Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Gò Công Đông hướng ra biển Đông, đẩy mạnh khai thác hải sản, góp phần gìn giữ chủ quyền biển đảo
(Ngày đăng: 21/07/2016)

Gò Công Đông là huyện ven biển của tỉnh Tiền Giang. Dài khoảng 30 km, kẹp giữa cửa sông Soài Rạp ở phía bắc và cửa Tiểu ở phía nam, bờ biển nơi đây không khác chi một bao lơn trông ra biển Đông. Với điều kiện thiên nhiên thuận lợi, từ lâu, Gò Công Đông là một trong những nơi có nghề khai thác hải sản trên biển phát đạt tại Tiền Giang, thu hút lao động việc làm, giúp nhiều ngư dân dựng nên cơ nghiệp vững vàng. Toàn huyện hiện có trên 700 phương tiện khai thác hải sản, tổng công suất trên 113.000 CV, thu hút hàng chục ngàn lao động. Trung bình mỗi năm, sản lượng đánh bắt của địa phương gần 70.000 tấn tôm cá các loại phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu riêng 6 tháng đầu năm đã khai thác được trên 44.000 tấn hải sản các loại.
Một góc cảng cá Vàm Láng

 

       Thị trấn Vàm Láng án ngữ nơi cửa Soài Rạp, trên sông Vàm Cỏ hiện là một trong những trung tâm hậu cần nghề cá quan trọng bậc nhất của huyện Gò Công Đông với hệ thống cảng cá, làng nghề chế biến hải sản, các doanh nghiệp chuyên doanh trên lĩnh vực chế biến và tiêu thụ hải sản trong nước lẫn xuất khẩu. Địa phương xác định khai thác hải sản trên biển chính là mũi nhọn kinh tế của huyện không chỉ giúp đẩy nhanh tốc độc giảm nghèo nông thôn, đưa huyện sớm đi lên phồn thịnh mà còn thiết thực góp phần gìn giữ chủ quyền biển đảo quê hương. Ngư dân chủ yếu tập trung cho các nghề: Lưới kéo đơn, lưới kéo đôi, lưới rê, lưới vây kết hợp ánh sáng, cào Xiêm,… Để phát huy tiềm năng và thế mạnh trên, Gò Công Đông khuyến khích ngư dân đóng mới phương tiện có công suất lớn, cải hoán phương tiện cũ, trang bị thêm những phương tiện kỹ thuật hiện đại đồng thời hình thành các tồ đội hợp tác, liên kết trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả nghề khai thác hải sản trên biển. Mục tiêu vươn ra những ngư trường khơi xa đánh bắt ngày càng nhiều tôm cá đáp ứng tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.


        Với định hướng chiến lược như trên, đến nay, Gò Công Đông đã hình thành được khoảng 20 tổ đội hợp tác khai thác hài sản đang hoạt động hiệu quả vừa mở ra một chương mới trong phát huy tiềm năng nghề biển để làm giàu cho ngư dân. Bên cạnh đó, các phương tiện khai thác của địa phương phần lớn đều được trang bị những phương tiện kỹ thuật chuyên dùng hiện đại trong đánh bắt hải sản: Máy thông tin liên lạc tầm xa, máy dò ngang Sonar, máy Rada hàng hải giúp thuyền trưởng quan sát tốt các chướng ngại vật trên biển trong mọi điều kiện thời tiết; máy liên lạc tầm xa có tích hợp với định vị vệ tinh GPS giúp ngư dân chủ động liên hệ với các tàu đang đánh bắt trên biển cũng như với đất liền, máy định vị, máy tầm ngư,…


       Ngư dân Huỳnh Văn Sạch, sinh năm 1954, cư ngụ tại khu phố 3, thị trấn Vàm Láng là một trong những ngư dân lão luyện và lành nghề nói về bước phát triển nghề nghiệp của gia đình mình như sau: Ông vào nghề năm 2004, đến nay đã trên 12 năm. Những năm đầu tiên, ít vốn liếng, ít kinh nghiệm đi biển, phương tiện nhỏ, công suất máy yếu, chỉ có thể khai thác ven bờ. Thế nhưng nguồn lợi ven bờ ngày càng cạn kiệt, khai thác kém hiệu quả cùng với đam mê nghề nghiệp, gia đình ông quyết định đầu tư vốn liếng đóng mới tàu cá có công suất lớn để vươn ra khai thác tận các ngư trường khơi xa.


