Nông dân địa bàn canh tác khó khăn chuyển đổi sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu
(Ngày đăng: 11/10/2016)
Nhằm sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, nông dân những địa bàn cánh tác khó khăn trong tỉnh Tiền Giang như: Vùng Đồng Tháp Mười, vùng dự án ngọt hóa Gò Công, vùng ngập mặn ven biển,… đang tích cực chuyển đổi từ trồng lúa độc canh sang trồng rau màu hoặc các cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế bền vững. | |
Theo báo cáo từ các địa phương trong khu vực, từ đầu năm đến nay, nông dân đã chuyển đổi trên 3.200 ha đất canh tác lúa sang trồng các loại rau màu thực phẩm ngắn ngày theo các mô hình luân canh, xen canh, chuyên canh. Đi tiên phong có huyện cù lao ven biển Tân Phú Đông. Đây là huyện có điều kiện thiên nhiên khắt nghiệt, mỗi năm bị mặn xâm lấn từ 6 đến 9 tháng kết hợp với hạn hán gay gắt gây nhiều thiệt hại. Đúc kết kinh nghiệm đối phó với thiên tai và biến đổi khí hậu trong mùa khô 2016 vừa qua, nông dân địa phương đã chuyển đổi 360 ha đất trồng lúa một vụ sang lập vườn trồng cây ăn quả và trồng sả - một cây màu thực phẩm đồng thời là cây dược liệu mang lại giá trị kinh tế cao. Nông dân Phạm Minh Hùng, cư ngụ tại ấp Giồng Keo, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông vừa qua đã chuyển đổi 1,5 ha đất trồng lúa độc canh sang trồng sả. Ông Hùng cho biết, trong năm vừa qua, gia đình ông đạt sản lượng 30 tấn sả. Với giá bán bình quân 5.000 đ/kg, ông Phạm Minh Hùng thu được 150 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 100 triệu đồng. Nhờ chuyển đổi sản xuất từ trồng lúa sang trồng sả chuyên canh, gia đình ông không chỉ vượt khó thoát nghèo mà còn mở ra hướng làm giàu bền vững.
Tương tự, nông dân các huyện: Tân Phước, Cai Lậy, Châu Thành… thuộc khu vực Đồng Tháp Mười và vùng ven đã tích cực phát huy tiềm năng đất đai mở rộng diện tích trồng dưa hấu lên hàng ngàn ha mang hiệu quả kinh tề gấp 2 – 3 lần so với trồng lúa năng suất cao, tạo nguồn nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế cao phục vụ nhu cầu thị trường.
Ông Cao Xuân Nguyện, cư ngụ tại xã Bình Đông, thị xã Gò Công. Bình Đông - địa phương được xếp vào diện khó khăn, thiên nhiên khắt nghiệt nhất vùng ngọt hóa Gò Công. Do nằm ven vàm Soài Rạp trên sông Vàm Cỏ, tiếp giáp với biển Đông nên đất đai nhiễm mặn, nhiễm phèn, thiếu nước ngọt sinh hoạt và sản xuất. Tại đây, gia đình ông Cao Xuân Nguyện có trên 5,1 ha đất canh tác. Trước tình hình trên, để mở ra hướng phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, ông Cao Xuân Nguyện quyết định chuyển từ trồng lúa bấp bênh sang lập vườn trồng thanh long ruột đỏ, trồng chuối già và trồng bưởi da xanh theo mô hình chuyển đổi cây trồng. Với mô hình trên, mỗi năm, gia đình ông thu lãi ròng trên 400 triệu đồng, trở thành triệu phú vùng nông thôn ven biển Gò Công.
Minh Trí
Tin liên quan
Sử dụng vaccine và thuốc thú y hiệu quả (18/11/2024)
Tiền Giang đưa sản phẩm OCOP ra thị trường (25/12/2023)