Ngày 24/9/2015, Hội đồng nghiệm thu dự án Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh tổ chức họp nghiệm thu dự án sản xuất thử nghiệm “Thiết kế, chế tạo phương tiện thủy chuyên dụng để xử lý cỏ dại, lục bình (bèo tây) trên sông, kênh rạch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”, do TS Nguyễn Quang Sáng làm chủ nhiệm, trường Đại học Tiền Giang là đơn vị chủ trì. Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 05/2012 – 03/2015, tổng kinh phí thực hiện 2,1 tỉ đồng. | |
Phương tiện chuyên dụng trục vớt lục bình, cỏ dại được nghiệm thu |
Phương tiện thủy chuyên dụng, xử lý lục bình, cỏ dại (phương tiện chuyên dụng = PTCD) có kích thước dài 10m, rộng 3m, cao 2m (1,6 m tính từ mặt nước), được truyền động bằng động cơ dầu 40 mã lực và vận hành bằng hệ thống thủy lực. Cấu tạo gồm có: thân phương tiện được thiết kế theo dạng ponton hở, 2 cụm dao cắt để phá mảng lớn lục bình cỏ dại (LBCD) với bề rộng làm việc 2m, băng tải trục vớt LBCD, băng tải chứa LBCD, máy cán để cán ép làm giảm thể tích và trọng lượng của LBCD, 2 bánh guồng di chuyển PTCD. Qua 4 lần thử nghiệm, được đóng góp ý kiến, chủ nhiệm dự án đã chỉnh sửa PTCD cơ bản hoàn thành mục tiêu dự án đề ra. Kết quả, trục vớt LBCD năng suất đạt bình quân 1.134 m2/giờ; trục vớt LBCD dày, có lẫn lộn nhiều vật cứng (trái dừa, tàu dừa, cây, nhánh cây) năng suất đạt bình quân 300 m2/giờ; vận tốc làm việc 0 ÷ 1,8 km/giờ; khối lượng không tải 9 tấn, khối lượng toàn tải 11 tấn. Giá ước tính của PTCD là 800 triệu đồng.
Ông Trần Văn Hùng, Phó giám đốc Sở Tài chính đóng góp ý kiến
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao nghiên cứu sáng tạo của nhóm tác giả. Tính mới của dự án là thiết kế phương tiện thủy gọn, nhẹ phù hợp với đặc điểm kênh, rạch có cầu dân sinh trong tỉnh; 2 băng tải kết nối nhau đưa LBCD lên bờ (các PTCD khác có 3 băng tải); có máy cán làm giảm thể tích và trọng lượng LBCD nhằm tăng sức chứa của phương tiện; bánh guồng xoay quanh trục được 900 nên thiết kế giảm được chiều rộng phương tiện mà vẫn chuyển hướng tốt trong điều kiện kênh, rạch nhỏ hẹp. Nhiều ý kiến đóng góp cho PTCD hoàn thiện và đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả như xây dựng quy trình vận hành, quy trình chăm sóc bảo dưỡng PTCD; phương tiện hoạt động dưới nước nên chú ý vật liệu làm băng tải là vật liệu không gỉ, thay thế ổ bi của băng tải trục vớt bằng ổ trượt để sử dụng được lâu bền; đặc biệt sông nước Đồng bằng sông Cửu Long LBCD có lẫn lộn vật cứng trôi nổi trên sông, kênh rạch nên tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện máy cán để không bị vướng vật cứng vào máy cán làm hệ thống không hoạt động được, ảnh hưởng đến năng suất hoạt động của PTCD. Sản phẩm chuyển giao cho Công ty TNHH Hồng Lộc, thị xã Cai Lậy quản lý, sau khi hoàn thiện PTCD và đưa vào sử dụng dịch vụ, sẽ góp phần giải quyết LBCD trên sông, kênh rạch đang lấn chiếm làm khơi thông dòng chảy phục vụ tốt cho giao thông đường thủy và sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà.
Hội đồng xếp loại đạt yêu cầu và thống nhất nghiệm thu dự án.