Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Chất lượng nước Sông Bảo Định-nguy cơ ô nhiễm do sinh hoạt, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp
(Ngày đăng: 18/02/2016)

Lưu vực sông Bảo Định thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang. Về vị trí địa lý, Sông Bảo Định là thủy lộ bắt đầu từ điểm hợp lưu với sông Tiền tại phường 1 và 2 thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang chảy qua địa phận thành phố Mỹ Tho, các huyện Chợ Gạo và Châu Thành rồi hợp lưu với sông Vàm Cỏ Tây tại thành phố Tân An, tỉnh Long An.
Bản đồ vị trí sông Bảo Định

 

       Lưu vực sông Bảo Định có trữ lượng nước mặt rất dồi dào, là nguồn cung cấp nước cho các chi lưu chính như: Rạch Ông Đạo, Rạch Bà Lý, Rạch Hốc Lựu, Rạch Bến Chùa, Rạch Ông Đăng, Rạch Miếu Điền, Kênh Nhỏ, Rạch Cái Ngang, Rạch Gò Cát. Hệ thống kênh rạch trong lưu vực khá dày là điều kiện góp phần rất quan trọng trong việc lưu thông, vận chuyển hàng hoá và phục vụ cho sản xuất trong khu vực.


       Chất lượng nước sông Bảo Định chịu ảnh hưởng từ nhiều nguồn thải khác nhau như: nguồn thải công nghiệp, nguồn thải sinh hoạt, nguồn thải dịch vụ và sản xuất nông nghiệp. Trong đó, nguồn thải từ công nghiệp tập trung ở thượng nguồn sông Bảo Định (khu công nghiệp Tân Hương), nguồn thải nông nghiệp tập trung rải rác từ thượng nguồn đến hạ nguồn, còn nguồn thải sinh hoạt và dịch vụ tập trung chủ yếu tại 03 đô thị trên lưu vực sông là Thành phố Mỹ Tho, thị trấn Tân Hiệp và Chợ Gạo. Ngoài ra, chất lượng nước Sông Bảo Định còn những nhóm dân cư nằm phân tán, rải rác ven các kênh, rạch trong lưu vực sông.

 

 

Hiện trạng rác thải nông nghiêp hiện nay (ảnh: minh họa)


       Với mật độ dân số cao, nước thải sinh hoạt chiếm khoảng 80% tổng số lượng nước thải ở các thành phố, là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm chất hữu cơ, chất dinh dưỡng và vi sinh tại các kênh, rạch. Hoạt động nông nghiệp trên lưu vực phát triển mạnh mẽ cũng là nguyên nhân khiến chất lượng nguồn nước sông Bảo Định ngày càng bị suy giảm. Tác động chính của hoạt động nông nghiệp đối với chất lượng nước sông là nước chảy tràn đồng ruộng cuốn theo dư lượng phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV), ảnh hưởng xấu đến thủy sinh và gây phú dưỡng hóa nguồn nước. Việc thải bỏ bừa bãi các loại rác như rác thải sinh hoạt, sản xuất, dịch vụ và đặc biệt là rác thải nông nghiệp: như các loại chai lọ thuốc trừ sâu, thuốc BVTV, các loại túi nilon hoặc gói thuốc trừ sâu sau khi được sử dụng… xuống các ao, hồ, kênh rạch, đã và đang đe dọa nghiêm trọng đến chất lượng môi trường nước trên lưu vực sông hiện nay, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và môi trường sống của người dân.


       Ngoài ra, thói quen vứt rác thải bừa bãi trên mặt cống hay gần cống thoát nước đã góp phần gây nên tình trạng tắc cống, ngập lụt cục bộ trên các tuyến đường giao thông trong khu vực khi mưa lớn. Nguyên nhân, một phần do nhiều hệ thống thoát nước quá lâu chưa được nâng cấp; một phần do rác thải và đất cát xung quanh sẽ theo nước mưa rơi xuống cống ngầm gây tắc dòng nước chảy xuống cống và làm ngập úng nhiều nơi. Từ đó gây mất mỹ quan đô thị và gây khó khăn cho các phương tiện giao thông qua lại tại khu vực.

 

 

Tuyến đường Ngô Quyền, thành phố Mỹ Tho bị ngập nước

khoảng 30 cm sau trời mưa to


       Kết quả quan trắc nước mặt gần đây tại khu vực TP Mỹ Tho, huyện Châu Thành và Chợ gạo thuộc lưu vực sông Bảo Định cho thấy: chất lượng nước trên lưu vực sông Bảo Định có dấu hiệu ô nhiễm nhẹ vào mùa khô; vào mùa mưa, nước sông Bảo Định và các kênh rạch hầu như đều bị ô nhiễm cục bộ. Cụ thể ở nhiều kênh rạch như: rạch Ông Đạo, rạch Miếu Điền, kênh Nhỏ, rạch Bà Lý, rạch Hốc Lựu.. là những nơi tiếp nhận trực tiếp các nguồn thải từ sinh hoạt, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước hiện đang ở mức báo động: các chỉ tiêu ô nhiễm hữu cơ (BOD5, COD), chất dinh dưỡng (nitơ, photpho, amôni, nitrat, nitrit) và vi sinh gây bệnh (coliform, E.coli) đa số đều vượt QCVN 08:2008/BTNMT, cột A2 (nguồn nước sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần phải xử lý). Ước tính dư lượng phân bón và thuốc BVTV có khả năng rửa trôi vào nguồn nước từ hoạt động trồng trọt tại lưu vực sông Bảo Định là khoảng 30,26 tấn/ngày (năm 2012) (*).


