Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Những thông tin cần biết về bệnh do nhiễm virus Zika
(Ngày đăng: 08/03/2016)

Thời gian vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta nghe và lo lắng rất nhiều về một loại bệnh lý mới: bệnh gây ra teo não do virus Zika. Chúng ta cần hiểu một cách đúng đắn về bệnh do virus Zika gây ra để không được lơ là, chủ quan nhưng cũng không quá cường điệu về tác hại của của nó.
Biểu hiện phát ban dát sần trên cánh tay

 

       Zika gây ra bệnh được gọi là sốt Zika hay bệnh nhiễm virus Zika. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi Aedes (muỗi vằn) lây truyền và có thể gây dịch. Virus Zika thuộc chi Flavivirus, họ Flaviridae. Họ Flaviviridae gồm nhiều virus arbo (Arbovirus: Arthropod – borne viruses), đó là những virus do các loài côn trùng chân đốt hút máu như muỗi hoặc ve, qua đó, chúng mang và lây truyền giữa các động vật có xương sống (kể cả loài người). Các virus arbo muốn truyền bệnh từ động vật có xương sống này sang động vật có xương sống khác phải có môi giới trung gian là côn trùng chân đốt. Khi côn trùng hút máu động vật đang ở giai đoạn nhiễm virus huyết, virus sẽ nhân lên ở trong cơ thể côn trùng nhưng không gây bệnh cho chúng; nếu côn trùng này đốt động vật cảm thụ khác thì sẽ truyền virus gây bệnh cho động vật đó. Có 69 tác nhân gây bệnh cho người được tìm thấy trong Flaviviridae. Các virus thuộc họ Flaviviridae gây bệnh ở người thường gặp là viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết, sốt vàng da, sốt Tây sông Nile…

 

 

Em bé bị tật đầu nhỏ


       Bệnh nhiễm virus Zika lây lan dễ dàng, ngoài lây truyền qua đường muỗi đốt, virus Zika có thể lây truyền từ mẹ sang con, qua đường máu và đường tình dục (ghi nhận hiếm). Virus Zika cũng đã được phát hiện có trong sữa nhưng chưa có bằng chứng lây truyền virus Zika qua bú mẹ. Có đến 80% các trường hợp nhiễm virus Zika không có biểu hiện gì cả. 20% nhiễm virus Zika có các triệu chứng khởi phát đột ngột như sốt (thường nhẹ 37.5°c đến 38°c), phát ban dát sần (maculopapular rash) khắp cơ thể, nhức đầu, đau khớp, viêm kết mạc mắt… Tuy nhiên, bệnh thường diễn biến lành tính, sẽ tự khỏi sau 4 - 7 ngày nếu nghỉ ngơi và uống thật nhiều nước, hiếm gặp những ca bệnh nặng và tử vong. Bệnh được so sánh như là một kiểu bệnh sốt xuất huyết nhẹ.


       Bệnh có thể gây ra biến chứng về thần kinh như hội chứng viêm đa rễ thần kinh Guillain Barré, viêm não màng não hoặc hội chứng não bé (hay đầu nhỏ, hay teo não) ở trẻ mà người mẹ bị nhiễm bệnh trong thời kỳ mang thai giai đoạn 3 tháng đầu. Đó là sự thoái hóa hoặc dị dạng của não khiến cho đầu trẻ không phát triển bình thường, với kích thước đầu nhỏ hơn bình thường và đôi khi gây tử vong. Tuy tỷ lệ biến chứng này không cao nhưng đây chính là thông tin gây hoang mang cho dư luận trong thời gian qua.


