Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Cần nâng cao chất lượng cá tra xuất khẩu
(Ngày đăng: 14/11/2016)

Chất lượng sản phẩm cá tra được quản lý từ trong quá trình nuôi, chế biến cho đến khâu bảo quản và bán cho người tiêu dùng sản phẩm cuối cùng (chủ yếu là xuất khẩu). Trong quá trình này, các mối nguy ảnh hưởng tới đặc tính an toàn vệ sinh thực phẩm được quản lý nghiêm ngặt nhất, trong đó công đoạn nuôi cá tra thương phẩm có nhiều rủi ro nhất về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, để nâng cao chất lượng cá tra xuất khẩu cần tập trung vào kiểm soát, nâng chất lượng khâu nuôi cá nguyên liệu.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Châu Thành, Tiền Giang

 

       Tồn tại trong quản lý chất lượng cá tra xuất khẩu


       Một doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu KCN Mỹ Tho (Tiền Giang) cho biết, năm 2016, xuất khẩu thủy sản có những khó khăn nhất định, đầu tiên là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Các nước tiên tiến nhập khẩu sản phẩm thủy sản của Việt Nam luôn luôn đặt nặng nhất vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.


       Theo Khoa Thủy sản (Trường ĐH Cần Thơ), chất lượng cá tra nguyên liệu phụ thuộc vào chất lượng của thức ăn, thuốc và hóa chất, môi trường ao nuôi và kỹ thuật nuôi. Vì vậy, chất lượng các yếu tố đầu vào và quá trình quản lý về kỹ thuật nuôi cũng phải đáp ứng được các yêu cầu, quy định các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong và ngoài nước.


       Các rủi ro về chất lượng an toàn thực phẩm mà công đoạn nuôi khó quản lý được là thức ăn cho cá, thuốc và hóa chất không đạt tiêu chuẩn (chứa chất cấm sử dụng hoặc vượt mức cho phép). Trong quá trình nuôi, nguồn nước nuôi bị ô nhiễm từ chất thải công nghiệp, nông dược hay nước thải sinh hoạt cũng ảnh hưởng đến chất lượng cá tra.


       Bên cạnh đó, sự không tuân thủ các quy định về kỹ thuật nuôi cũng có thể gây ra những rủi ro lớn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Những rủi ro này có thể dẫn đến kết quả sản phẩm không đạt tiêu chuẩn các nước nhập khẩu đặt ra do sự tồn lưu của kháng sinh, hóa chất và nông dược. Các loại thuốc và hóa chất thường được tìm thấy trong các sản phẩm cá tra là: Ivermetic, Neomycin, Chloraphenicol, các Quinolones khác, Ciprofloxacin, Enrofloxacin, Doxycyline, Malachite Green, Trifuralin và Chlopyrifos.


       Bảo quản và chế biến quyết định đến chất lượng sản phẩm đầu ra. Quá trình chế biến phụ thuộc rất lớn vào điều kiện trang thiết bị và trình độ kỹ thuật cũng như mức độ nghiêm ngặt của các quy trình sản xuất. Chế biến là khâu có nhiều công đoạn mà sản phẩm có thể bị phơi nhiễm các vi sinh vật, các loại thuốc – hóa chất sử dụng tẩy rửa, thanh trùng nhà máy, trang thiết bị hay việc sử dụng các phụ gia quá mức cho phép cũng như bao bì không đạt tiêu chuẩn và điều kiện bảo quản (nhiệt độ) không đạt.


       Năm 2014, có 19 trường hợp phát hiện tồn lưu semicarbarzide (chất chuyển hóa của Nitrofurazone) trên cá tra, trong khi kháng sinh nhóm nitrofuran không được phổ biến và sử dụng trong nuôi cá. Kết quả kiểm tra từ nhà máy cho thấy có sự nhiễm của kháng sinh này chủ yếu do nhiễm từ các loại hóa chất sử dụng trong ngâm quay tăng trọng hay thuốc khử trùng sử dụng trong nhà máy chế biến.


       Ngoài ra, các sản phẩm cá tra có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng trong quá trình thu hoạch, chế biến bảo quản do các nguyên nhân vi sinh vật như Salmonella, Listeria spp, Escherichia coli, Vibrio chorela, Enterobacteriaceae và Aerobic mesophiles và các chất không khai báo E 330 – axit citric. Quá trình sản phẩm bị phơi nhiễm các tác nhân trên cũng có thể do hư hỏng từ đóng gói.


       Hơn 10 năm qua, chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng được cải thiện. Trong giai đoạn này, các thông tin (thông báo, cảnh báo và loại bỏ hàng hóa tại cửa khẩu) liên quan tới chất lượng các sản phẩm cá tra là 184 trường hợp, trong đó các trường hàng hóa bị loại tại cửa khẩu cá 42%.


       Các vấn đề về chất lượng cá tra liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm do sự tạp nhiễm các loại tác nhân như: dư lượng kháng sinh, sự tạp nhiễm các loại tác nhân như dư lượng kháng sinh, các vi sinh vật gây bệnh, các thuốc thú y, nhiệt độ bảo quản và gần đây là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, nếu xét trên đơn vị khối lượng hàng hóa nhập khẩu thì các sản phẩm cá tra có tần suất cảnh báo vi phạm thấp hơn so với mặt hàng tôm he và cá kiếm, cá ngừ.


