựng quy trình và phổ biến quy trình phòng trừ tổng hợp ra cộng đồng để hạn chế sự lây lan của sâu đục trái bưởi nhằm tăng năng suất, chất lượng và tăng thu nhập cho nông dân;


       * Tỷ lệ sâu đục trái ở mô hình giảm 80 - 90% và thu nhập của người nông dân tăng lên 10 - 20% so với đối chứng nông dân không áp dụng;


       * Nâng cao kiến thức cho cán bộ nông nghiệp, khuyến nông và người dân.


       Kết quả của đề tài đã đưa ra quy trình phòng trừ sâu đục trái bưởi, phổ biến rộng rãi cho bà con nông dân trồng bưởi trong tỉnh có thể áp dụng các giải pháp đề xuất để quản lý vườn bưởi của mình trước lòai côn trùng lạ và nguy hiễm nầy. Hy vọng qua những giải pháp trên sẽ giúp nhà vườn trồng bưởi có thể hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lòai sâu lạ gây ra; đồng thời, góp phần nâng cao thu nhập một cách bền vững cho người trồng bưởi như mục đề tài nghiên cứu khoa học đề ra.

 

NVR
Tin liên quan