Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XI của Đảng cộng sản Việt Nam đã nêu rõ: “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước”. | |
Ảnh: Internet |
Gần đây Bộ Chính trị có Quyết định “Ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Theo chủ trương của Đảng, báo chí và truyền thông đại chúng là một hệ thống giám sát và phản biện xã hội. Đồng thời, xác định rõ báo chí có chức năng cơ bản thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Cũng là nhiệm vụ nặng nề, có ý nghĩa quan trọng của báo chí trong tình hình mới.
Giám sát là việc theo dõi, phát hiện, xem xét, đánh giá, kiến nghị nhằm tác động đối với cơ quan, tổ chức và cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước về việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Phản biện xã hội là việc nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến, kiến nghị đối với dự thảo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ta.
Mục đích của giám sát nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các trương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, những mặt tích cực, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiển đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.
Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm chủ đất nước. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, để làm cho đường lối, chủ trương của Đảng thể hiện một cách đúng đắn, đáp ứng quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân đảm bảo phù hợp giữa ý Đảng và lòng dân. Đảng chủ trương đối với báo chí và hệ thống thông tin đại chúng thực hiện việc giám sát và phản biện xã hội góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta trong sạch, vững mạnh và chăm lo lợi ích của nhân dân.
Thiết nghĩ Hội Nhà báo, lãnh đạo báo, đài cần xây dựng đội ngũ phóng viên, hội viên nhà báo có nhận thức đúng đắn chủ trương của Đảng về giám sát và phản biện xã hội hoàn toàn không đồng nghĩa với “phản bác” lại các đề án, chủ trương trong các văn bản dự thảo của tổ chức, cơ quan. Phản biện xã hội không mang tính chất thẩm định cuối cùng, đó là những kiến nghị có cơ sở khoa học, giúp cho tổ chức, cơ quan thẩm quyền có thêm nguồn thông tin, cơ sở khoa học và luận cứ quan trọng để xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, đảm bảo phù hợp với lợi ích của nhân dân.
Mặt khác, Hội Nhà báo, lãnh đạo báo, đài cần xây dựng đội ngũ phóng viên, nhà báo có trình độ chính trị, quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, có kinh nghiệm về nắm bắt thông tin, sát với nhân dân, lắng nghe ý kiến đề xuất, đóng góp của nhân dân, có kỹ năng khai thác thông tin, khai thác tài liệu, có năng lực nghiên cứu, phân tích thông tin, đánh giá các chương trình, đề án triển khai trong thực tiễn, phát huy những mặt tốt; đề xuất, kiến nghị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc với những nội dung, giải pháp, có giá trị góp phần với Đảng với Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng quốc phòng và an ninh phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.