Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Suy nghĩ về mô hình tổ chức bộ máy của Liên hiệp Hội địa phương
(Ngày đăng: 13/11/2015)

Ngày 11/11/2015 tại Hậu Giang Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo chuyên đề ”Xây dựng, phát triển tổ chức và đẩy mạnh hoạt động của Liên hiệp Hội địa phương” . Hơn 100 đại biểu đã tham gia Hội thảo với nhiều ý kiến sâu sắc , tâm huyết. Sau đây là một số vấn đề nổi bật được trình bày tại Hội thảo.
Ông Đặng Vũ Minh- Chủ tịch LHHVN phát biểu tại hội nghị

 

       Thực trạng tổ chức bộ máy của Liên hiệp Hội các tỉnh, thành phố


       Qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, với 6 kỳ Đại hội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của một tổ chức chính trị - xã hội có hệ thống từ Trung ương đến 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, hiện nay tổ chức bộ máy của các liên hiệp hội địa phương lại không có một mô hình thống nhất, bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.


       Trong những năm gần đây, trên cơ sở Thông báo số 353-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương về việc triển khai các đề án thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị, Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Liên hiệp Hội Việt Nam xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật ở Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật ở Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Ban Bí thư Trung ương thông qua và Bộ Nội vụ hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện thông qua Công văn số 327/BNV-TCPCP ngày 19/01/2012. Ở nhiều địa phương, cấp ủy và UBND tỉnh đã tạo điều kiện để củng cố tổ chức bộ máy liên hiệp hội, cấp thêm biên chế và cơ sở vật chất để liên hiệp hội địa phương hoạt động. Hiện nay, trên 30 liên hiệp hội địa phương đã được UBND tỉnh phê duyệt đề án kiện toàn tổ chức, bộ máy.


       Theo số liệu thống kê về tổ chức và hoạt động của 63 liên hiệp hội địa phương vào cuối năm 2014, có 23 liên hiệp hội địa phương kiện toàn mô hình tổ chức bộ máy cơ quan thường trực gồm văn phòng và 2 ban chuyên môn, 14 liên hiệp hội địa phương kiện toàn mô hình tổ chức bộ máy cơ quan thường trực gồm văn phòng và 3 ban chuyên môn trở lên với nhiều tên gọi khác nhau (Ví dụ: Một số liên hiệp hội tỉnh như Bình Thuận, Ninh Thuận, Cao Bằng, Thanh Hóa,... kiện toàn mô hình tổ chức bộ máy cơ quan thường trực gồm 1 văn phòng và 4 ban). Như vậy, mặc dù số cán bộ của mỗi liên hiệp hội địa phương có tăng lên, nhưng thực chất mỗi ban hoặc văn phòng của liên hiệp hội địa phương chỉ có từ 2-3 cán bộ, chưa thực sự đảm bảo về mặt số lượng để đáp ứng được nhu cầu công việc (Theo số liệu khảo sát, số cán bộ làm việc tại cơ quan liên hiệp hội địa phương mới chỉ đáp ứng được khoảng 60-80% nhiệm vụ được giao).

 

 

Ông Phạm Văn Tân – Phó Chủ tịch, kiêm Tổng TK LHHVN 


      
Thực trạng đội ngũ cán bộ của Liên hiệp Hội các tỉnh, thành phố


       Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, với sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố, đội ngũ cán bộ biên chế và hợp đồng của các liên hiệp hội địa phương đã có sự tăng lên đáng kể. Tuy nhiên tổng số các bộ của liên hiệp hội c63 tỉnh thành phố cũng chỉ có 498 người. Bình quân mỗi liên hiệp hội địa phương có khoảng 8 cán bộ (Liên hiệp Hội tỉnh Bình Phước có nhiều cán bộ nhất: 23 người). Cùng với việc được bổ sung biên chế, nhiều liên hiệp hội địa phương được bổ sung kinh phí hoạt động thường xuyên, một số tỉnh cán bộ được hưởng phụ cấp công vụ, có trụ sở mới và trang bị thiết bị làm việc được tăng cường. Tuy nhiên, vẫn còn có một số liên hiệp hội địa phương chỉ có một vài biên chế và hợp đồng, thậm chí có những liên hiệp hội địa phương chưa được cấp biên chế, vì vậy việc thực hiện các nhiệm vụ của một tổ chức chính trị - xã hội gặp nhiều khó khăn. Về chất lượng đội ngũ cán bộ cũng còn bộc lộ


       Về nhân sự lãnh đạo chủ chốt của liên hiệp hội địa phương,theo thống kê từ phía Ban Tổ chức - Cán bộ Liên hiệp Hội Việt Nam, chủ tịch liên hiệp hội các tỉnh, thành phố có các mô hình chủ yếu sau đây:


       + Chủ tịch chính nhiệm, trong độ tuổi lao động: Ở mô hình này, chủ tịch thường là lãnh đạo của sở, ban, ngành trong tỉnh được điều động sang làm việc chuyên trách tại liên hiệp hội tỉnh.


