Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tiền Giang: Nghề đánh bắt hải sản phát triển thuận lợi
(Ngày đăng: 03/10/2016)

Là tỉnh thuộc vùng ĐBSCL với diện tích bờ biển dài hơn 32 km, Tiền Giang có nghề đánh bắt hải sản truyền thống hình thành từ rất lâu đời. Qua quá trình phát triển, nghề đánh bắt hải sản của tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, để nghề đánh bắt hải sản của tỉnh phát triển bền vững thì cần phải thực hiện một số giải pháp cấp bách.
Cảng cá phường 2, Tp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang


Nhộn nhịp thị trấn Vàm Láng

 

Theo số liệu thống kê của ngành Nông nghiệp, thị trấn Vàm Láng có khoảng 400 tàu đánh bắt hải sản, trong tổng số 760 tàu đánh bắt hải sản của huyện Gò Công Đông; phần lớn các tàu này có công suất trên 90 Cv, được đầu tư trang thiết bị hiện đại như: máy bộ đàm, định vị, phao cứu sinh… để cập nhật tình hình thời tiết, liên lạc với đất liền cũng như đề phòng rủi ro tai nạn trên biển. Hàng năm, đội tàu đánh bắt hải sản của thị trấn Vàm Láng mang về đất liền hơn 22.000 tấn hải sản phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và chế biến hải sản xuất khẩu.
Cùng với sự phát triển của đội tàu đánh bắt hải sản, các dịch vụ hậu cần nghề cá (cảng cá, sửa chữa tàu, ghe, thu mua, sơ chế hải sản, cung cấp dầu, nước đá...) ở địa phương này cũng phát triển nhanh chóng. Hiện toàn thị trấn Vàm Láng có hơn 730 cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ, trong đó có 176 cơ sở chế biến và 461 tiểu thương góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.
Lưới kéo là nghề khai thác chính ở Vàm Láng nhưng trước đây các tàu này thường hoạt động riêng lẻ, mỗi tàu tự chủ về vốn, đánh bắt, tiêu thụ nên hiệu quả khai thác không cao. Khi hoạt động đánh bắt ngày càng tăng về quy mô, phát triển về số lượng thì ngư dân Vàm Láng càng nhận thức được rằng vấn đề liên kết với nhau thành các tổ hợp tác và khai thác có kế hoạch là yêu cầu cấp thiết. Chính vì vậy, dưới sự vận động, hỗ trợ của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, đến nay toàn xã Vàm Láng đã có 6 tổ hợp tác sản xuất trên biển được thành lập với hơn 30 tàu, 160 thành viên tham gia, nhằm hạn chế rủi ro, tiết kiệm chi phí sản xuất, trao đổi thông tin giá cả sản phẩm, nâng cao hiệu quả cho mỗi chuyến khai thác.
Ông Trần Văn Rô, Tổ trưởng Tổ hợp tác thủy sản Tiến Phát (xã Vàm Láng) cho biết, việc tổ chức đánh bắt trong tổ hợp tác được phân công rõ ràng. Các tàu cá trong tổ thay phiên nhau đưa sản phẩm vào cảng cá Vàm Láng và lấy nhiên liệu ra tiếp tế cho các tàu đang đánh bắt ngoài khơi. Với cách làm này, sản phẩm đánh bắt có chất lượng cao hơn, bán được giá hơn, trong khi đó chi phí của chuyến biển thấp, thời gian khai thác cũng dài hơn nên hiệu quả tăng lên rất nhiều, tăng thu nhập cho ngư dân.
Ngư dân Nguyễn Văn Ba, người có thâm niên hơn 7 năm làm việc cho các tàu khai thác hải sản ở Vàm Láng phấn khởi cho biết: Ngư dân chúng tôi chưa bao giờ đi biển mà thấy tự hào như lúc này, bởi chúng tôi biết rằng đi biển không chỉ là cái nghề mưu sinh mà còn là trách nhiệm của một công dân trong việc giữ gìn biển đảo quê hương, bảo vệ lãnh thổ quốc gia. Chúng tôi càng thấy tự tin, an tâm hơn trong hoạt động đánh bắt ở vùng biển xa khi chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức, đoàn thể địa phương.

