Những ngày cận Tết và Tết là thời gian mà nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng cao kéo theo việc sản xuất và lưu thông một khối lượng lớn các loại thực phẩm trên thị trường. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm bùng phát và gia tăng. | |
Thịt heo bẩn, hôi thối |
Dịch vụ ăn uống phục vụ nhu cầu của thực khách tại các khu lễ hội là hoạt động kinh doanh thời vụ, có nơi phát triển tự phát, do đó khó tránh khỏi các vấn đề không đảm bảo vệ sinh ATTP. Vì vậy nguy cơ thực phẩm không bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thời gian này là rất lớn. Cũng chính vì thế, công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết phải được đặc biệt quan tâm.
Ngộ độc thực phẩm đông người
Thực phẩm không vệ sinh và không an toàn là do thực phẩm nhiễm vi sinh hoặc do sử dụng những loại hóa chất độc hại. Hơn 400 các bệnh lây truyền qua thực phẩm trong đó có những bệnh gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe kể cả sinh mạng con người. Trường hợp ngộ độc cấp tính, chúng còn biết để xử lý, điều tra, nhưng ngộ độc thực phẩm mạn tính, độc chất gây hại tích lũy trong cơ thể lâu dài đến một ngưỡng nào đó sẽ gây hại (như gây ra suy gan, suy thận, suy đa phủ tạng, ung thư…) gần như không ai biết và rất khó để xử lý, quy trách nhiệm và khó phòng ngừa. Ngộ độc mạn tính được xem là kẻ giết người thầm lặng. Việc loại bỏ hoàn toàn ngộ độc thực phẩm vẫn là một điều nan giải, không tưởng, ngay cả đối với những quốc gia tiên tiến như Mỹ, Anh, Đức, Ý, Pháp, Nhật Bản, hàn Quốc, Trung Quốc…. hàng năm cũng có nhều vụ ngộ thực phẩm. Vấn đề là làm sao mọi người đều được biết để phối hợp hành động sao cho không còn hoặc hạn chế đến mức thấp nhất những loại thực phẩm mất vệ sinh và mất an toàn để giảm bớt ngộ độc thực phẩm.
Theo thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2015, cả nước ghi nhận 150 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 4.077 người mắc, 21 người tử vong. Riêng bếp ăn tập thể có 33 vụ, làm 2.302 người mắc, 2.268 người phải nhập viện. Tại Tiền Giang, năm 2015, có 05 vụ ngộ đốc thực phẩm với 589 người mắc, không có tử vong; tuy có giảm số vụ nhưng số người bị ngộ độc tăng lên, chủ yếu là tại các bếp ăn tập thể của các công ty.
Thịt heo bẩn, hôi thối
Thời gian qua, có quá nhiều thông tin về các loại thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, an toàn. Việc sử dụng không an toàn về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trọng, kháng sinh, hóa chất trong chăn nuôi trồng trọt nông nghiệp, thủy hải sản còn khá phổ biến. Tuy chúng ta cũng có những vùng rau sạch, trái cây sạch, nhưng số lượng và tỷ lệ vô cùng nhỏ bé, mới chỉ đạt 8,5% tổng diện tích rau cả nước, cây ăn quả an toàn đạt khoảng 20%. Thực phẩm có chứa chất độc hoặc được sử dụng chất bảo quản, phụ gia, phẩm màu công nghiệp có hại cho sức khỏe trước đây đã từng biết như nước tương có 3-MCPD, nước mắm có u-rê, hải sản tươi được ướp với u-rê để bảo quản, trứng gà và sữa của Trung Quốc có chứa melamine hoặc chứa độc tố gây ung thư flavacin M1 (là độc tố do nấm mốc gây ra); hạt dưa, bột ớt và bột điều nhuộm phẩm màu công nghiệp có chứa Rhodamin B; trái cây khô Trung Quốc bị nhiễm độc chì; rau cải Trung Quốc sử dụng hóa chất bảo quản formaldehyde... Bánh phở có tẩm formol, chả giò chứa hàn the, rau củ quả có dư lượng chất bảo vệ thực vật, rượu tự nấu hoặc tự pha chế, làm giả chứa nhiều methanol gây chết người. Nước uống đóng chai nhiễm vi sinh vật. Thực phẩm biến chất, thực phẩm nhiễm hoá chất độc như hàn the trong chả lụa, muối diêm trong pa tê, xúc xích, phẩm màu công nghiệp trong chế biến để có màu sáng đẹp; chất tẩy trắng trong bún, dư lượng kháng sinh, chất tăng trưởng, hoá chất bảo vệ thực vật trong trái cây, rau quả… Hàng ngàn tấn thịt đông lạnh hôi thối hết hạn sử dụng vẫn được tái chế đưa ra thị trường. Gạo tẩm hoặc phun chất diệt mối mọt để bảo quản, làm bóng. Chân gà bị phát hiện có vi trùng mủ xanh được ngâm trong oxy già để làm trắng cung cấp cho các quán nhậu. Người ta còn dùng các chất tẩy đường (Sodium Hydrosulfite (Na2SO3)) để tẩy trắng mực, lòng heo, bắp chuối, măng, ngó sen, thịt gà, vịt, kể cả bột làm bún, bánh bao… Để có giá được đẹp, trắng hơn, thẳng hơn, mập hơn và đặc biệt là giá không mọc rễ, người ta sử dụng hóa chất lỏng từ Trung Quốc có khả năng gây ung thư. Các cơ sở sản xuất còn sử dụng phẩm màu công nghiệp để nhuộm bột, cốm cho ngon. Để gà có màu vàng tươi ngon, bắt mắt, trước khi đem đi phân phối cho các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp, quán bình dân,… gà được nhúng vào nồi nước sôi trong đó có hòa trộn một ít bột công nghiệp, loại mà người ta hay quen gọi là “bột sắt” - một loại hóa chất công nghiệp giống vec-ni dùng làm bóng gỗ, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đối với vịt, người ta sử dụng công nghệ nhổ lông vịt siêu tốc bằng nhúng vào nhựa thông nấu nóng, rồi vuốt nhẹ lông cho sạch, sau đó tẩy trắng vịt bằng hóa chất và nhuộm vịt bằng phẩm màu trước khi quay để vịt có màu đỏ rất bắt mắt. Mới đây, Chi cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh vừa bắt được 1,2 tấn vú heo hôi thối (xuất xứ từ Trung Quốc) đã vào đến Thành phố Hồ Chí Minh để chế biến thành vú dê nướng! Rồi hàng trăm kg heo sữa thối chở từ Bình Định vào Thành phố Hồ Chí Minh.
