Vụ đông xuân 2015 – 2016, Trung tâm Giống Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang cung ứng cho nhu cầu sản xuất của bà con trong ngoài tỉnh khoảng 700 tấn giống lúa chất lượng tốt và tăng hơn 30% về lượng giống so với vụ đông xuân năm trước. | |
Ths Trần Thị Thanh Thúy nghiên cứu giống lúa chịu mặn |
Đặc biệt, trong đó, Trung tâm đưa ra hai giống lúa OM 5451, OM 6976 có ưu điểm chịu măn, thích hợp với điều kiện sản xuất khắt nghiệt vùng cù lao nhiễm mặn và hạn hán gay gắt Tân Phú Đông, cho năng suất cao. Hai giống lúa này có được nhờ sự nghiên cứu, đánh giá, tuyển chọn của Ths. Trần Thị Thanh Thúy, Phó Phòng kỹ thuật, Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu “Đánh giá, tuyển công giống lúa cao sản thích nghi điều kiện canh tác đất nhiễm mặn tại huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang” do Thúy chủ trì.
Theo Ths. Trần Thị Thanh Thúy, đề tài nghiên cứu khoa học có tính thiết thực, nhằm giải quyết vấn đề nan giải là tìm ra giống lúa chịu mặn, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và hiệu quả. Đó cũng là tâm huyết của một nữ trí thức trẻ tỉnh Tiền Giang gởi gắm trong một đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào đời sống xã hội, tạo điều kiện để nhân dân phát huy tốt tiềm năng đất đai, lao động phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu.
Ths. Trần Thị Thanh Thúy nhận giải ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật
tỉnh Tiền Giang lần thứ XI
Được triển khai thực hiện đề tài ấp ủ từ vụ thu đông năm 2012, ròng rã trong gần ba năm, Ths. Trần Thị Thanh Thúy và nhóm cộng sự đã thành công khi tuyển chọn ra được 2 giống lúa OM 5451 và OM 6976 có khả năng thích nghi với điều kiện canh tác trên đất nhiễm mặn, thường xuyên hạn hán của huyện cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang từ 10 giống lúa đưa vào nghiên cứu khảo nghiệm, đánh giá, sàng lọc đầu vào. Kết quả so sánh qua thực tiễn sản xuất cho thấy các giống lúa trên cho năng suất cao hơn các giống lúa đối chứng địa phương từ 29 – 36% vừa thích hợp và sinh trưởng tốt trên vùng đất khó khăn này.
Theo kỹ sư Trần Ngọc Ẩn, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, hai giống lúa chịu mặn OM 5451 và OM 6976 trong vụ đông xuân có chu kỳ sinh trưởng 95 ngày, năng suất có thể đạt từ 60 – 70 tạ/ ha, chất lượng gạo ngon, được thị trường ưa chuộng. Do vậy, đầu ra thuận lợi, lợi nhuận khá cần được ưu tiên đưa vào sản xuất đại trà từ vụ đông xuân 2015 – 2016 trở đi, thay thế các giống lúa không còn phù hợp nữa.
Kỹ sư Phạm Việt Hồng, Tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Tiền Giang đồng thời là Trưởng ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XI (2014 – 2015) đánh giá cao về tính mới, hiệu quả và khả năng ứng dụng vào thực tiễn sản xuất của hai giống lúa chịu mặn trên, góp phần giải đáp bài toán giống lúa thích hợp với vùng đất nhiễm mặn Tân Phú Đông. Ngoài các ưu điểm về tính thích nghi vùng đất mặn, năng suất cao và phẩm chất gạo ngon, kết quả của việc tuyển chọn đưa vào sản xuất đại trà các giống lúa chịu mặn của Ths Trần Thị Thanh Thúy qua đề tài nghiên cứu khoa học trên còn giúp thay đổi tư duy và nâng cao trình độ canh tác của bà con địa phương, chuyển giao kỹ thuật thâm canh thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo nông thôn. Đặc biệt, ông còn nhấn mạnh, hai giống lúa OM 5651 và OM 6976 còn có khả năng thích nghi tốt với điều kiện canh tác trên đất nhiễm mặn trong vụ thu đông, phù hợp với mô hình sản xuất một vụ tôm – một vụ lúa đặc thù và sáng tạo tại Tân Phú Đông. Từ đó, góp phần hình thành vùng chuyên canh gắn với mô hình “cánh đồng lớn”, giải quyết tích cực đầu ra cho hạt lúa hàng hóa, đảm bảo lợi ích cho người nông dân. Không chỉ Tân Phú Đông, những vùng đất nhiễm mặn ven biển Nam bộ có điều kiện tương tự cũng có thể đưa giống lúa OM 5451 và OM 6976 vào cơ cấu sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông cho biết, hiện diện tích sản xuất một vụ lúa + một vụ tôm/ năm (lúa + tôm) tại đây đã lên gần 600 ha, nhu cầu về giống lúa chất lượng tốt rất lớn.
Ngoài ra, với địa bàn đặc thù đa dạng về sinh thái: Vùng ngập lũ, vùng Đồng Tháp Mười, vùng nước lợ và nhiễm mặn ven biển, việc tuyển chọn và đưa vào sản xuất đại trà hai giống lúa chịu mặn có nhiều ưu điểm vượt trội kể trên còn giúp Tiền Giang đa dạng hóa nguồn giống chất lượng phục vụ sản xuất. Đề tài “Đánh giá, tuyển chọn giống lúa cao sản thich nghi điều kiện canh tác đất nhiễm mặn tại huyện Tân Phú Đông, Tiền Giang” của Ths. Trần Thị Thanh Thúy do vậy đã xuất sắc giành giải ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XI (2014 – 2015) vừa qua.
ThS Trần Thị Thanh Thúy sinh năm 1981, quê quán xã Bình Phú, huyện Gò Công Tây, một trong những huyện nằm trong vùng duyên hải phía đông tỉnh Tiền Giang, hàng năm phải chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn và thiên tai trước đây. Là con em vùng quê thuần nông, nghèo khó ngày trước, Trần Thị Thanh Thúy nuôi ước mơ trau giồi việc học tập để sau này thành tài, về phụng sự quê hương, giúp bà con nông dân khai thác tốt tiềm năng đất đai, lao động để làm giàu. Sự thành công rực rỡ của đề tài nghiên cứu khoa học về đánh giá, tuyển chọn giống lúa chịu mặn là nguồn động viên quan trọng để nhà khoa học trẻ trong tương lai tiếp tục có thêm nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng nền nông nghiệp hàm lượng khoa học cao, giúp diện mạo nông nghiệp – nông dân – nông thôn ở Tiền Giang ngày một đổi mới, thịnh vượng và hội nhập. Ths Trần Thị Thanh Thúy đã nêu gương cho lớp trẻ thời đại Hồ Chí Minh đi tiên phong nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào các lĩnh vực sản xuất để làm giàu cho quê hương.