Đánh bắt hải sản đạt hiệu quả cao

 

Tiền Giang có đội tàu khai thác hải sản không lớn so với các tỉnh ven biển lân cận. Tuy nhiên, số lượng tàu thu mua hải sản trên biển của tỉnh tương đối nhiều cùng với ý thức sản xuất cộng đồng của ngư dân là hai lợi thế lớn của nghề khai thác hải sản của địa phương.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản, tính đến cuối 2015, tổng số tàu cá đăng ký của tỉnh là 1.205 tàu với công suất máy là 361.598 Cv. Mặc dù gần đây nhiều ngư dân đã mạnh dạn bán tàu nhỏ, sử dụng vốn tự có hoặc vay vốn ngân hàng đóng tàu mới có công suất lớn vươn khơi khai thác thủy sản vùng biển xa. Điều đáng chú ý, trong số này có đến 181 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trên biển của ngư dân, từ đó giúp giảm đáng kể chi phí xăng dầu do không phải vào bờ bán cá như trước đây.
Theo Hội Nghề cá tỉnh Tiền Giang, trong 6 tháng đầu năm 2016, sản lượng khai thác hải sản của các tàu cá trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 48.500 tấn, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2015. Từ những lợi thế riêng của tỉnh, cùng với giá hải sản ổn định ở mức khá cao, giá dầu thấp nên nên hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân đạt hiệu quả khá cao, mỗi tàu có lợi nhuận từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi chuyến biển.

Cần tháo gỡ một số khó khăn

 

Bên cạnh những thuận lợi cho hoạt động đánh trên biển của ngư dân, nghề khai thác hải sản ở Tiền Giang vẫn còn một số bất cập mà nếu giải quyết được những khó khăn này thì hiệu quả hoạt động khai thác hải sản sẽ cao hơn, góp phần phát triển bền vững nghề này trong thời gian tới.
 Theo Hội Nghề cá tỉnh Tiền Giang, hiện nay đội ngũ thuyền viên có tay nghề (kinh nghiệm) không đủ phục vụ cho hoạt động khai thác hải sản của các tàu cá. Điều này dẫn đến tình trạng các ngư phủ làm khó, lừa gạt chủ tàu (ngư phủ ứng tiền trước rồi bỏ tàu), thiếu ngư phủ cần thiết cho hoạt động khai thác của tàu cá, không sử dụng hết công suất của tàu cá, từ đó làm giảm hiệu quả hoạt động.
 Ngư dân chưa tiếp cận, khai thác hết các tính năng của các trang thiết bị hỗ trợ đánh bắt hải sản như máy dò ngang, dẫn đến hiệu quả đánh bắt chưa cao. Ngư dân cũng chưa mạnh dạn ứng dụng các giải pháp công nghệ cao trong hoạt động sản xuất (như việc sử dụng đèn LED thay cho các bóng đèn sợi tóc…) do chưa thấy được hiệu quả đánh bắt, trong khi chi phí đầu tư quá đắt.
Chính sách hỗ trợ sau thu hoạch còn nhiều bất cập, đặc biệt là quy định trang thiết bị đầu tư phải có ít nhất 70% nội địa, trong khi hàng sản xuất trong nước chất lượng chưa đảm bảo, chưa đáp ứng đủ về số lượng so với nhu cầu của ngư dân. Chính vì vậy, đến nay ngư dân vẫn chưa thụ hưởng được những lợi ích từ chính sách hỗ trợ khai thác thủy sản của nhà nước. Ngoài ra, dịch vụ hậu cần nghề cá chưa đảm bảo, cảng cá chật hẹp, các cơ sở đóng tàu chủ yếu theo kinh nghiệm dân gian, hệ thống thương lái thu mua hải sản còn tình trạng ép giá ngư dân.
 Để khắc phục những hạn chế này, giúp nghề khai thác thủy sản ở Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung phát triển, theo Hội Nghề cá tỉnh Tiền Giang, Nhà nước cần xem xét, điều chỉnh điều kiện hỗ trợ ngư dân trong chính sách hỗ trợ sau thu hoạch sao cho phù hợp với thực tế, đồng thời có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kho lạnh, kho bảo quản nước đá, sản phẩm thủy sản… phục vụ khai thác thủy sản.
Bên cạnh đó, nhà nước cần đầu tư kinh phí xây dựng, mở rộng cảng cá phục vụ cho việc thu mua, vận chuyển các sản phẩm thủy sản được thuận lợi. Tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí để các doanh nghiệp, cơ quan khuyến ngư triển khai các mô hình thí điểm về áp dụng công nghệ cao trong hoạt động khai thác hải sản để ngư dân được thấy tận mắt, mạnh dạn áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên biển.
 
Thành Công
Tin liên quan