Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Nhận diện bệnh vàng lá trên cây bưởi và biện pháp phòng trị
(Ngày đăng: 11/10/2016)

Bưởi là một trong những loại cây ăn trái dễ trồng, không tốn quá nhiều công chăm sóc, cho năng suất cao, hơn nữa luôn được thị trường ưa chuộng nên được nông dân ở Đồng Bằng Sông Cữu Long trồng phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện nhiều dịch hại, ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng trái, thậm chí nhiều nhà vườn phải đốn bỏ cây nhiễm bệnh, trong đó bệnh vàng lá là một trong những loại bệnh gây hại nghiêm trọng nhất trên cây bưởi.
Bệnh vàng lá Greening: (vàng lá gân xanh)

 

       Hiện tượng vàng lá trên cây bưởi có thể chi thành 2 nhóm: Nhóm vàng lá do hiện tượng sinh lý tạo ra (do thừa hay thiếu chất dinh dưỡng) và nhóm vàng lá do bệnh lý tạo ra (do nấm, vi khuẩn, virus, tuyến trùng). Do đó, nhà vườn cần nhận biết và phòng trị kịp thời bệnh vàng lá một số bệnh vàng lá trên cây bưởi là cần thiết để không ảnh hưởng đến cây bưởi.


      
I. Vàng lá do sinh lý:


       - Thiếu đạm: xuất hiện trên lá già có màu xanh nhạt, sau đó chuyển sang vàng nhạt. Rụng lá sớm hơn bình thường.


       - Thiếu Kali : Thiếu kali cây tăng trưởng chậm, lá nhỏ chuyển màu vàng không đều, loang lổ, sự biến vàng bắt đầu từ gần nửa đỉnh của lá.


       - Thiếu Magesium: thể hiện sự khác biệt ở đỉnh của các lá già, lá có màu vàng thau hình chữ V ngược.


       - Thiếu kẽm: phiếu lá vàng gân vẫn xanh, lá nhỏ và dóng lá dầy, có khuynh hướng mọc thẳng đứng. Chủ yếu trên lá non.


      - Thiếu sắt: gân lá có màu xanh tối, xuất hiện ở lá non; khi thiếu trầm trọng, lá non dần dần chuyển sang màu vàng, các lá non về sau sẽ bị trắng, cây có thể rụng lá, chết cành.

 

SO SÁNH TRIỆU CHỨNG THIẾU DINH DƯỠNG TRÊN CÂY CÓ MÚI

 


       Để khắc phục những triệu chứng thiếu dinh dưỡng nêu trên thì giải pháp bón phân đầy đủ. Nhưng cần lưu ý đến sự cân đối giữa các nguyên tố đa lượng, trung lượng và vi lượng, giữa phân hóa học và phân hữu cơ. Khi phát hiện thấy cây thiếu dinh dưỡng, giải pháp sử dụng phân bón lá để phun cho cây thường có hiệu quả, cao hơn hẳn phân bón qua gốc nhưng cần chú ý tới thành phần của phân bón lá, để đảm bảo cung cấp đúng những nguyên tố mà cây đang cần.


       II. Vàng lá do bệnh lý:


       1. Bệnh vàng lá Greening: (vàng lá gân xanh)


       - Triệu chứng:


       + Trên lá: Biểu hiện đặc trưng của bệnh là phiến lá hẹp, khoảng cách giữa các lá ngắn lại, có màu vàng, nhưng gân chính và gân phụ vẫn còn màu xanh và nhỏ, mọc thẳng đứng như tai thỏ, nên có tên gọi bệnh vàng lá gân xanh. Trên lá già, lá bị dày lên, nhám, gân lồi, sần sùi và hóa bần (nâu đen).


       + Trên quả: Quả nhỏ hơn bình thường, méo, khi bổ dọc thì tâm quả bị lệch hẳn sang một bên, quả có quầng đỏ từ dưới lên. Hạt trên quả bị bệnh thường bị thối, có màu nâu.