Để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng ta cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ một cách thường xuyên, liên tục như sau: (1) Tăng cường công tác truyền thông các quy định về an toàn thực phẩm cho người dân cũng như người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. (2) Các ngành chức năng phải phối hợp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những vi phạm trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ thực phẩm để công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm từng bước được kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả. (3) Hoàn chỉnh hệ thống các văn bản pháp luật, từng bước hướng đến việc xã hội hóa trong công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. (4) Nâng cao ý thức của người tiêu dùng trong chọn lựa thực phẩm. Thường xuyên theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, tivi, internet, các pano, áp phích, tờ bướm tuyên truyền…) hoặc tư vấn trực tiếp để nắm tình hình, đồng thời chủ động lựa chọn thực phẩm sạch và kiên quyết tẩy chay thực phẩm không an toàn là hình thức trừng phạt cao nhất đối với nhà sản xuất, chế biến.
Vệ sinh an toàn thực phẩm đóng vai trò rất quan trọng trong chiến lược bảo vệ sức khỏe con người. Việc bảo đảm VSATTP không những cung ứng nguồn dinh dưỡng tốt cho cuộc sống, làm giảm gánh nặng bệnh tật, tăng cường khả năng và hiệu suất lao động mà còn góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thể hiện nếp sống văn minh của một đất nước. Bảo đảm chất lượng VSATTP chỉ có thể thực hiện tốt nếu như mọi người đều có ý thức thực hành tốt về VSATTP. Trong khi chờ các nhà quản lý thực hiện được tốt nhiệm vụ và các doanh nghiệp nâng cao ý thức trách nhiệm và tự giác, thì người tiêu dùng cần phải tự bảo vệ mình thông qua những hiểu biết và thực hành đúng về quy định VSATTP để bảo vệ tốt sức khỏe cho chính mình và gia đình trong cuộc sống hàng ngày và nhất là trong các ngày lễ, tết.
10 lời khuyên để phòng ngộ độc thực phẩm
1. Chọn thực phẩm tươi sạch: chọn các loại rau, quả tươi, không bị dập nát. Thịt phải qua kiểm dịch thú y. Cá và thủy sản phải còn tươi, giữ nguyên màu sắc bình thường, không có dấu hiệu ươn. Thực phẩm đóng hộp phải có nhãn hàng hóa ghi tên sản phẩm, trọng lượng, các thành phần chính, cách bảo quản, sử dụng, nơi sản xuất, chế biến, số đăng ký và còn thời hạn sử dụng.
2. Giữ vệ sinh nơi ăn uống và chế biến thực phẩm: xa các khu khói, bụi bẩn, nhà vệ sinh hoặc khu chăn nuôi gia súc, rác thải gây ô nhiễm môi trường.
3. Sử dụng đồ dùng nấu nướng và ăn uống sạch sẽ: Chén đĩa dùng xong phải rửa ngay. Nếu vừa rửa xong cần dùng ngay thì tráng lại bằng nước sôi.
4. Chuẩn bị thực phẩm sạch sẽ và nấu chín kỹ: Rau, quả phải ngâm ngập trong nước sạch rồi rửa kỹ dưới vòi nước chảy hoặc rửa trong chậu.
5. Ăn ngay sau khi thức ăn vừa nấu xong hoặc vừa chuẩn bị xong
6. Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín và đun kỹ lại trước khi ăn
7. Giữ vệ sinh cá nhân tốt: cần rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi cho trẻ ăn hoặc tiếp xúc với thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với thực phẩm tươi sống. Cắt móng tay ngắn.
8. Sử dụng nước sạch trong ăn uống: Phải đủ nước sạch sử dụng để rửa, chế biến thực phẩm, rửa dụng cụ và khu vực chế biến từ các nguồn nước như nước máy, nước giếng, nước mưa, sông suối đã qua xử lý.
9. Sử dụng vật liệu bao gói thực phẩm sạch sẽ, thích hợp và đạt tiêu chuẩn vệ sinh: Không sử dụng sách, báo cũ để gói thức ăn chín.
10. Thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ: Thực hiện các biện pháp diệt ruồi, gián, chuột… Rác thải phải đựng vào thùng kín có nắp đậy.