       + Chủ tịch chính nhiệm, đã nghỉ hưu ở cơ quan Đảng, chính quyền về làm chủ tịch liên hiệp hội tỉnh.


       + Chủ tịch kiêm nhiệm: là lãnh đạo chủ chốt đương chức của tỉnh (bí thư tỉnh ủy, phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh, phó chủ tịch UBND tỉnh, trưởng ban tuyên giáo tỉnh ủy, giám đốc sở KH&CN,...) kiêm nhiệm giữ chức chủ tịch liên hiệp hội tỉnh.


       Đối với các liên hiệp hội địa phương có đảng đoàn, chủ tịch liên hiệp hội địa phương cũng đồng thời là bí thư đảng đoàn liên hiệp hội địa phương.


       Đối với vị trí lãnh đạo là phó chủ tịch, tổng thư ký, trưởng ban kiểm tra: Mỗi liên hiệp hội địa phương thường có từ 3-4 phó chủ tịch, trong đó có 01 phó chủ tịch kiêm tổng thư ký, 01 phó chủ tịch kiêm trưởng ban kiểm tra. Có những tỉnh thì có chức danh tổng thư ký riêng và trưởng ban kiểm tra riêng. Ở hầu hết các tỉnh đều có từ 01-02 phó chủ tịch liên hiệp hội kiêm nhiệm là các đồng chí lãnh đạo ban tuyên giáo hoặc lãnh đạo một số sở, ngành (Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,…). Đặc biệt, ở một số tỉnh, tất cả nhân sự lãnh đạo chủ chốt của liên hiệp hội địa phương đều kiêm nhiệm.


       Thực tế, mỗi mô hình lãnh đạo chủ chốt của liên hiệp hội địa phương, đặc biệt là chủ tịch liên hiệp hội địa phương đều có những yếu tố thuận lợi và khó khăn trong quá trình hoạt động, điều này được thể hiện qua một số điểm sau đây:


       + Trường hợp chủ tịch liên hiệp hội địa phương đồng thời là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh (bí thư/phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch/phó chủ tịch UBND tỉnh): Là lãnh đạo kiêm nhiệm liên hiệp hội địa phương, với vai trò, uy tín của bản thân và do có mối quan hệ khá chặt chẽ với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, với các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương nên gặp nhiều thuận lợi trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành hoạt động của liên hiệp hội. Tuy nhiên, do là lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, công việc bận rộn, trong khi chỉ kiêm nhiệm chức chủ tịch liên hiệp hội địa phương nên khó có thể dành nhiều thời gian cho công tác hội. Điều này phần nào ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động hội.


       + Trường hợp chủ tịch liên hiệp hội địa phương nguyên là lãnh đạo Đảng và chính quyền địa phương: Là lãnh đạo chính nhiệm của liên hiệp hội địa phương sau khi đã nghỉ hưu tại các cơ quan của Đảng, chính quyền, với thế mạnh đã kinh qua nhiều vị trí công tác khác nhau trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước nên có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý Nhà nước. Một số đồng chí cũng có khá nhiều kinh nghiệm trong công tác hội do đã từng trực tiếp chỉ đạo hoặc hỗ trợ hoạt động của các hội. Các vị trí này phần lớn phát huy hiệu quả dựa trên cơ sở uy tín và các mối quan hệ trong cơ quan quản lý nhà nước ở nhiệm kỳ đầu giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt liên hiệp hội. Tuy nhiên, về lâu dài, có những cán bộ đã cao tuổi và quen với môi trường và điều kiện hoạt động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước nên gặp trở ngại trong việc thích ứng với môi trường và điều kiện hoạt động khá khó khăn của liên hiệp hội địa phương.


       + Trường hợp chủ tịch liên hiệp hội địa phương là cán bộ trong độ tuổi lao động: Là lãnh đạo chính nhiệm, làm việc chuyên trách nên sẽ dành hầu hết thời gian cho công việc của liên hiệp hội địa phương. Đối với mô hình lãnh đạo chuyên trách, năng lực, sự năng động và mối quan hệ của người lãnh đạo có vai trò rất lớn ảnh hưởng đến sự phát triển của liên hiệp hội địa phương. Hoạt động của liên hiệp hội địa phương sẽ rất thuận lợi nếu có được sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ban, ngành địa phương, ngược lại, hoạt động của liên hiệp hội địa phương sẽ rất khó khăn nếu thiếu sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự sự phối hợp, hỗ trợ của các sở, ban, ngành địa phương.


       Từ thực trạng tổ chức bộ máy của cơ quan thường trực liên hiệp hội địa phương và cán bộ lãnh đạo của các liên hiệp hội địa phương đã nêu trên, để góp phần xây dựng Liên hiệp Hội ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở thành tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh vào năm 2020, vấn đề tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và lãnh đạo của các liên hiệp hội địa phương có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

 

Nguồn: vusta.vn - Công Lương Chánh Văn phòng Liên hiệp Hội Việt Nam
Tin liên quan