Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Vì sao trồng lúa Global GAP lãi quá thấp
(Ngày đăng: 23/03/2016)

Đến ngày 8/3, xã viên HTX nông nghiệp Mỹ Thành, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đã thu hoạch xong 32 ha lúa vụ đông xuân 2015 – 2016 trồng theo tiêu chí Global GAP. Theo ông Lê Văn Chữ, Giám đốc Hợp tác xã, vụ nầy, xã viên trồng giống lúa thơm Jasmine theo hợp đồng bao tiêu với Công ty TNHH Tân Thành, năng suất bình quân đạt 75 tạ/ ha, thấp hơn rất nhiều so với vụ đông xuân năm trước.
Thu hoạch lúa đông xuân ở HTX nông nghiệp Mỹ Thành

 

       Nguyên nhân do nhiều yếu tố, trong đó có thời tiết bất lợi, năm qua không có lũ về thiếu nguồn phù sa bồi bổ đất đai và giống lúa Jasmine thường bị nhiều đối tượng sâu bệnh gây hại nên chi phí cao và năng suất lại không được như mong muốn.


       Điều đáng nói là mức lãi trong vụ đông xuân 2015 – 2016 đối với trà lúa Jasmine trồng theo tiêu chí Global GAP quá thấp, bà con thua thiệt. Ông Trương Văn Hạnh, Phó Giám đốc Hợp tác xã trồng 1,9 ha lúa Jasmine cho biết: Tôi thu hoạch năng suất bình quân 75 tạ/ ha, giảm khoảng 20 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước. Giá bán cho Công ty TNHH Tân Thành theo hợp đồng chỉ đạt 4.900 đ/kg, thấp hơn vụ đông xuân năm trước 10.000 đ/kg. Và ông so sánh, trong vụ đông xuân 2014 – 2015, trà lúa đạt năng suất từ 90 đến 100 tạ/ha, Công ty TNHH Tân Thành thu mua của nông dân giá 5.900 đ/kg, đối với lúa đạt tiêu chí Global GAP, cao hơn 450 đ/kg so với lúa sản xuất theo điều kiện bình thường.


       Ông Lê Văn Dũng, Chi hội trưởng chi hội nông dân ấp 5, xã Mỹ Thành Nam cũng đồng thời là xã viên hợp tác xã cho biết; Nếu hạch toán đầy đủ thì với mức năng suất bình quân 75 tạ/ ha và giá Công ty thu mua như trên, bình quân mỗi ha xã viên chỉ lãi từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng mà thôi. Nguyên nhân do chi phí cho sản xuất theo tiêu chí Global GAP cao, giống lúa Jasmine nhiễm nhiều đối tượng sâu bệnh việc phòng trừ đòi hỏi nhiều công cán, vốn liếng,…Trong khi giá lúa bán ra lại thấp.


       Trong khi đó, cũng trong vụ đông xuân 2015 – 2016, nông dân trồng giống lúa thường IR 50404 vẫn thu lãi khá. Ông Hai Nguyên, một nông dân cư ngụ ở xã Thạnh Lộc, Cai Lậy, Tiền Giang , canh tác 0,4 ha giống lúa thường IR 50404 trong vụ đông xuân 2015 - 2016. Vừa qua, ông thu hoạch năng suất khoảng 85 tạ/ ha, đạt sản lượng 34 tạ (0,4 ha), bán với giá 4.500 đ/kg, Bình quân mỗi ha đạt giá trị sản lượng trên 38 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 2 triệu đồng. Qua đó, cho thấy trong vụ đông xuân 2015 – 2016, những xã viên trồng lúa theo tiêu chí Global GAP Mỹ Thành “thiệt đơn, thiệt kép”.


       HTX nông nghiệp Mỹ Thành (xã Mỹ Thành Nam, Cai Lậy) là đơn vị kinh tế tập thể đầu tiên trong cả nước tổ chức trồng lúa theo tiêu chí Global GAP và được cấp chứng nhận Global GAP. Năm 2013, HTX được Công ty TNHH Tân Thành (Cần Thơ) hợp đồng trồng và bao tiêu lúa đạt tiêu chí Global GAP trong thời hạn 5 năm (từ vụ đông xuân 2013 – 2014 đến vụ đông xuân 2017 – 2018) trên diện tích 32 ha với 30 hộ xã viên. Bà con rất phấn khởi. Đánh giá về hiệu quả vụ đông xuân năm nay, ông Lê Văn Chữ, Giám đốc HTX cho biết: Sở dĩ Công ty TNHH Tân Thành thu mua giá lúa thấp hơn cùng kỳ năm trước bởi đầu ra của doanh nghiệp không thuận lợi. Mặc dù đã có cố gắng hết sức nhưng doanh nghiệp chỉ có thể thu mua đạt mức 4.900 đ/kg, cao hơn thị trường vào thời điểm 200 đ/kg mà thôi.


       Tất nhiên, khi hợp tác với Công ty TNHH Tân Thành, giữa hai đối tác phải có sự gắn bó, chia sẻ về quyền lợi lẫn những biến động bất lợi trên thị trường lúa gạo nhưng thực tế trồng lúa Global GAP hiệu quả mang lại không cao khiến bà con không được vui. Đề góp phần khắc phục trong khi HTX đang sắp bước vào sản xuất vụ hè thu 2016, bà con xã viên mong mỏi Công ty TNHH Tân Thành chia sẽ khó khăn của nông dân trồng lúa Global GAP nhiều hơn. Với tinh thần hợp tác, điều chỉnh giá thu mua khá hơn.

 

       Hiện nay, ở Tiền Giang chỉ duy nhất HTX nông nghiệp Mỹ Thành trồng lúa đạt tiêu chí Global GAP nhưng diện tích còn hết sức khiêm tốn. Nếu thực trạng như trên chưa được kịp thời tháo gỡ, e rằng trong tương lai khó mở rộng diện tích trồng lúa theo tiêu chí GAP – một xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, trên địa bàn tỉnh trọng điểm sản xuất nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

 

Minh Trí
Tin liên quan