       Như vậy, với tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng gia tăng như hiện nay, mà con người vẫn không có những giải pháp cụ thể nhằm kiểm soát các hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước thì khả năng tự làm sạch của nước sông sẽ bị suy giảm đáng kể và đến một thời điểm nào đó, khi mà khả năng tự làm sạch của nguồn nước không còn duy trì và phục hồi được nữa, thì con người sẽ phải gánh chịu hậu quả vô cùng nghiêm trọng.


       Một ví dụ điển hình cho sự ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước mặt là kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè – một dòng kênh quan trọng của thành phố Hồ Chí Minh_dòng kênh đen ngòm, đầy rác, nước kênh đặc sệt, bốc mùi hôi thối. Đó là hệ quả của quá trình tiếp nhận tất cả nguồn thải của con người: từ quá trình sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp…, đã khiến cho dòng kênh bị ô nhiễm trầm trọng, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và tác động trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của khoảng 1,2 triệu người sống trong lưu vực sông này. Phải mất gần 10 năm từ 2003 – 2012 (tốn chi phí khoảng 8.600 tỷ đồng) mới hoàn thành giai đoạn 1 – “dự án vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè”, chất lượng nguồn nước mới được cải thiện đáng kể.


       Để hạn chế và góp phần làm giảm thiểu vấn nạn ô nhiễm môi trường nước trên lưu vực sông Bảo Định và các chi lưu, đòi hỏi phải có những giải pháp thiết thực và hiệu quả, cụ thể như sau:

 

- Nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ nguồn nước: tuyên truyền, giáo dục, vận động và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong lưu vực sông.

 

- Không vứt rác bừa bãi: rác thải sinh hoạt, sản xuất và rác thải nông nghiệp phải được phân loại và thu gom đúng nơi quy định, tuyệt đối không vứt xuống nguồn nước hoặc tại nơi sử dụng.

 

- Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung nhằm xử lý toàn bộ lượng nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn. Ngoài ra, cần phải kiểm soát tất cả các nguồn thải phát sinh từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu vực (chăn nuôi, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn…) đảm bảo chất lượng nguồn nước đạt quy chuẩn trước khi thải ra sông Bảo Định.

 

- Khuyến khích việc sử dụng các loại hóa chất BVTV thân thiện với môi trường (các hóa chất có nguồn gốc sinh học - độ bền thấp, dễ phân hủy trong môi trường), nghiêm cấm và kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng hóa chất BVTV ngoài danh mục cho phép.

 

- Cung cấp cho người dân các tài liệu, thông tin liên quan đến kỹ thuật canh tác; kỹ thuật bón phân, sử dụng hóa chất BVTV trên nguyên tắc 4 đúng (đúng loại, đúng liều lượng, đúng phương thức và đúng thời điểm).

 

- Nghiên cứu các kỹ thuật, mô hình và phương thức canh tác tiên tiến như đẩy mạnh áp dụng chương trình IPM – Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trong trồng trọt, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”; Hiện nay, mô hình “Sinh thái đồng ruộng” đã và đang được triển khai rộng rãi ở nhiều nơi, đây là mô hình mang lại hiệu quả rất tốt: vừa giảm chi phí phân thuốc vừa bảo vệ môi trường … đã thu hút sự quan tâm áp dụng của nhiều hộ nông dân.

 

- Việc quan trắc chất lượng nước hạ nguồn sông Bảo Định là rất quan trọng, do đó cần thiết phải đầu tư xây dựng 1 trạm quan trắc nước mặt tự động, liên tục tại hạ nguồn sông Bảo Định nhằm đánh giá được mức độ ô nhiễm đồng thời theo dõi diễn biến chất lượng môi trường để có hướng xử lý kịp thời.


       Tắc cống - Ngập lụt là dự báo trước mắt cho những đô thị đông dân cư, nếu như con người vẫn không có ý thức kiểm soát nguồn rác thải do mình sinh ra. Hãy có ý thức với hành động, việc làm của mình để không gây thêm sự suy thoái môi trường; Tất cả chung tay vì một môi trường xanh, sạch và đẹp – vì tương lai phát triển bền vững của cả cộng đồng dân cư gắn bó với dòng sông Bảo Định.

 

KS. Thái Thị Ngọc Thảo – Trung tâm Quan trắc MT&TN
Tin liên quan