Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của chúng ta
(Ngày đăng: 12/06/2015)

Trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư trong nước vào các khu công nghiệp và cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang nói riêng.
Đoàn viên ra quân dọn dẹp vệ sinh

 

       UBND tỉnh Tiền Giang, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT)luôn coi trọng nhiệm vụ bảo vệ môi trường (BVMT) và xác định đây là một trong những mục tiêu cơ bản để phát triển bền vững. Đặc biệt là từ khi triển khai, thực hiện Nghị quyết số 41/2004/NQ/TW, ngày 15/11/2004 của Bộ chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước, công tác BVMT ở Tiền Giang ngày càng đi vào chiều sâu và luôn được tăng cường về nhiều mặt. Quy hoạch, Kế hoạch và Chương trình BVMT được chú trọng, nhất là quy hoạch các bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt đáp ứng nhu cầu tiếp nhận rác của các huyện phía Tây và các huyện phía Đông. Hiện nay, tỉnh cũng đang kêu gọi dự án xây dựng “Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt thành phân Compost bảo vệ môi trường - phục vụ nông nghiệp” công suất 300 tấn/ngày được xây dựng tại xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước và dự án đầu tư xây dựng “Nhà máy tái chế và xử lý rác thải tại Ấp Long Phước, xã Long Chánh, thị xã Gò Công” công suất 300 tấn/ngày của tỉnh theo công nghệ xử lý rác bằng vi sinh hiếu khí để lấy phân compost. Chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt và các dự án thực hiện Chương trình đang trong quá trình triển khai thực hiện nhằm giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn toàn tỉnh…

 

 

Hệ thống xử lý nước thải KCN Mỹ Tho


       Thêm vào đó hệ thống tổ chức cán bộ làm công tác BVMT đã được thành lập từ tỉnh đến huyện và xã; Trung tâm Quan trắc Môi trường và Tài nguyên được thành lập đã tăng cường một bước năng lực về quan trắc môi trường như quan trắc nước biển ven bờ, quan trắc liên vùng, quan trắc nước mặt và không khí nội địa nhằm theo dõi, dự báo những diễn biến môi trường trong tỉnh và đề xuất các giải pháp phù hợp; việc thực hiện chặt chẽ quy định về đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cam kết BVMT và đề án BVMT của các dự án đầu tư; thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về BVMT được quan tâm nhiều hơn; công tác phối hợp ký kết Liên tịch giữa Sở TN&MT với các sở, ban ngành và các đoàn thể trong việc thực hiện công tác truyền thông môi trường như tham gia với Sở Công Thương tổ chức Hội nghị Quy định BVMT đối với hoạt động ngành công thương, Sở Giáo dục và Đào tạo chấm điểm trường xanh - sạch - đẹp ở các bậc học trong tỉnh để xét công nhận trường xanh - sạch - đẹp; Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức mit-tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6 và tuyên truyền vận động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường; Tỉnh đoàn và đoàn viên thanh niên thực hiện kế hoạch hành động bảo vệ ra quân vớt rác sông Bảo Định, bảo vệ dòng sông quê hương, xây dựng tuyến đường thanh niên tự quản, phối hợp với Hội LHPN tỉnh xây dựng mô hình đoạn đường không rác và mô hình giáo dục hành động BVMT... nhằm tạo nên những bước phát triển mới trong hoạt động BVMT trên địa bàn tỉnh.

 
       Những bước tiến nêu trên đã góp phần hạn chế được mức độ ô nhiễm môi trường và từng bước cải thiện chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh. Môi trường tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) được quan tâm nhiều hơn, một số doanh nghiệp đã đầu tư đổi mới quy trình công nghệ, xây dựng các công trình xử lý nước thải. Đến nay các KCN trên địa bàn tỉnh đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt cột A theo QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn quốc gia về nước thải công nghiệp và đang trong giai đoạn đấu nối; một số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn như Công ty TNHH MTV LiChuan Food Products Việt Nam, Công ty Cổ phần nông sản Việt Phú, Công ty Cổ phần thực phẩm xuất nhập khẩu Vạn Đức Tiền Giang... Sau khi thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn đã giúp các doanh nghiệp giảm tiêu thụ nguyên nhiên vật liệu, năng lượng, giảm phát thải ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và khẳng định uy tín thương hiệu trên thị trường. Các dự án xây dựng - môi trường và phát triển nhà ở trong tỉnh đã và đang từng bước được triển khai xây dựng nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại đô thị; đặc biệt chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã kêu gọi đầu tư nhà máy nước Đồng Tâm BOO đặt tại huyện Châu Thành có công suất 90.000 m3/ngày dẫn nước sạch cung cấp nước cho các huyện khu vực phía Đông; khoảng 70% các hộ dân trong tỉnh có xây dựng hố xí hợp vệ sinh, xây dựng hầm ủ biogas để xử lý chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh.


        Bên cạnh những kết quả đã đạt được, để giải quyết những vấn đề cơ bản về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, phải đi đôi với vấn đề BVMT và hướng đến sự chuyển biến toàn diện về nhận thức và hành động, về chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác BVMT trong toàn xã hội, xét thấy có 08 vấn đề sau đây cần được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp, cộng đồng và mỗi chúng ta quan tâm, đồng thuận, phối hợp chặt chẽ trong thực hiện BVMT:


1. Hiện nay vấn đề quy hoạch KCN được hình thành ở những nơi rất nhạy cảm về môi trường nước, cần tập trung thực hiện tốt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong mối gắn kết hài hoà giữa phát triển và BVMT; quy hoạch phát triển các khu dân cư gắn kết với nhu cầu cấp nước sạch, xử lý chất thải, BVMT.


2. Nâng cao năng lực và tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT;


3. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục môi trường, phổ biến rộng rãi kiến thức pháp luật về BVMT đến các tổ chức, doanh nghiệp, trường học, khu dân cư để mọi tổ chức, cá nhân biết, tuân thủ BVMT;


4. Tăng cường công tác giám sát của các tổ chức, đoàn thể, của các cộng đồng dân cư và của mọi người dân đối với vấn đề BVMT trong các dự án đầu tư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các khu dân cư;


5. Phòng ngừa những tác động xấu đối với môi trường;


6. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động môi trường và áp dụng các biện pháp kinh tế trong BVMT;


7. Tạo sự chuyển biến trong đầu tư BVMT, vì đầu tư cho BVMT là đầu tư cho phát triển bền vững; tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế cho công tác BVMT; nguồn vốn đầu tư cho BVMT cần được quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nhằm ưu tiên đầu tư cho BVMT.


8. Có cơ chế khen thưởng xứng đáng các tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể, cá nhân có công trong BVMT và xử phạt nghiêm khắc những đơn vị và cá nhân vi phạm Luật BVMT.


       Bảo vệ môi trường là bảo vệ sự sống của chúng ta và thế hệ mai sau. Vì vậy, mỗi tổ chức, mỗi đoàn thể, mỗi doanh nghiệp, mỗi cá nhân chúng ta hãy chung tay góp sức BVMT vì chính chúng ta và thế hệ mai sau. Mặt khác, BVMT là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn nhằm góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách bền vững.

 

Huỳnh Thị Tú Quyên - CCBVMT
Tin liên quan