       - Tác nhân: do vi khuẩn Liberobacter asiaticus, rầy chổng cánh (Diaphorina citri) làm môi giới truyền bệnh, mầm bệnh không lưu truyền qua trứng rầy và hạt giống.


       - Phòng trị:


       + Không trồng giống có nguồn gốc từ những vườn cây có triệu chứng bệnh hoặc giống không rõ xuất xứ.


      + Loại bỏ cây đã nhiễm bệnh để tiêu hủy mầm bệnh, tránh chiết, tháp và lấy mắt trên các cây nghi ngờ có mầm bệnh.


       + Khử trùng sau mỗi lần sử dụng các dụng cụ cắt tỉa.


      + Trồng giống sạch bệnh và nên cách ly với vùng nhiễm bệnh, vườn trồng phải có cây chắn gió để hạn chế rầy chổng cánh di chuyển từ nơi khác tới.


       + Khi cây bị nhiễm nhẹ, cắt tỉa và tiêu hủy các cành, cây bị bệnh để tránh lây lan. Khi cây bị nhiễm nặng cần loại bỏ toàn bộ cây ra khỏi vườn.


       + Phun thuốc trừ rầy chổng cánh vào các đợt ra lá non.


      
2. Bệnh Tristeza: (vàng lá gân trong)

 

Bệnh Tristeza: (vàng lá gân trong)


       - Triệu chứng: Cây bị nhiễm bệnh thường lùn, còi cọc, phát triển kém, lá hơi vàng ở rìa lá và nhỏ. Quan sát kỹ ở gân lá bánh tẻ ta thường thấy có những đoạn trong suốt; sưng lên; lá dầy, mặt lá sần sùi; gân cong; thân bị lõm chủ yếu ở trên cành già. Trên thân (cành) thường có những vết lõm thân làm phần gỗ bên trong vặn vẹo, bệnh lây lan nhanh làm cây lụi tàn dần.


       - Tác nhân: Tác nhân gây bệnh là một loại virus gọi có tên Citrus Tristera. Bệnh lây lan qua mắt ghép, hoặc do các loài rầy mềm như: rầy mềm chích hút nhựa cây và lan truyền bệnh.


     
  - Phòng trị:


       + Sử dụng cây giống sạch bệnh.


       + Sát trùng dụng cụ làm vườn bằng Javel hoặc hơ với lửa.


       + Trồng với mật độ hợp lý tránh giao tán.


       + Tạo tán, tỉa cành tạo vườn thông thoáng.


       + Loại bỏ cây nhiễm bệnh, kiểm soát và phòng trừ rầy mềm trên vườn và trên các cây ký chủ.


       + Diệt rầy mềm bằng biện pháp phun thuốc hóa học định kỳ để bảo vệ các đợt lá non như: Actara, Regent, Trebon, Oshin, Dantotsu....


        3. Bệnh thối gốc, chảy mủ: (vàng lá gân vàng)

 

 

Bệnh thối gốc, chảy mủ: (vàng lá gân vàng)


        - Triệu chứng: Bệnh thường xuất hiện trên thân cây ở phần sát gốc, cổ rễ hoặc tại các vết ghép. Nấm xâm nhập vào thân gây ra những vết thối màu nâu trên vỏ, những vết nứt theo chiều dọc của thân để lộ ra phần gỗ có màu nâu, chảy nhựa, lúc đầu có màu vàng, sau đó khô lại có màu nâu trong. Bệnh có thể phát triển nhanh bao quanh thân làm thân xì mủ hoặc trên rễ chính làm rễ bị thối, trên lá làm cho các lá bị vàng, nhất là gân lá, sau đó lá rụng đi, chồi bị xoăn, cành bị khô và chết, tấn công trên trái làm trái bị thối nâu.


