Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Thực hiện tái cơ cấu để xây dựng nền nông nghiệp toàn diện
(Ngày đăng: 05/04/2016)

Bộ Nông nghiệp và PTNT có Quyết định số 207/QĐ-BNN-KH về việc ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/1/2016 của Chính phủ. Mục tiêu chủ yếu của kế hoạch là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, giá trị gia tăng cao, bền vững, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nâng cao nhanh thu nhập và cải thiện đời sống của dân cư nông thôn…
Thực hiện tái cơ cấu để xây dựng nền nông nghiệp toàn diện sản xuất hàng hóa lớn, giá trị gia tăng cao

 

       Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong nông nghiệp, sự biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt theo dự báo năm 2016 sẽ diễn ra hạn hán gay gắt hơn trên phạm vi cả nước; cân đối ngân sách cho Bộ và ngành thấp hơn nhiều so với nhu cầu; thị trường nông sản thể giới và trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh ngày càng gat gắt… Những yếu tố trên sẽ tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực phấn đấu, tập trung nguồn lực, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 01/ND-CP và hoàn thành thắng lợi mục tiêu kế hoạch của ngành đề ra.


       Cụ thể, để đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ nông lâm thủy sản góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu kế hoạch của ngành đề ra cần phải thực hiện các giải pháp sau:


       Ngành trồng trọt: Tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu để tái cơ cấu ngành trồng trọt theo kế hoạch được phê duyệt tại Quyết định số 1006/QĐ-BNN-TT ngày 13/5/2014; phát triển sản xuất trồng trọt quy mô lớn, tập trung, gắn với bảo quản chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở thay đổi căn bản từ khâu giống, sử dụng giống chất lượng cao. Định hướng cơ cấu diện tích, sản lượng các loại cây trồng chính như sau:


       Cây lương thực: Tập trung nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản xuất lúa gạo thông qua tăng cường sử dụng giống lúa chất lượng và giá trị thương mại cao bằng các biện pháp thâm canh đồng bộ. Thực hiện chuyển đổi khoảng 100.000 ha gieo trồng lúa sang trồng một số cây hàng năm, chủ yếu là ngô, cây trồng làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tổng diện tích gieo trồng lúa khoảng 7,6 triệu ha, năng suất bình quân 57,8 tạ/ha, sản lượng đạt 44,5 triệu tấn. Nỗ lực đối phó với hạn hán, nắng nóng ngay từ vụ Đông Xuân để đảm bảo sản xuất, tận dụng cơ hội về thị trường.


       Tiếp tục đưa các giống ngô mới có năng suất cao, giống ngô chuyển gen vào sản xuất đại trà, kết hợp với các biện pháp thâm canh, mở rộng diện tích ngô lên 1,22 triệu ha, tăng 20.000 ha so với năm 2015. Duy trì diện tích sắn 560.000 ha, đưa năng suất lên 190 tạ/ha, sản lượng trên 10,6 triệu tấn; hướng dẫn nông dân đầu tư thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật nhằm tăng năng suất, giảm chi phí, đồng thời tránh làm suy thoái đất và giảm phát thải khí nhà kính.


       Cây công nghiệp: Đối với cà phê, thực hiện thâm canh bền vững trên diện tích hiện có và trồng tái canh 11.500 ha, ghép cảo tạo 4.000 ha cà phê già cỗi, năng suất thấp bằng các giống mới, ưu thế hơn; khuyến khích mở rộng chương trình sản xuất cà phê có chứng nhận UTZ, 4C, VietGAP, GlobalGAP… Đối với cao su, theo dõi sát diễn biến giá cao su trên thị trường để có biện pháp kỹ thuật chăm sóc, khai thác mủ hợp lý, giản khai thác mủ nếu thị trường tiếp tục khó khăn; hoàn thành rà soát quy hoạch cao su cả nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; năm 2016 không trồng mới, kể cá những vùng trong quy hoạch. Đối với chè: duy trì diện tích khoảng 130.000 ha, thực hiện trồng thay thế chè già cỗi bằng các giống mới; rà soát quy hoạch chè cả nước đến năm 2020; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên chè. Đối với cây điều: Duy trì diện tích khoảng 310.000 ha; đẩy mạnh cải tạo vườn điều; thâm canh năng suất, chất lượng; mở rộng mô hình trồng xen canh điều với một số cây trồng khác.