      
Xu hướng và giải pháp phát triển


       Theo các chuyên gia ngành hàng cá tra, các sản phẩm cá tra phải tuân thủ các quy định chuẩn mực về an toàn vệ sinh thực phẩm của các quốc gia và vũng lãnh thổ có liên quan tới sản xuất và tiêu thụ sản phẩm này. Các quy định sẽ thay đổi theo hướng nghiêm ngặt hơn nhằm đảm bảo sức khỏe người sản xuất - tiêu dùng, sức khỏe động vật nuôi và bảo vệ tốt hơn môi trường tự nhiên.


       Theo yêu cầu của thị trường quốc tế về tiêu thụ cá tra Việt Nam thì các doanh nghiệp nuôi và sản xuất cá tra phải đạt các tiêu chuẩn thương mại (tùy theo thị trường), tất nhiên có những thị trường không đòi hỏi khắt khe (thị trường dễ tính) phải đạt chứng nhận. Tuy nhiên, tối thiểu cũng phải đảm bảo sản phẩm sạch và an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng ở các thị trường này. Đối với thị trường trong nước thì việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP là cần thiết để đảm bảo sản phẩm sạch và toàn toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng cá tra ở thị trường nội địa.


       Mặc dù nuôi cá tra theo tiêu chuẩn chứng nhận quốc tế có chi phí đầu tư cao hơn do chi phí nâng cấp cơ sở hạ tầng, chi phí thuê tư vấn đáng giá tác động xã hội, đánh giá tác động môi trường, chi phí thức ăn tăng và chi phí đánh giá chứng nhạn (trung bình 100 triệu đồng/trang trại/lần đánh giá và duy trì giá trị trong 2 năm) so với các trang trại nuôi chưa đạt chứng nhận nhưng các trang trại nuôi cá tra theo tiêu chuẩn chứng nhận vẫn áp dụng vì thị trường tiêu thụ quốc tế đòi hỏi và vì những lợi ích như đã phẩn tích ở trên. Vì vậy, cần có những tác động tích cực từ các doanh nghiệp nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra cũng như các nhà quản lý địa phương để nâng cao giá trị cá tra đạt các tiêu chuẩn thương mại trong thời gian tới.


       Ngoài ra, các trang trại nuôi bình thường chưa quan tâm đến việc bảo vệ môi trường (đa phần xả nước và bùn thải ra môi trường tự nhiên), sản xuất sản phẩm sạch và an toàn vệ sinh thực phẩm (hạn chế sử dụng thuốc và hóa chất cấm) để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng trong và ngoài nước. Cần nâng cao nhận thức của người nuôi cá tra về trách nhiệm môi trường và xã hội trong thời gian tới thông qua việc áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, nhưng vì chi phí áp dụng các tiêu chuẩn này khá cao, trong khi nguồn vốn của hộ nuôi cá riêng lẻ còn hạn chế, chỉ các doanh nghiệp có vùng nuôi cá tra và nhà máy chế biến xuất khẩu cá tra có đủ điều kiện thực hiện. Trong thời gian sắp tới, việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP là cần thiết nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm sạch và an toàn thực phẩm.


       Quá trình sản xuất và kinh doanh cá tra phát triển theo hướng bền vững cần phải có giải pháp để quản lý chất lượng sản phẩm cá tra sạch và an toàn vệ sinh thực phẩm. Muốn vậy, đòi hỏi ý thức cao của người nuôi và chế biến xuất khẩu cũng như sự quan tâm hơn nửa của ngành chức năng trong việc tăng cường kiểm soát và kiểm tra các cơ sở mua bán thuốc, hóa chất và thức ăn cũng như việc sử dụng thuốc và hóa chất cấm ở các cơ sở nuôi và chất lượng sản phẩm cá tra ở các nhà máy chế biến xuất khẩu thuộc các tỉnh ĐBSCL trong thời gian tới; các quy định chuẩn mực về an toàn vệ sinh thực phẩm cần được minh bạch hơn trong quá trình hình thành và thực thi nhằm giúp cho các khâu sản xuất nắm và thực hiện theo đúng các quy định này.


       Các quy định phi chuẩn mực cần được xác định rõ mực tiêu nhằm đưa ra tiêu chuẩn giống nhau (hay có khả năng đồng công nhận cao) và tiến hành đồng công nhận với nhau trong tương lai gần, tránh có quá nhiều nhãn hiệu chứng nhận với nguyên tắc giống nhau và quá trình sản xuất và kinh doanh cá tra cũng như các quy định chuẩn mực và phi chuẩn mực cần được thảo luận, thống nhất và thực hiện một cách minh bạch, góp phần tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.

       Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), giá trị xuất khẩu cá tra trong 9 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng gần 7% về sản lượng và trị giá xuất khẩu đạt gần 1,2 tỷ USD. Dự báo, nhu cầu nhập khẩu cá tra trong quý 4/2016 và quý 1/2017 tăng ở hầu hết các thị trường với mức tăng khoảng 20% do đây là mua cao điểm tiêu thụ).        

 

Thành Công
Tin liên quan