Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Đào tạo, phát triển trọng dụng nhân tài trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
(Ngày đăng: 29/04/2016)
Khái niệm nhân tài không chỉ là người có học vấn cao hoặc có văn bằng cao về chuyên môn mà khái niệm này còn bao hàm nhiều đối tượng thuộc mọi tầng lớp trong xã hội là những người thực sự tài năng. Theo nghĩa rộng, có thể hiểu nhân tài là những người có tài năng vượt trội, có những đóng góp lớn hơn nhiều so với những người bình thường trong xã hội. Nhân tài, là người phải có nhân cách tốt, mang đầy đủ những giá trị tốt đẹp, nổi bật, giàu tính sáng tạo, có những tư duy tốt, độc đáo, sắc sảo, có khả năng dự báo, giải quyết các công việc nhanh, chính xác, mang lại hiệu quả cao. Nhân tài, bao gồm các nhà chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, giáo dục, các nhà quản lý, các doanh nhân, các nhà khoa học, nghệ nhân, nghệ sĩ, nông dân, các chủ trang trại tài giỏi, nhân tài có thể xuất hiện ở nhiều lứa tuổi, ở các tầng lớp trong xã hội, ở mọi địa phương.

 

       Có nhiều nhà nghiên cứu quan niệm: “Tài năng mang tính di truyền”. Trên thực tế, đã có nhiều người có trí thông minh bẩm sinh được sinh ra trong một gia đình, một dòng họ có nhiều nhân tài, đồng thời cũng có những người trở thành nhân tài là do kết quả của quá trình học tập, rèn luyện gian khổ, đó là nhân tài tự thân. Cả 2 nhóm nhân tài đều phải được giáo dục trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội tốt, đặc biệt là vai trò của nhà trường.


       Lịch sử Việt Nam cho thấy, dân tộc Việt Nam là một dân tộc thông minh, hiếu học có truyền thống trọng dụng hiền tài. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, qua các triều đại, tổ tiên ta đã sớm quan tâm phát hiện, đào tạo và tuyển chọn hiền tài. Trong chiếu cầu hiền của vua Lê Thái Tổ (năm 1492) có ghi: “Đất nước thịnh vượng tất ở việc cử hiền. Người làm vua thiên hạ phải lo công việc đó trước tiên”. Các bậc vua chúa anh minh xưa kia, khi chọn các bậc hiền tài không chỉ trong các quan văn, quan võ mà còn quan tâm tuyển chọn hiền tài ở các làng nghề, các nghệ nhân, nghệ sĩ trong các tầng lớp nhân dân.


       Việc tôn vinh các bậc hiền tài cũng được nhân dân ta hết sức chú trọng, thể hiện việc tôn vinh những người có đức, có tài, có công lớn với đất nước. Việc tuyển chọn hiền tài thông qua thi cử và tiến cử với nhiều hình thức khác nhau. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy trong tất cả các cách tuyển chọn hiền tài thì việc tổ chức các loại hình thi cử nghiêm túc là có hiệu quả và chính xác nhất. Những người này đều được đích thân nhà vua trọng thưởng tùy theo công trạng, khi chết đều được nhân dân thờ cúng, suy tôn là thần, là thánh.


       Việc phát hiện, đào tạo và bồi dưỡng nhân tài ở các triều đại phong kiến chịu ảnh hưởng rất lớn của tư tưởng Nho giáo. Đó là tư tưởng “cử hiền”, qua thi cử để kén chọn hiền tài, trong giáo dục lấy đào tạo, bồi dưỡng hiền tài làm mục tiêu. Ảnh hưởng Nho giáo đã chỉ ra học giỏi tất sẽ được trọng dụng “Học nhi ưu tắc sĩ’, trước tiên có nghĩa là đề cao việc học trước, tuyển dụng sau. Ngoài ra, hiền tài trong tư tưởng Nho giáo còn coi trọng làm việc chính sự lấy đức để thi hành “Vi chính dĩ đức”. Người cầm quyền, dù ở cấp nào, nếu không liêm chính thì không gây được uy tín trong nhân dân, sự nghiệp của họ trước sau cũng bị thất bại. Tư tưởng Nho giáo có sự phân biệt giữa quân tử và tiểu nhân, được thể hiện ở chỗ người có đạo đức và người không có đạo đức.


       Trong các triều đại phong kiến, sau khi tuyển chọn được hiền tài đều có quy định về các chức sắc, vị trí trong xã hội phù họp với học vấn và tài năng của từng người. Trong quá trình sử dụng những hiền tài, các triều đại phong kiến thường xuyên tổ chức các đợt “khảo hạch” để bồi dưỡng thêm kiến thức và có chế độ đãi ngộ phù hợp, có chính sách ban phát bổng lộc tùy theo phẩm công và công trạng, sử dụng chế độ thưởng phạt nghiêm minh để phát huy các tài năng và ngăn chặn những việc làm sai trái.


       Trong các triều đại phong kiến, việc tuyển chọn hiền tài tuy có rất nhiều hạn chế, song từ kinh nghiệm thời xưa chúng ta cần suy xét kỹ lưỡng để có thể rút ra nhiều bài học có giá trị tham khảo bổ ích và thiết thực trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và lựa chọn cán bộ ngày nay.


       Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người cũng đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của trí thức và nhân tài đối với sự phát triển của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá rất cao đối với đội ngũ trí thức, vì trí thức ở nước ta với tính cách như một bộ phận trong lực lượng cách mạng, có vị trí vai trò rất quan trọng và là vốn quý của dân tộc. Theo Người con đường hình thành và phát triển đội ngũ trí thức là: “‘Đào tạo trí thức mới, cải tạo trí thức cũ, công nông trí thức hóa, trí thức công nông hóa”. Xuất phát từ những tư tưởng tiến bộ, ngay từ đầu cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam sớm chú ý đào tạo những người lao động, con em công, nông để bổ sung vào đội ngũ trí thức mới. Chính nhờ tư tưởng sáng suốt của Người mà có nhiều người xuất thân từ giai cấp công nhân, nông dân được đào tạo qua trường bổ túc công nông và sau này đã trở thành cán bộ lãnh đạo, cán bộ khoa học tài giỏi, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: “Kiến quốc cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có .nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng tăng thêm nhiều”. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thật sự quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ trí thức và tin tưởng vào đội ngũ này. Người cho rằng, để phát huy sự sáng tạo của trí thức, cần phải đưa họ vào phong trào cách mạng, đi vào hoạt động đời sống của nhân dân, coi đó là trường học lớn để học tập, rèn luyện và trưởng thành.


       Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ Đại hội cũng đã khẳng định vai trò của trí thức và nhân tài trong cách mạng Việt Nam. Đảng luôn luôn chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài trong các thành phần kinh tế, các tầng lớp xã hội, trong các độ tuổi, ở các địa phương để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý các cấp, các ngành và đội ngũ cán bộ đầu ngành, cán bộ quản lý kinh doanh giỏi.


       Đào tạo nhân tài là vấn đề quan trọng, trước hết mục tiêu đào tạo nhân tài phải dựa vào mục tiêu phát triển giáo dục, đồng thời nhân tài căn cứ vào những định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước và cộng đồng. Mục tiêu đào tạo nhân tài được thể hiện ở nhiều khía cạnh: rèn luyện phẩm chất nhân cách và không ngừng nâng cao trình độ tri thức, năng lực của nhân tài. Hai mặt nàỵ được thể hiện nhân tài là người vừa có đức vừa có tài nhằm phục vụ cho tổ quốc, cho nhân dân.


       Việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài là vấn đề khó, bởi vì nhân tài là một sản phẩm đặc biệt. Nhân tài trước hết là người có học vấn, nhân tài không thể xuất hiện từ lớp người chưa được chuẩn bị chu đáo về kiến thức, nhân tài được đào tạo một cách có hệ thống chuẩn mực, được trọng dụng và đãi ngộ một cách thỏa đáng; đồng thời, nhân tài cũng được thử thách và rèn luỵên ở những môi trường khác nhau để có khả năng bộc lộ tài năng của mình. Nhân tài không được tạo dựng theo ý muốn chủ quan nhưng từng giai đoạn lịch sử nếu có chính sách đúng đắn thì có thể định hướng cho sự xuất hiện nhân tài nhiều hơn.


       Trong nền giáo dục nước ta hiện nay, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến giáo dục, tạo điều kiện để mọi người được bình đẳng, có cơ hội được giáọ dục và đào tạo. Nghị quyết 4 Trung ương khóa VIII đã nêu: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”. Trên thực tế, không phải ai cũng có điều kiện và khả năng để học tập, rèn luyện để trở thành nhân tài. Vấn đề đặt ra là sớm phát hiện mầm móng tài năng đối với trẻ em từ lứa tuổi tiền học đường ở các tầng lớp xã hội, đồng thời có chế độ giáo dục, rèn luyện đặc biệt để trong số những tài năng đó sẽ có nhiều người sẽ trở thành nhân tài. Điều này có thể thực hiện được, nếu Đảng và Nhà nước có những chính sách được thực thi nhằm đảm bảo không để bất cứ một tài năng trẻ nào do hoàn cảnh khó khăn về kinh tế mà không được giáo dục, đào tạo và rèn luyện một cách chu đáo và không có điều kiện để phấn đấu trở thành nhân tài.


       Đối với học sinh năng khiếu có triển vọng trở thành nhân tài thì vai trò của thầy về tấm gương đạo đức nhân cách và tài năng sẽ có tác động rất lớn đối với việc hoàn thiện nhân cách đạo đức và tri thức của một nhân tài. Điều này thực tế cũng đã chứng minh học sinh thông minh mà không có thầy giỏi dẫn dắt thì sự thông minh đó cũng không thể phát triển được để có thể trở thành nhân tài. Do đó, trong chiến lược phát triển giáo dục, chiến lược phát triển nguồn nhân lực và cả chiến lược phát triển nhân tài, việc trước tiên là phải chú trọng phát triển đội ngũ giáo viên tài năng, có nghĩa là trong chính sách phát triển giáo dục, phải đặc biệt chú ý phát triển và nâng cao chất lượng của các trường sư phạm để đào tạo ra một đội ngũ giáo viên tài năng đông đảo trong cả nước, đó là điều kiện quan trọng để đào tạo được nhiều học sinh năng khiếu nhằm bổ sung nguồn đào tạo nhân tài cho đất nước.


       Về phương pháp đào tạo, nó có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục nói chung và cả trong việc đào tạo nhân tài. Phương pháp học mới phải được trang bị cho học sinh nhằm đào tạo các em hình thành khả năng tự học, tự khám phá để có thể lĩnh hội tri thức một cách đầy đủ, vững chắc, có khả năng tự đào tạo, tự tích lũy tri thức, trong đó có phần sáng tạo mới. Trong phương pháp dạy học cần quan tâm đến giáo dục cá biệt, trao dồi, phát huy tính năng động sáng tạo của học sinh năng khiếu, giáo viên là người đóng vai trò tổ chức giờ học, hướng dẫn, gợi mở, khám phá, đưa học sinh vào các tình huống giải quyết vấn đề. Như vậy, học sinh, sinh viên sẽ trở thành những người thực sự chủ động trong quá trình học tập, có khả năng độc lập suy nghĩ và tự tìm tòi sáng tạo trong quá trình tiếp thu những tri thức mới, đồng thời, phương pháp dạy mới này được gắn kết với cuộc sống thực tế, giải quyết được những vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra.


       Mục tiêu chung của nền giáo dục nước ta là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Ba mục tiêu này gắn kết chặt chẽ nhau: Dân trí cao là cái nền thuận lợi để đào tạo nhân lực, tạo cơ hội và điều kiện tốt để xuất hiện nhiều nhân tài. Khi dân trí. càng cao thì khả năng đánh giá, công nhận và ứng dụng những giá trị mới của nhân tài đóng góp càng được nhanh chóng và chính xác. Với hoàn cảnh đất nước ta còn nghèo và lạc hậu muốn đào tạo và bồi dưỡng nhân tài có hiệu quả, có thể tổ chức thực hiện theo phương thức: phát triển mạnh giáo dục, trong đó có hình thức giáo dục thường xuyên trên phạm vi cả nước đến tận cơ sở, tạo nền dân trí cao để tăng khả năng xuất hiện nhân tài còn ở dạng tiềm ẩn; có những biện pháp tốt trong giáo dục với các loại hình, các cấp học để sớm phát hiện những năng khiếu ngay từ tuổi mầm non; có những trung tâm chất lượng cao để tập trung đào tạo những học sinh có năng khiếu thành người tài năng trẻ và tiếp tục bồi dưỡng họ trở thành nhân tài.


       Ở tuổi ấu thơ, vai trò của gia đình rất quan trọng, trước hết cha mẹ là người thầy đầu tiên của đứa trẻ, cha mẹ là tấm gương đạo đức, lời nói và các hành vi ứng xử rất chuẩn mực, phải thể hiện tình yêu thương trẻ để đảm bảo cho trẻ sớm hình thành những đức tính tốt đẹp và noi theo những hành vi tốt của cha mẹ và người lớn. Cha mẹ phải tạo ra môi trường lành mạnh để tạo hậu thuẫn cả thế chất lẫn tinh thần của trẻ, khuyến khích và tạo điều kiện để trẻ phát triển lòng tự trọng và tự tin, đặc biệt là lòng nhân ái và rèn luyện những kỹ năng ứng xử tốt đẹp với mọi người. Cha mẹ giúp đỡ nhà trường tạo điều kiện cho trẻ có đủ cơ hội thuận lợi và điều kiện tốt nhất để học tập; đồng thời cùng nhà trường sớm phát hiện những năng khiếu và cá tính của trẻ để phát triển những năng khiếu và cá tính tốt, định hướng cho trẻ phát triển năng khiếu để trở thành nhân tài. Ngoài ra, cùng với gia đình và nhà trường, môi trường xã hội cũng có một vai trò quan trọng trong việc phát hiện và bồi dưỡng tài năng. Ở môi trường xã hội, con người luôn được tiếp xúc, học hỏi, chịu nhiều ảnh hưởng trong việc hình thành nhân cách. Xã hội là nơi công nhận, sử dụng những năng khiếu và tài năng của con người. Điều này chứng tỏ mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với vấn đề phát triển giáo dục nói chung đồng thời phát hiện, bồi dưỡng, phát triển nhân tài nói riêng.


      
Để nhân tài có thể phát triển được, cần phải có những điều kiện sau:

 


       Thứ nhất, phải có đội ngũ nhà giáo giỏi giảng dạy trong điều kiện phục vụ cho việc học tập tốt nhất ở môi trường thuận lợi cho học tập, có cả một quá trình rèn luyện, tu dưỡng, tự đào tạo tích lũy kinh nghiệm và kiến thức.


       Thứ hai, xây dựng thực tiễn một nền giáo dục tiên tiến, có sự kết hợp hài hòa giữa ba yếu tố gia đình - nhà trường - xã hội cùng quan tâm đến thế hệ trẻ, hết sức chăm sóc sự nghiệp giáo dục; một xã hội tiến bộ thực sự tôn vinh và trọng dụng nhân tài.


       Thứ ba, có chính sách và tạo ra tâm lý, thói quen cho toàn xã hội thực sự trân trọng và đãi ngộ tốt đối với nhân tài.


       Thứ tư, quan tâm đến việc giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức và lối sống, giáo dục nhân cách, phương pháp đối nhân xử thế, chú trọng đào tạo kiến thức khoa học và kỹ thuật, khoa học và công nghệ, trang bị chu đáo kiến thức về con người, về xã hội và nhân văn cho toàn xã hội, chú ý đội ngũ cán bộ quản lý. Để làm tốt và phát huy được những vấn đề trên thì việc phát triển toàn diện con người, nhất là đối với thế hệ trẻ là hết sức cần thiết. Đây là cơ sở vững chắc cho nhân tài nảy sinh và phát triển. Cuối cùng là tạo ra môi trường thuận lợi để nhân tài có điều kiện tốt nhất phát huy và phát triển những tài năng sáng tạo.