       Việc phát hiện chẩn đoán những ca đầu tiên là hết sức khó khăn do hầu hết bệnh nhân nhiễm virus Zika không có triệu chứng điển hình, dễ bị cộng đồng bỏ qua. Để chẩn đoán ca bệnh nghi ngờ, chúng ta dựa vào yếu tố dịch tễ (sinh sống tại hoặc du lịch tới vùng đã có lưu hành dịch do virus Zika trong vòng 2 tuần trước khi khởi bệnh) và có ít nhất 2 trong số các triệu chứng lâm sàng đã nêu ở trên, hoặc có hội chứng Guillain Barré hoặc trên siêu âm phát hiện thai nhi có não nhỏ hơn bình thường so với phát triển của thai nhi. Để chẩn đoán ca bệnh xác định phải dựa vào (1) có ca bệnh nghi ngờ và (2) RT-PCR virus Zika dương tính hoặc phản ứng huyết thanh (IgM) dương tính với virus Zika.


       Đến nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Các điều trị hỗ trợ bao gồm nghỉ ngơi, bù nước, điện giải, hạ sốt nếu có sốt cao.


       Virus Zika được phát hiện đầu tiên trên khỉ Rhesus tại ngôi làng và khu rừng Zika của Uganda vào năm 1947 và phát hiện trên người vào năm 1952 tại Uganda và Tanzania. Sau đó tiếp tục ghi nhận ở Nigeria vào năm 1954 và trở thành chủng virus lưu hành ở nhiều nước khu vực châu Phi. Kể từ đó, nhiều nghiên cứu xác định được kháng thể kháng Zika ở người từ nhiều quốc gia châu Phi và một số nơi của châu Á. Năm 2015, lần đầu tiên Zika được tìm thấy bên ngoài châu Phi và châu Á khi nó được phân lập ở Brazil, tại đây xuất hiện một ổ dịch nhỏ sau World Cup 2014. Virus Zika hiện diện khắp nơi, chu trình truyền bệnh liên quan đến muỗi và có thể lây lan qua đường tình dục, do đó Zika trở thành một tác nhân gây bệnh mới nổi quan trọng tác động trên phạm vi toàn cầu chưa lường trước được. Vào ngày 01/02/2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu về virus Zika, sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia về dịch tễ học, y tế công cộng tại một cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp y tế quốc tế thuộc WHO. Theo thông báo mới nhất của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (eCDC) đến cuối tháng 02/2016 thì đã có 44 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận virus Zika; dự kiến tác động 3-4 triệu người trước khi ngưng phát tác. Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bệnh do virus Zika. Tuy nhiên, nguy cơ dịch xâm nhập và lây lan rộng trong cộng đồng là hoàn toàn có thể.


       Tại Việt Nam, hiện nay chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus Zika. Tuy nhiên nước ta lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của loại muỗi Aedes, đây là muỗi truyền virus Zika, đồng thời hiện nay virus Zika đã ghi nhận tại một số nước xung quanh, đặc biệt là Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, những nơi có sự giao lưu du lịch, thương mại, lao động rất lớn nên nguy cơ virus Zika có thể xâm nhập và lan truyền tại nước ta là rất cao. Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới để theo dõi sát diễn biến và các nguy cơ của bệnh cũng như tăng cường các biện pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh ở nước ta, đẩy mạnh các hoạt động kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu quốc tế; giám sát chặt chẽ các hành khách nhập cảnh, đặc biệt những người đi về từ những vùng đang có dịch để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cách ly, xử lý kịp thời. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh do virus Zika để đáp ứng các hoạt động khi có dịch bệnh xâm nhập.


      
Ngành Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho mình và gia đình như sau:


1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào chân tủ thức ăn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...


2. Tránh muỗi đốt bằng cách ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc quần áo dài, thoa thuốc chống muỗi đốt, rèm che cửa để hạn chế muỗi xâm nhập vào nhà.


3. Diệt muỗi bằng nhiều biện pháp khác nhau: bình xịt muỗi, sử dụng nhang diệt muỗi, đèn bẫy muỗi… Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch.


4. Phụ nữ có thai không du lịch đến vùng bị ảnh hưởng của virus Zika.


5. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

BS CKII Trần Thanh Thảo
Tin liên quan