Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Chiến thắng Rạch Ruộng
(Ngày đăng: 10/07/2012)
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở chiến trường Khu 8 (còn gọi là Khu Trung Nam bộ, gồm các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre) có nhiều sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn, trong đó có sự kiện quân và dân ta đối đầu với quân viễn chinh Mỹ và bọn tay sai tại Rạch Ruộng.

Ngày 4-12-1967, trên đoạn Rạch Ruộng xã Tân Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 502 tỉnh Đồng Tháp được sự hỗ trợ của Đảng bộ và nhân dân địa phương đã mưu trí, dũng cảm giáng cho quân Mỹ và tay sai một đòn chí mạng, lập nên chiến công chói lọi.

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam (1954-1975), cùng với việc triển khai các chiến lược chiến tranh, đế quốc Mỹ đồng thời thực hiện nhiều hình thức, chiến thuật tân kỳ hòng tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam. Trên chiến trường sông nước tỉnh Mỹ Tho, nếu như Ba Rài được coi là trận thắng tiêu biểu, mở đầu cho sự phá sản của chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông”, thì trận Rạch Ruộng là làm phá sản hoàn toàn chiến thuật ấy của Mỹ-ngụy trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.

Năm 1965, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam có nguy cơ thất bại. Giặc Mỹ muốn dựa vào binh lực tinh nhuệ, vũ khí hiện đại, cơ động nhanh để tiêu diệt quân chủ lực của cách mạng, xóa sổ các vùng mà chúng xem là “đất thánh của Việt cộng”. ĐBSCL là vùng đất phì nhiêu, nơi có phong trào đấu tranh cách mạng mạnh mẽ, nơi cung cấp nguồn nhân lực, vật lực to lớn cho cách mạng. Đặc điểm ĐBSCL là nơi có sông rạch chằng chịt, mọi sinh hoạt của nhân dân phần lớn là bám các tuyến sông, rạch. Từ lâu, quân địch không thể kiểm soát được vùng này. Vì vậy, đế quốc Mỹ quyết định đưa bộ binh Mỹ vào trực tiếp tham chiến, hy vọng với những phương tiện, vũ khí hiện đại cùng với chiến thuật mới có thể “bình định” được vùng đất này.

Dựa vào sức mạnh quân sự, quân Mỹ tổ chức nhiều cuộc hành quân “tìm diệt” tiến công vào lực lượng vũ trang cách mạng, cố giành lại thế chủ động trên chiến trường, đẩy lực lượng vũ trang cách mạng vào thế bị động. Quân Mỹ - Ngụy mở liên tiếp hai cuộc phản công chiến lược trong hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 đánh vào vùng giải phóng và vùng căn cứ cách mạng.

Khi quân Mỹ bắt đầu triển khai thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, chúng đã tính tới khả năng và hiệu quả của việc đưa quân Mỹ đến miền sông nước Cửu Long. Với địa hình đó, nhiệm vụ của quân Mỹ không chỉ mở những cuộc hành quân qui mô lớn “tìm diệt” quân giải phóng mà còn hỗ trợ quân ngụy đối phó với chiến tranh du kích, với phong trào nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng cách mạng đang ngày càng lan rộng, mà Mỹ Tho là trung tâm của phong trào đó. Vì lẽ đó, lực lượng quân Mỹ tham chiến ở đây phải có sự thay đổi về tổ chức, cần áp dụng chiến thuật hợp lý, cần trang bị phương tiện chiến tranh thích hợp với điều kiện địa hình khá đặc trưng của miền sông nước sình lầy.

Để đối phó lại lực lượng cách mạng ở miền Nam, cuối năm 1965, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương bắt tay thực hiện kế hoạch xây dựng lực lượng đặc nhiệm thủy - bộ trên sông. Nhiệm vụ chính của lực lượng này là đảm bảo an toàn cho căn cứ Mỹ ở Đồng Tâm và các tuyến giao thông quan trọng như lộ 4 và sông Tiền; phối hợp với các lực lượng quân ngụy tiến hành hoạt động phản công quân giải phóng; yểm trợ cho công tác bình định nông thôn.