       Đầu tư đúng hướng nên hiệu quả cao, đời sống ngày một ổn định vừa góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều ngư dân trong vùng. Ông Sạch vui mừng cho biết, hiện gia đình ông sở hữu đội tàu 3 chiếc chuyên hành nghề cào Xiêm, tổng công suất 270 CV với 6 lao động chính chưa kể thủy thủ và lao động thời vụ. Đội tàu của ông trung bình mỗi năm đi khai thác từ 8 đến 10 chuyến biển. Mỗi năm, đội tàu của ông thu về hàng tỉ đồng.


       Tương tự, ngư dân Võ Văn Xồi, cư ngụ tại xã Kiểng Phước, Gò Công Đông, cũng là ngư dân gạo cội của huyện Gò Công Đông. Với kinh nghiệm đi biển nhiều năm đồng thời nhạy bén trước thời cơ và vận hội mới, ông đứng ra vận động thành lập nhóm liên kết sản xuất Chí Tâm chuyên về khai thác hải sản. Ông Xồi cho biết, tổ chức đánh bắt theo hình thức liên kết sản xuất khắc phục được những hạn chế của tình trạng làm ăn nhỏ lẻ như: thiếu vốn liếng, thiếu lao động, không chủ động trong khai thác và tiêu thụ sản phẩm, hiệu quả kém… Chưa kể, khi liên kết sản xuất, ngư dân có điều kiện bám biển dài ngày, hỗ trọ nhau trong khai thác và tiêu thụ, hỗ trợ nhau trong đối phó thiên tai cũng như tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ”. Ngoài ra, nhóm còn phân công một phương tiện đảm bảo hậu cần trên biển, chuyên đảm nhiệm vận chuyển sản phẩm đánh bắt từ biển vào đất liền tiêu thụ, cung ứng ngư lưới cụ, vật tư thiết yếu, nhiên liệu cho các phương tiện đang bám ngư trường khai thác… Từ đó, chi phí giảm, lợi nhuận tăng, đời sống ngư dân cải thiện thấy rõ.


       Hiện tại nhóm liên kết Chí Tâm có 6 hộ ngư dân thành viên, 7 phương tiện khai thác, công suất 362 CV/phương tiện, giải quyết gần 50 lao động. Nhờ phân công hợp lý, mỗi chuyến biển kéo dài thời gian khai thác khoảng 60 ngày, mỗi năm thực hiện 5 chuyến khai thác. Ông Võ Văn Xồi cho biết, hạch toán sơ bộ, mỗi năm nhóm liên kết khai thác Chí Tâm đạt tổng doanh thu không dưới 15 tỉ đồng, trừ chi phí còn lãi ròng trên 1 tỉ đồng.


       Tiền Giang xác định kinh tế biển là mũi nhọn kinh tế của tỉnh. Để phát triển kinh tế biển làm giàu cho ngư dân trước nguy cơ và thách thức biến đổi khí hậu, nước biển dâng đe dọa đời sống và sản xuất nhân dân ven biển trong đó có huyện Gò Công Đông, tỉnh tiếp tục khuyến khích ngư dân phát huy ngành nghề truyền thống, hiện đại hóa đội tàu cũng như đóng mới phương tiện có công suất lớn vươn ra các ngư trường khơi xa như: Trường Sa, vùng biển Nam Côn Sơn, biển Tây, khu vực nhà giàn DK 1,… gắn việc phát triển đội tàu đánh bắt hiện đại với thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trong khi hành nghề khơi xa, nhất là những mùa bão tố, biển động…


       Trong đó, việc hình thành các tổ nhóm liên kết khai thác như trường hợp nhóm liên kết sản xuất của ngư dân Huỳnh Văn Sạch (Vàm Láng) và nhóm liên kết Chí Tâm của ngư dân Võ Văn Xồi (Kiểng Phước) là ví dụ điển hình. Mục tiêu của tỉnh là phấn đấu đến năm 2020, 100% phương tiện khai thác hải sản của địa phương đều tham gia vào các tổ, nhóm liên kết sản xuất. Rõ ràng, trong lĩnh vực này, Gò Công Đông đã “đi tắt, đón đầu” nỗ lực phát huy mũi nhọn kinh tế hải sản, hướng ra biển Đông để làm giàu vừa tham gia tích cực trong công cuộc khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương.

 

Minh Trí
Tin liên quan