“Kỹ sư không bằng cấp” Dương Quốc Thái, chủ cơ sở cơ khí Quốc Thái (xã Hậu Mỹ Bắc B, Cái Bè, Tiền Giang) vừa sáng chế thành công thiết bị đắp bờ rất tiện dụng. Thiết bị này (được lắp vào đầu máy kéo) mỗi ngày có thể thi công từ 8 - 10 km bờ ruộng (bờ ranh), công suất gấp 100 lần so với 1 lao động thủ công. | |
Anh Thái và thiết bị đắp bờ do anh sáng chế |
Anh Thái cho biết, qua đặt hàng của một số khách hàng ở tỉnh Long An, anh tiến hành nghiên cứu một đoạn clip được đăng tải trên mạng internet giới thiệu sơ lược về máy đắp bờ do Nhật Bản sản xuất. Sau hơn 10 ngày tính toán, thiết kế mô hình và huy động 4 anh em công nhân của cơ sở làm việc cật lực trong 7 ngày ròng rã, anh đã cho ra đời thiết bị đắp bờ rất tiện dụng.
Vận hành thiết bị đắp bờ trên đồng ruộng
Thiết bị này gồm có một khung sắt được lắp các bộ phận chính như: cốt truyền động (kết nối với trục quay của máy kéo sau hộp số); nhông và xích tải; hộp giảm tốc và trục các-đăng (với các khớp nối hình chữ thập); dao xới (hay bông xới) và cạc-te; nón lá (gồm nhiều lá thép ghép lại, được hàn thêm ống thép dài khoảng 45cm tại đỉnh nón, dùng để ép đất cạnh bên và bề mặt bờ nhờ chuyển động quay tròn)… cùng một số phụ tùng khác do anh tự gia công.
Thiết bị được vận hành thông qua đầu máy kéo (Kubota hay Isaki…). Khi lắp thiết bị này vào đầu máy kéo, cốt truyền động được kéo quay làm quay hộp giảm tốc, dao xới (thông qua bộ nhông và xích tải) để lấy đất đắp bờ. Nón lá chuyển động quay và đi sau dao xới (được truyền động từ hộp giảm tốc thông qua trục các-đăng) để ép đất do dao xới đi trước đào và đắp thành bờ, giúp cho bờ được dẽ và lán. Bờ ruộng được đắp có bề rộng 25cm, cao 30cm. Nếu có điều kiện thi công 2 bên (2 hộ giáp ranh cùng hợp tác thi công), bờ được đắp sẽ có mặt cắt hình thang cân thẳng như căng dây, trông rất đẹp mắt.
Thiết bị đắp bờ do anh sáng chế hiện có 2 loại, được bán với giá 20 triệu và 25 triệu đồng/bộ. Trong đó, bộ 20 triệu đồng được thiết kế tương thích với đầu kéo Kubota 2002, công suất đắp 8km bờ/ngày; bộ 22 triệu đồng (công suất lớn hơn) được thiết kế để sử dụng cho đầu kéo Kubota 6040, 7040 hay Isaki 6500, công suất có thể đạt 10 km bờ/ngày. Theo anh Thái, việc tính toán tỷ số truyền mất nhiều thời gian và công sức, đòi hỏi người thiết kế phải am hiểu về công suất, tốc độ vòng quay (tua máy) của từng loại đầu kéo. Khi tỷ số truyền được thiết kế phù hợp, đường kính nhông chủ động và bị động (kéo dao xới quay thông qua xích truyền động) tương thích sẽ giúp thiết bị vận hành êm dịu, không làm rần máy.
Thiết bị này khi lắp vào đầu máy kéo, năng suất đắp bờ gấp 100 lần so với 1 lao động thủ công (chỉ đắp được 80 – 100 mét bờ/ngày) trong khi đơn giá thi công chỉ 1.000 đồng/mét, thấp hơn nhiều so với thuê lao động đào bằng tay (2.700 đồng/mét).
Kể từ khi sáng chế thành công thiết bị đắp bờ đầu tiên, đến nay anh Thái đã xuất bán được 5 bộ thiết bị cho khách hàng ở các tỉnh Long An, Đồng Tháp, Bà Rịa – Vũng Tàu. “Hiện tại, có hàng chục khách hàng ở các tỉnh điện thoại đến đặt hàng, nhưng tôi chưa nhận lời hết vì không làm kịp và chúng tôi chỉ thoả thuận ngầm với nhau là ai đến trước sẽ được giao hàng trước” – anh Thái phấn khởi cho biết.
Hiện anh Thái đang hoàn chỉnh hồ sơ thiết bị trên để tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XII (2016 – 2017) do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức.