Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Tiền Giang: Thả 400.000 con tôm, cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản
(Ngày đăng: 28/04/2016)

Tiến tới kỷ niệm 57 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (01/4/1959-01/4/2016), Chi cục Thủy sản phối hợp Hội Nghề cá tỉnh và các địa phương tổ chức 2 buổi lễ tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho người dân và thả 400.000 con tôm, cá giống vào các thủy vực tự nhiên thuộc huyện Cái Bè và Tân Phú Đông nhằm góp phần khôi phục nguồn lợi thủy sản.
Quang cảnh buổi tuyên truyền ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản (ảnh chụp tại bến phà Mỹ Thuận cũ - ấp Khu phố, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, Tiền Giang)

 

       Ngày 27/3/2014, tại bến đò ấp Pháo Đài (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông), Chi cục Thủy sản phối hợp cùng với Hội Nghề cá tỉnh, UBND xã Phú Tân tổ chức buổi Lễ tuyên truyền ý thức bảo vệ nguồn lợi và thả tôm sú giống vào môi trường tự nhiên.

 

       Tại buổi Lễ tuyên truyền ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ông Nguyễn Trọng Tuy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, hiện nguồn lợi thủy sản tự nhiên, nhất là khu vực nội đồng đang bị suy giảm rất nghiêm trọng. Nhiều loài thủy sản giảm tới 80-90% so với trước, thậm chí sắp bị tuyệt chủng như: cá hô, cá trê vàng, cá ngát, cá lăng, tôm sú, tôm càng xanh... Tình trạng cạn kiệt nguồn lợi thủy sản nghiêm trọng như hiện nay là do người dân có ý thức chưa cao trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản; việc sử dụng xung điện, hóa chất trong nhân dân còn nhiều; dư lượng thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp, chất thải từ các khu công nghiệp… Những hoạt động này không chỉ làm suy giảm nguồn lợi thủy sản tự nhiên mà còn tác động xấu đến môi trường sinh thái và ảnh hưởng đến mưu sinh của hàng ngàn bà con ngư dân sinh sống bằng chài lưới trên sông rạch.

 

 

Cán bộ ngành Nông nghiệp, địa phương và nhân dân chung tay

chuyền cá giống thả vào môi trường tự nhiên (ảnh chụp tại bến phà Mỹ Thuận cũ

- ấp Khu phố, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, Tiền Giang)


       Trước thực trạng nguồn lợi thủy sản hiện nay, ông Nguyễn Trọng Tuy kêu gọi mọi người, nhất là bà con ngư dân hành nghề đánh bắt thủy sản cần góp phần vào công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên bằng cách không được sử dụng công cụ khai thác có mắc lưới nhỏ, không được sử dụng xung điện hay dùng hóa chất độc hại để đánh bắt thủy sản.
 


       Ngư dân Trần Quang Minh, chuyên đánh bắt thủy sản ven bờ ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông cũng bày tỏ: “Vấn đề bảo vệ nguồn lợi thủy sản là rất quan trọng bởi môi trường sống của các loài thủy sản cũng là môi trường sống của mỗi chúng ta. Chúng tôi cũng ý thức được rằng nếu không bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì đến một lúc nào đó môi trường sống sẽ bị ô nhiễm nặng nề, nguồn lợi thủy sản suy giảm, đời sống ngư dân sẽ khó khăn. Thậm chí đến một lúc nào đó con cháu chúng tôi không biết tới con cá ngoại tự nhiên hình thù thế nào...”. Do đó, ông Nguyễn Văn Đơi cũng nhắn nhủ với mọi người rằng: “Mỗi người chúng ta cần phải bảo vệ nguồn lợi thủy sản vì chính bản thân chúng ta và cả cộng đồng. Việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản là trách nhiệm của mỗi người dân chúng ta”.


       Sau buổi Lễ tuyên truyền ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các cán bộ, đoàn viên thanh niên Chi cục Thủy sản, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cán bộ ban ngành đoàn thể xã Phú Tân và bà con ngư dân sinh sống khu vực bến đò ấp Pháo Đài đã thả 100.000 con tôm sú giống vào vùng nước khu vực rừng phòng hộ xã Phú Tân.


       Trước đó, ngày 24/3/2016, tại bến phà Mỹ Thuận (cũ) (ấp Hòa, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, Chi cục Thủy sản cùng với Hội Nghề cá tỉnh, Đoàn Cơ sở Sở Nông nghiệp và PTNT, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cái Bè, UBND xã Hòa Hưng và gần 20 người dân sinh sống tại khu vực bến phà Mỹ Thuận cũ Chi cục Thủy sản cũng đã tổ buổi lễ tuyên truyền ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho người dân địa phương và thả 200.000 con cá giống các loại (trong đó có 1.000 con cá Hô, cá Chày – là 2 loài cá đặc sản, quý hiếm ở sông Tiền) vào sông Tiền tại bến phà Mỹ Thuận cũ.


       Chi cục Thủy sản cho biết, tất cả tôm, cá giống thả vào môi trường tự nhiên trong 2 đợt vừa qua đều là nguồn vận động từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn huyện Cái Bè và Tân Phú Đông.

 

Những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm 1959, Bác Hồ đã về thăm cán bộ và ngư dân ở  nhiều địa phương thuộc tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng. Người đã căn dặn cán bộ và nhân dân: “Biển bạc của ta phải do nhân dân ta làm chủ”. Để bày tỏ lòng kính yêu đối với Bác, thể theo nguyện vọng của ngư dân và cán bộ công nhân viên ngành thủy sản cả nước, ngày 18/3/1995 Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 01/4 hàng năm làm ngày truyền thống Ngành Thủy sản Việt Nam.

 

Thành Công
Tin liên quan