       - Tác nhân: Do nấm Phytophthora sp gây ra. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ thấp (15-25oC), ẩm độ cao, đất trồng ẩm ướt thường xuyên, thoát nước kém trong mùa mưa, vườn trồng dầy, ít được tỉa cành tạo tán, bón phân không cân đối.


       - Phòng trị:


      + Dùng gốc ghép kháng bệnh như cam chua, cam 3 lá... vết ghép phải cách mặt đất 30 – 50 cm để hạn chế nấm bệnh xâm nhập qua vết ghép.


       + Đất trồng phải thoát nước tốt, không nên tủ gốc trong mùa mưa, tưới ẩm cho cây trong mùa khô.


       + Trồng với mật độ thích hợp, hàng năm cần vệ sinh vườn, cắt tỉa các cành quá sát mặt đất để cây thông thoáng.


       + Tránh gây những vết thương cơ giới ở vùng rễ và thân gần gốc khi chăm sóc, trèo hái trái.


       + Dọn sạch tàn dư trong vườn tránh mầm bệnh lưu tồn.


       + Sử dụng cân đối các loại phân có chứa đầy đủ đạm, lân, kali và các chất trung vi lượng.


       + Diệt côn trùng đặc biệt là mối.

 

       + Khi phát hiện bệnh có thể dùng một trong các loại thuốc: Aliette 80WP, Ridomil Gold 68 WP, Mataxy 25WP , Aliette 80WP… để phun xịt lên cây.


       + Những cây đã bị thối ở vỏ, thân, gốc và rễ cái thì dùng dao cạo sạch vết bệnh rồi quét lên đó dung dịch Boocđô 1% hoặc Aliette 80WP pha nồng độ 10 -15% (10-15ml thuốc với 85 - 90ml nước).


       4. Bệnh Vàng lá thối rễ: (vàng lá gân trắng)

 

 

Bệnh Vàng lá thối rễ: (vàng lá gân trắng)


       - Triệu chứng: Cây bị bệnh lá vẫn bình thường, nhưng gân lá có màu vàng trắng, phiến lá ngã màu vàng xanh và sau đó rụng đi. Lúc đầu chỉ có một vài nhánh biểu hiện vàng, rụng lá, nhưng sau đó toàn cây sẽ bị rụng lá. Cây bị bệnh cho nhiều chồi ngắn, lá nhỏ, nhiều hoa, trái, trái chua và cuối cùng cây chết hẳn. Đào rễ lên thấy phía cành rụng lá rễ bị thối, vỏ rễ tuột khỏi phần gỗ, gỗ bị sọc nâu lan dần vào rễ lớn. Bệnh nặng tất cả rễ bị thối và cây chết.


       - Tác nhân:
do nấm Fusarium solani tấn công rễ con làm thối rễ.


       - Phòng trị:


       + Trồng cây nơi đất cao thoát nước tốt, nếu vùng đất thấp phải làm bờ bao.


       + Cần rải vôi trước khi trồng để loại trừ nấm có trong đất.


       + Hàng năm nên cung cấp thêm vôi xung quanh, quét vôi vào gốc cây trên 50cm vào cuối mùa nắng.


       + Xới nhẹ xung quanh gốc và tuới thuốc trừ nấm bệnh.


       + Khi phát hiện bệnh sớm thì cắt bỏ rễ bị thối và bôi thuốc vào vết cắt.


       + Kết hợp nấm đối kháng Tricoderma ủ với phân chuồng hoai mục bón hàng năm nhằm tạo tơi xốp cho đất, hạn chế bệnh sẽ hiệu quả hơn.


       + Bón thêm phân kali, lân làm tăng khả năng đề kháng của rễ cây đối với bệnh.


      + Đối với cây mới chớm bệnh nên sử dụng một trong các loại thuốc sau: Aliette 80WP, Ridomil 72WP, Benomyl 50WP, Norshield 86.2WG.

 

Nguyễn Trung Hiếu – Trạm Khuyến Nông Châu Thành
Tin liên quan