Ngày 5-7-1966, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mắc-Na-ma-ra phê chuẩn quyết định tổ chức lực lượng đặc nhiệm thủy - bộ. Ngày 28-1-1967, lực lượng này chính thức được triển khai tại căn cứ Đồng Tâm (xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho). Lực lượng đặc nhiệm thủy - bộ hay còn gọi là lực lượng cơ động đường sông, mà thành phần nòng cốt của lực lượng Lữ đoàn 2 thuộc Sư đoàn 9 bộ binh Mỹ. Trong lịch sử quân sự Hoa Kỳ, đây là lần thứ hai quân đội Mỹ có mô hình tổ chức theo kiểu này. Hơn 200 năm trước, trong cuộc nội chiến Nam - Bắc, Mỹ đã từng có một lực lượng được tổ chức như thế để thực hiện nhiệm vụ tác chiến dọc theo các dòng sông ở Bắc Mỹ. Lực lượng Sư đoàn 9 là lực lượng tinh nhuệ, có nhiều kinh nghiệm trong chiến đấu trên chiến trường sông nước cũng như trên bộ. Shenlle Stanton trong tác phẩm “Lực lượng lục quân Mỹ và quân đội đồng minh” đánh giá lực lượng Sư đoàn 9 Mỹ như sau: “Sư đoàn 9 là một khối hoàn chỉnh, không phụ thuộc vào các căn cứ yểm trợ cố định. Nó là một thực thể gồm những căn cứ lưu động trên sông” (1).

Quân Mỹ lấy Mỹ Tho làm nơi thí điểm chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” để đối phó với quân chủ lực và chiến tranh du kích. Triển khai chiến thuật mới, quân Mỹ đưa Lữ đoàn 2, Sư đoàn 9 tổ chức nhiều cuộc hành quân vào các xã Cẩm Sơn, Long Trung, Long Khánh (Cai Lậy), xã Bàn Long (Châu Thành). Qua các cuộc hành quân trên, lúc đầu quân Mỹ và tay sai có gây tổn thất và khó khăn cho lực lượng cách mạng.

Trước thủ đoạn mới của địch, Khu ủy Khu 8 chỉ đạo các lực lượng vũ trang xây dựng kế hoạch tác chiến, quyết tâm đánh bại chiến thuật mới của chúng, giữ vững căn cứ, làm chủ chiến trường, dồn quân Mỹ - ngụy trở lại thế bị động.

Thực hiện chiến thuật mới, ngày 15-9-1967, quân Mỹ huy động 3 tiểu đoàn bộ binh, xe thiết giáp M.113, tàu chiến, máy bay và báo binh yểm trợ, chia thành hai hướng tiến công: Trên bộ xuất phát từ chi khu Cai Lậy theo lộ Ba Dừa tiến vào phía đông xã Cẩm Sơn, hướng còn lại dùng xuồng thiết giáp từ sông Tiền theo rạch Ba Rài tiến vào phối hợp với hướng đông bao vây khép kín. Sau đó, chúng cho máy bay và pháo binh bắn phá để gây thương vong cho Tiểu đoàn 263, sử dụng bộ binh tiến vào tiêu diệt lực lượng còn lại.

Qua một ngày chiến đấu, quân và dân ta đã bắn chìm, bắn cháy 16 tàu chiến và 9 xe thiết giáp M.113; bắn rơi 1 máy bay F.100; tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm quân địch. Đây là trận chiến đấu mà quân giải phóng tiêu diệt được nhiều lính Mỹ nhất, tiêu hủy nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại nhất ở chiến trường tỉnh Mỹ Tho.

Nhưng với bản chất ngoan cố và điên cuồng chống lại lực lượng cách mạng, quân Mỹ phối hợp với quân ngụy tổ chức cuộc hành quân sâu vào vùng Đồng Tháp Mười, hòng tiêu diệt lực lượng chủ lực cách mạng, lấy lại uy thế của “Hạm đội nhỏ trên sông” của quân đội Mỹ.

Ngày 4-12-1967, Sư đoàn 9 bộ binh Mỹ phối hợp với Sư đoàn Thủy quân lục chiến quân ngụy cùng các binh chủng, quân chủng sử dụng tàu chiến và xuồng thiết giáp hành quân vào vùng tây bắc huyện Cái Bè, hòng tiêu diệt lực lượng chủ lực cách mạng và bộ tham mưu lãnh đạo kháng chiến của hai tỉnh Kiến Phong và Mỹ Tho.

