Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Cần cảnh giác với điều trị cam sành bằng phương pháp tiêm chích
(Ngày đăng: 23/09/2016)
Hiện nay, nhiều nhà vườn đã tự phát điều trị bệnh vàng lá thối rễ và bệnh vàng lá gân xanh trên cây cam sành bằng phương pháp “trong chích, ngoài phun” xuất hiện phổ biến tại vùng trồng cam sành tỉnh Hậu Giang từ đầu năm 2015, đến năm 2016, để điều trị 2 bệnh trên, một số nhà vườn còn bổ sung thêm phương pháp “truyền nước biển”. Dịch vụ “bác sĩ” điều trị bệnh cam sành bằng sáng kiến trên đang lan sang một số vùng trồng cam sành ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó, có vùng trồng cam sành ở huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang. Các nhà khoa học chuyên ngành trồng trọt cảnh báo bà con nông dân cần cảnh giác về cách trị bệnh không đúng căn nguyên nầy.

 

       Bệnh vàng lá gân xanh do vi khuẩn Candidatus Liberibacter asiaticus gây ra và được rầy chổng cánh Diaphorina citri lây truyền. Triệu chứng điển hình của bệnh là phiến lá bị vàng nhưng gân vẫn xanh, lá nhỏ lại, mọc thành từng chùm thẳng đứng (lá tai thỏ); trái nhỏ hơn bình thường, méo, khi bổ dọc thì tâm của trái bị lệch hẳn sang một bên. Năng suất và chất lượng trái bị giảm nghiêm trọng. Trong khi đó, bệnh vàng lá thối rễ do nhiều loại nấm từ đất gây ra như Phytopthora, Fusarium…


       Triệu chứng tiêu biểu là phiến lá cam và gân lá bị vàng, rễ con và cả rễ lớn thối nâu, cành lá không được cung cấp dinh dưỡng dẫn đến biến vàng. Khi cây bị nhiễm bệnh vàng lá thối rễ, cây thường suy yếu, đề kháng kém dẫn đến thiệt hại nặng. Trong thực tế, cây cam sành có thể nhiễm cùng lúc cả hai loại bệnh trên coi như bệnh nan y, vô phương cứu chữa. Tuy nhiên, với tâm lý “còn nước, còn tát”, hy vọng vớt vát được phần nào năng suất cam, nhà vườn thuê dịch vụ điều trị bằng phương pháp tiêm chích.


       Việc điều trị “gói sáng kiến 3 trong 1” (chích, phun và truyền nước biển) chủ yếu là trị theo “chứng”; theo đó phun lên lá dung dịch gồm các chất dinh dưỡng trung, vi lượng do cây đang bị thiếu trầm trọng, nhất thiết phải có kẽm, magnesium, mangan…phối hợp với thuốc trừ bệnh; tiêm vào cây thuốc kháng sinh (tetracycline, streptomycine, oxytetracyclin – loại thuốc điều trị cho người hoặc thuốc thú y) pha chung với nước biển (loại truyền cho người), phân bón lá có chưa kẽm, magnesium, mangan, một số người còn cộng thêm thuốc trừ nấm; và truyền “nước biển” cho cây bằng dung dịch tương tự như tiêm vào cây.


       Cách điều trị như trên cung cấp kẽm, magnesium, mangan và các nguyên tố đa, trung, vi lượng khác giúp cho cây ra cơi đọt có lá không còn bị vàng, kích thước lá bình thường như cây khỏe. Bằng cách làm nầy, những người làm dịch vụ trị bệnh cam kết với chủ vườn cây sẽ phục hồi 100% và nếu không đạt sẽ hoàn lại tiền. Tuy nhiên, sự phục hồi nầy chỉ là tạm thời, khi kẽm, magnesium, mangan trong cây không còn đầy đủ, triệu chứng vàng lá gân xanh và vàng lá thối rễ tiếp tục xuất hiện. Lúc nầy người làm dịch vụ đã nhận đủ tiền và chủ vườn không thể đòi lại tiền vì bị cho là không biết cách chăm sóc. Nhà vườn đành chịu “ngậm bồ hòn”, chịu tiền mất tật mang. Nguyên nhân bệnh xuất hiện trở lại là do việc điều trị nêu trên chỉ theo “chứng” (làm cho lá xanh lại tạm thời nhờ cung cấp dưỡng chất), còn “căn” là vi khuẩn và nấm thì cách điều trị trên không đem lại hiệu quả thật sự. Cây được điều trị bệnh sống lây lất và trở thành nguồn lan truyền bệnh cho các cây khỏe khác. Do vậy, ngành chuyên môn cần có khuyến cáo nhà vườn không áp dụng biện pháp tiêm chích, truyền nước biển để trị bệnh cho cam sành mà nên áp dụng biện pháp theo Viện Cây ăn quả miền Nam hoặc của Trường Đại học Cần Thơ để điều trị dứt “căn” của bệnh.

 

NVR
Tin liên quan