Nhằm giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, trong năm 2016, Tiền Giang quan tâm chuyển giao những kỹ thuật thâm canh theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, giúp nông dân sản xuât thành công trong tình hình thời tiết, thủy văn bất lợi, hạn hán và xâm nhập mặn gay gắt kéo dài trong mùa khô và mưa bão diễn biến phức tạp trong mùa mưa. | |
Thực hiện chủ trương trên, các ngành hữu quan đã triển khai 27 mô hình “Một phải năm giảm và công nghệ sinh thái” với qui mô diện tích 270 ha tại các địa bàn trọng điểm về sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Qua khảo sát thực tế cho thấy, hiệu quả tiết kiệm bình quân từ 2 đến 3 triệu đồng/ ha/vụ vừa bảo vệ được sức khỏe và môi trường, giúp cân bằng hệ sinh thái trên đồng ruộng cùng nhiều lợi ích to lớn khác.
Ông Nguyễn Văn Thanh, khuyến nông viên xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây cho biết, qua thực tế tham gia mô hình, năng suất lúa đạt 60 tạ/ ha/ vụ, sau khi bán trừ chi phí nông dân còn thu lợi nhuận trên 15,3 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng đối chứng ngoài mô hình trên 3,2 triệu đồng/ ha. Lợi nhuận tăng thêm nhờ nông dân tăng được năng suất, giảm đáng kể chi phí do giảm giống, giảm phân đạm và giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật.
Cũng tại huyện Gò Công Tây, tỉnh đã triển khai Dự án “Xây dựng và nhân rộng mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long và Nam Trung bộ” trên địa bàn xã Thạnh Nhựt. Qui mô 60 ha với 45 hộ nông dân tham gia. Bà con được hướng dẫn áp dụng kỹ thuật sạ hàng, sử dụng lượng giống khoảng 80 kg/ha, dùng giống lúa xác nhận. Qua đánh giá, hiệu quả giảm chi phí, giảm giá thành sản xuất, năng suất cao hơn ruộng đối chứng từ 30 tạ đến 50 tạ/ ha.
Trên địa bàn huyện ven biển Gò Công Đông thường xuyên đối mặt với hạn hán và xâm nhập mặn, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang triển khai dự án “Áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa” tại xã Phước Trung, qui mô 90 ha với 150 hộ nông dân tham gia. Ngoài việc sản xuất theo các biện pháp kỹ thuật tiên tiến giúp giảm chi phí, tăng năng suất lúa, tăng thêm lợi nhuận từ 2 đến 3 triệu đồng/ ha so với đối chứng, nông dân còn được hướng dẫn sử dụng máy cuốn rơm nhằm tận thu rơm rạ, hạn chế đốt đồng, giảm được phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra, trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp trong mùa khô ảnh hưởng đến các huyện, thị xã ven biển Gò Công, Tiền Giang còn triển khai thêm hàng chục mô hình chăm sóc lúa trong điều kiện hạn mặn, phun chất điều hòa sinh trưởng Brassinolide tại huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông và thị xã Gò Công trên qui mô diện tích 80 ha. Bước đầu, mô hình đã mở ra những hướng canh tác, chăm sóc lúa phù hợp trong tình hình hạn mặn phức tạp, giảm nhẹ được thiệt hại do thiên tai.
Cùng với triển khai các dự án chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến cho những địa bàn khó khăn, thích ứng biến đổi khí hậu, Tiền Giang còn tích cực khuyến khích nông dân áp dụng rộng rãi những giải pháp thâm canh trong quá trình canh tác, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch nhằm nâng cao hiệu quả canh tác, giúp nông dân ổn định đời sống và sản xuất, chung sức xây dựng nông thôn mới giảu đẹp. Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trên 90% diện tích canh tác xuống giống theo lịch thời vụ tập trung, đồng loạt né rầy; trên 70% diện tích áp dụng kỹ thuật sạ thưa, sạ hàng; trên 75% sử dụng giống lúa cấp nguyên chủng và xác nhận; cơ giới hóa khâu làm đất và bơm tát đạt 100% diện tích; gần 99% diện tích thu hoạch bằng cơ giới…
Chính nhờ những nỗ lực chuyển giao kỹ thuật thâm canh cho nông dân những vùng canh tác khó khăn theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, Tiền Giang đã giảm nhẹ được thiệt hại do thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp đồng thời còn giành được những vụ mùa bội thu. Trong năm 2016, mặc dù hạn mặn diễn biến phức tạp nhưng tỉnh chỉ có trên 5.400 ha bị thiệt hại do thiên tai. Qua các vụ sản xuất trong năm, nông dân đã xuống giống trên 216.000 ha, vượt 7,2% so kế hoạch cả năm. Bà con đã thu hoạch đạt năng suất bình quân 59,54 tạ/ ha và sản lượng lúa cả năm trên 1,27 triệu tần, vượt 6,3% so chỉ tiêu cả năm.