Từ khi trận chiến nổ ra, khói lửa bao trùm Tân Hưng, cây ngã, hố bom chồng hố pháo, mặt đất rung chuyển... Nhưng các chiến sĩ Tiểu đoàn 502 vẫn bám công sự, đánh trả từng đợt tiến công của quân Mỹ, ngụy. Bom pháo địch bắn tới tắp, tàu chiến ầm ầm xông tới, các chiến sĩ vẫn bình tĩnh chờ quân giặc đến gần, phóng mình ra khỏi công sự, nhắm vào tàu giặc nhả đạn. Người này ngã, người kia tiếp bước xông lên, quyết tiêu diệt quân thù giữ vững trận địa.

Qua một ngày chiến đấu, Tiểu đoàn 502 đã bắn chìm, bắn cháy 37 tàu chiến; tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm quân địch. Đây là trận chiến đấu mà quân giải phóng tiêu diệt được nhiều sinh lực nhất, tiêu hủy nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại nhất ở chiến trường tỉnh Mỹ Tho trong năm 1967.

Trong vòng 3 tháng (kể từ trận Ba Rài huyện Cai Lậy đến trận Rạch Ruộng huyện Cái Bè), quân Mỹ và tay sai tổ chức hai cuộc hành quân với qui mô lớn về số lượng binh chủng, quân chủng với mật độ yểm trợ tối đa của phi cơ, pháo binh, tàu chiến lớn nhất từ khi quân Mỹ đặt chân đến vùng ĐBSCL đã bị quân và dân ta đánh thiệt hại nặng nề về người và nhiều binh khí kỹ thuật chiến tranh. Quân giải phóng đã có biện pháp đối phó hữu hiệu làm hạn chế sức mạnh của quân Mỹ và tay sai, vô hiệu hóa tính cơ động và đặc biệt là chiến thuật áp sát quân định trong chiến đấu “Bám thắt lưng địch mà đánh” đã làm hạn chế rất nhiều thế mạnh về hỏa lực của quân Mỹ.

Chiến thắng Rạch Ruộng một lần nữa chứng minh sự quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của quân và dân ta. Quân và dân ta luôn bám trụ và phản công địch, đồng thời linh hoạt vận dụng tốt 3 mũi giáp công, phối hợp tác chiến trên các chiến trường nhằm ngăn chặn, căng kéo, phân tán lực lượng địch, hạn chế sức mạnh của chúng. Chiến thắng Ba Rài và Rạch Ruộng của quân giải phóng đã chứng minh hùng hồn chiến thuật tân kỳ “Hạm đội nhỏ trên sông” của quân Mỹ đã hoàn toàn thất bại, làm tan vỡ niềm tin của quân đội Mỹ và tay sai vào “sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ”, góp phần đẩy nhanh quá trình phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Phát huy chiến thắng Ba Rài và Rạch Ruộng, quân và dân Khu 8 giữ thế chủ động tiến công trên chiến trường, tiêu diệt và làm tan rã nhiều sinh lực địch, làm suy yếu khả năng càn quét của chúng. Có thể nói, Chiến thắng Ba Rài và Rạch Ruộng tạo ra thế và lực mới để quân và dân Khu 8 tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, góp phần làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.

Chiến thắng Rạch Ruộng có ý nghĩa không chỉ về mặt quân sự là khẳng định vai trò của lực lượng vũ trang Quân khu 8; mà còn có vai trò quan trọng và quyết định, đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, mà trực tiếp là Khu ủy khu 8 và Tỉnh ủy hai tỉnh Kiến Phong và Mỹ Tho. Sự phân tích, đánh giá đúng tình hình, âm mưu thủ đoạn của địch, Khu ủy khu 8, Tỉnh ủy Kiến Phong và Mỹ Tho đã đề ra chủ trương phù hợp với thực tế chiến trường, chỉ đạo các lực lượng và địa bàn trọng điểm chuẩn bị tốt phương án tác chiến. Sự chủ động, chỉ đạo kịp thời của Khu ủy và Tỉnh ủy Kiến Phong - Mỹ Tho đã góp phần quyết định đánh bại trận càn của quân Mỹ trên địa bàn xã Tân Hưng.>

Nguồn: báo Ấp Bắc
Tin liên quan