       Cây công nghiệp hàng năm: Ổn định khoảng 300.000 ha mía, sản lượng 20 triệu tấn mía cây; tăng diện tích lạc từ 215.000 ha lên 225.000 ha, sản lượng khoảng 518.000 tấn; tăng diện tích đầu tương lên 120.000 ha (tăng 10.000 ha), sản lượng khoảng 180.000 tấn.


       Rau, hoa và cây ăn quả: Diện tích rau, đậu các loại đạt khoảng 1,08 triệu ha; sản lượng rau các loại 15,8 triệu tấn, đậu các loại đạt 194 ngàn tấn. Tập trung thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng các loại trái cây có thị trường tiêu thụ; nâng cao diện tích trồng cây ăn quả lên khoảng 800.000 ha. Mõi địa phương chọn phát triển cây ăn quả lợi thế thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Phát triển sản xuất rau, hoa công nghệ cao, quy mô lớn tập trung ở các vùng ven đô, các thành phố lớn. Duy trì tốt công tác giám sát và phòng chống sâu bệnh trên cây trồng.


       Ngành chăn nuôi: Triển khai mạnh các định hướng và nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo quyết định số 984/QĐ-BNN-CN ngày 09/5/2014. Chuyển mạnh từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại; khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, công nghiệp, liên kết theo chuỗi giá trị; nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo hướng áp dụng kỹ thuật tiên tiến, có kiểm soát theo Quyết định số 50/QĐ-TTg ngày 04/9/2014.


       Tiếp tục phát triển các giống vật nuôi chất lượng cao; khuyến khích nhập khẩu giống tốt, chọn tạo đàn giống thích hợp cho mỗi vùng sinh thái; phát triển mạnh đàn gia cầm, lợn và bò sữa; lai tạo và công bố một số tổ hợp lai gà thả vườn có năng suất, chất lượng cao, chi phí thức ăn thấp; lựa chọn và phát triển các giống đặc sản gắn với các vùng miền; phổ biến rộng rãi các giống thủy cầm lai chuyên thịt hoặc chuyên trứng…


       Sản xuất khoảng 16,7 triệu tấn thức ăn gia súc công nghiệp quy đổi; tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn gia súc, trọng tâm là quản lý các chất chính và chất cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi. Tăng cường công tác thú y, phòng trừ dịch bệnh; đẩy mạnh kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ; xây dựng cơ cơ chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

 
       Ngành thủy sản: Thực hiện nhiệm vụ, giải pháp của Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo Quyết định số 2760/QĐ-BNN-TCTS ngày 22/11/2013. Tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững 2016-2020.


       Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản theo các Nghị định của Chính phủ số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 và số 89/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015; thực hiện tốt các giải pháp, chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản. Tập trung phát triển kinh tế biển gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và thực hiện Chiến lược Biển Việt Nam. Phối hợp quản lý, tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân không đánh bắt hải sản trên các ngư trường xâm hại chủ quyền của nước khác. Tập trung hỗ trợ đóng mới và cải hoán tàu cá xa bờ; tăng cường đầu tư thiết bị trên tàu để nâng cao hiệu quả khai thác và giảm tổn thất sau thu hoạch; phát triển khai thác thủy sản gắn liền với bảo vệ và phát triển nguồn lợi; tiếp tục phát triển chuỗi giá trị cá ngừ áp dụng công nghệ cao.


       Đa dạng hóa đối tượng, phương thức nuôi với cơ cấu diện tích và sản lượng phù hợp với từng vùng kinh tế, sinh tháo trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh. Đẩy mạnh áp dụng thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, có chứng nhận đối với các sản phẩm chủ lực (tôm, cá tra, nhuyễn thể…). Phát triển các vùng nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao, nuôi an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, nhân rộng các mô hình kết hợp lúa – tôm hiệu quả; phát triển nuôi trên biển, tập trung vào cá, tôm hùm, nhuyễn thể.