       Trong dụng và đãi ngộ nhân tài từ xưa đến nay vẫn là mối quan tâm của toàn xã hội. Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh, chỉ có sử dụng tốt nhân tài thì đất nước mới thịnh vượng. Thời vua Lê, Nguyễn Trãi viết “Chiếu cầu hiền tài”; thời Tây Sơn, vua Quang Trung đã ban “chiếu học” nhằm khăng định “Việc dựng nước lấy học làm đầu, trị dân lấy nhân tài làm gốc”. Trong bài viết “Tìm người tài đức” ngày 20 tháng 11 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết “Trong số 20 triệu đồng bào, chắc không thiếu những người có tài, có đức, e vì chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc hiền tài không thể xuất thân. Khuyết điểm này tôi xin thừa nhận”. Chủ tịch Hô Chí Minh kêu gọi các địa phương phải tìm và giới thiệu người tài đức, những người “có thể làm được những việc ích nước lợi dân” để chính phủ tuyển lựa và trọng dụng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng phải vì việc mà chọn người, chứ không phải vì người mà đặt việc, “Nếu người có tài mà không dùng đúng tài của họ thì cũng không được việc’; ngược lại, sẽ không tận dụng được tài năng của họ mà đôi khi còn gây tác hại cho cộng đồng và cả xã hội.


       Để có thể trọng dụng và đãi ngộ nhân tài đúng đắn, trước hết xã hội và Nhà nước cần đánh giá chính xác từng người tài năng, đánh giá cả ưu, nhược điểm và giới hạn trong một số lĩnh vực mà nhân tài có thể phát huy đạt hiệu quả nhất. Bản thân nhân tài cũng nhận thức được rõ giới hạn phạm vi hoạt động của mình. Chỉ có dựa trên cơ sở đánh giá thống nhất giữa xã hội và cá nhân của người tài năng mới có thể đặt nhân tài vào đúng vị trí công việc mà xã hội đang cần. Cũng cần lưu ý một vấn đề là bằng cấp cao không phải lúc nào hoặc bất cứ ai cũng phản ánh đúng thực chất của tài năng; ngược lại người tài năng không nhất thiết phải có bằng cấp cao nhưng nhất thiết trong thời đại ngày nay phải là người được giáo dục và đào tạo chuẩn mực, chu đáo và được đào tạo bồi dưỡng thường xuyên.


       Trong những năm gần đây, người ta quan tâm đến việc đào tạo theo địa chỉ. Mô hình này cần nghiên cứu tổng kết rút kinh nghiệm và có thể triển khai nhân rộng. Bên cạnh đó, một số địa phưong đã có những chính sách để “chiêu hiền đãi sĩ’ mời nhân tài về phục vụ địa phương kèm theo các chính sách hỗ trợ trọng dụng. Từ chính sách này nhiều địa phương đã thu hút được một số nhân tài về phục vụ địa phương đã tạo được động lực thúc đẩy việc cất cánh kinh tế - xã hội ở đó.


       Vấn đề đào tào, phát triển, trọng dụng nhân tài ngày càng trở nên cấp thiết, bởi đây chính là đầu tàu của đoàn tàu nguồn nhân lực, là hạt nhân quan trọng để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhanh chóng thực hiện chiến lược tăng tốc phát triển đất nước bằng cách đi nhanh vào các công nghệ hiện đại, công nghệ cao. Trong những năm đầu của thế kỷ XXI, Đảng và Nhà nước ta không ngừng tăng cường và cải tiến công tác đào tạo, bồi duỡng cán bộ và nhân tài trong hệ thống các trường Đảng, các trường đào tạo cán bộ quản lý, các trường đào tạo cán bộ đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở để có thể đáp ứng yêu câu về cán bộ trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Có chế độ chính sách tốt để sử dụng, đãi ngộ nhân tài, nhất là những người có nhiều đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, ngoài vấn đề đảm bảo các quyền lợi về vật chất còn phải đảm bảo các giá trị về tinh thần, đó là sự tôn vinh các nhân tài. Đầu tư hơn nữa vào chiến lược phát triển giáo dục, coi đây là điểm đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Từ chiến lược phát triển giáo dục, nhanh chóng chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ cao, đặc biệt là đội ngũ nhân tài để có thể đi thẳng vào nền kinh tế tri thức.

 

Ánh Dương
Tin liên quan