       Giữ ổn định diện tích nuôi cá tra khoảng 5.100 ha, nâng cao chất lượng và tổ chức liên kết chuỗi, đảm bảo có lãi cho cả doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và người nuôi; ổn định diện tích nuôi tôm sú khoảng 600.000 ha, tôm chân trắng khoảng 100.000 ha, đẩy mạnh thâm canh bền vững; phát triển nuôi cá rô phi thâm canh ở đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long; phát triển nuôi nhuyễn thể và các loại thủy sản khác phù hợp với từng vùng, miền và thị trường.


       Phát triển chế biến, tiêu thụ thủy sản trong liên kết theo chuỗi giá trị; chú trọng khuyến khích nâng cao tỷ lệ chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng. Tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng dịch vụ hậu cần thủy sản; ưu tiên phát triển cảng cá kết hợp với khu neo đậu tàu thuyền để tăng hiệu quả đầu tư; đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ tin học, điện tử, viễn thám, công nghệ bảo quản sau thu hoạch tiên tiến trong quản lý và hiện đại hóa ngành thủy sản.


       Thực hiện các biện pháo kiểm soát tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm thủy sản; nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh trên thủy sản, trước hết trên tôm, nhuyễn thể, cá tra; ngăn chặn việc sử dụng tạp chất trong chế biến và xuất khẩu thủy sản. Cũng cố và hoàn thiện bộ máy, tăng cường năng lực cho lực lượng kiểm ngư để hướng dẫn ngư dân thực hiện đúng luật pháp (của cả nước ta và quốc tế) trên biển, đồng thời góp phần bảo vệ biển đảo Tổ quốc.


       Ngành lâm nghiệp: Tổ chức triển khai Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020 và Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo quyết định số 1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 08/7/2013; trọng tâm là thực hiện 04 kế hoạch hành động: Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến, phát triển kinh tế hợp tác bà liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp, phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ.


       Hoàn thành kiểm kê và triển khai rà soát quy hoạch 3 loại rừng. Thực hiện quản lý, sử dụng bền vững diện tích rừng tự nhiên, từng bước thay thế các diện tích kém hiệu quả bằng rừng trồng có năng suất cao; tăng tỷ lệ rừng kinh tế, nâng cao hiệu quả rừng trồng theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng; chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non xuất khẩu dăm sang khai thác gỗ lớn cung cấp cho công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu.


       Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đầu tư trồng rừng sản xuất và chế biến lâm sản, phát triển du lịch sinh tháo rừng; nghiêm túc thực hiện kế hoạch trồng rừng thay thế đối với diện tích rừng bị chuyển đổi làm thủy điện và mục đích khác.


       Triển khai thực hiện cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 và các chính sách hỗ trợ phát triển khác đã được ban hành.


       Tăng cường công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; ngăn chăn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, giảm mạnh số vụ vi phạm và diện tích rừng bị thiệt hại.


       Ngành diêm nghiệp: Ổn định diện tích sản xuất muối đã quy hoạch là 15.000 ha, sản lượng muối khoảng 1,5 triệu tấn, trong đó muối công nghiệp khoảng 600.000 tấn. Đẩy mạnh sản xuất muốn cung cấp cho ngành công nghiệp hóa chất, chế biến muối iốt; đồng thời, thông qua chế biến để tiêu thụ muối thô tạo điều kiện nâng cao đời sống diêm dân. Tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất muối sạch, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất, giảm thiểu sự ảnh hưởng của thời tiết và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.


       Phát triển công nghiệp chế biến Nông Lâm Thủy sản: Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án nâng cao giá trị gia tăng hàng Nông Lâm Thủy sản thông qua tái cơ cấu lĩnh vực công nghiệp chế biến, bảo quản và giảm tổn thất sau thu hoạch; khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến sản phẩm ăn liền để nâng cao giá trị gia tăng; đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, rà soát, đề xuất bổ sung chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013.


       Phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến các phế phụ phẩm nông nghiệp tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất; chuyển đổi cơ cấu sản phẩm đối với từng ngành hàng cụ thể.

 

Thành Công
Tin liên quan