Gần đây, người dân ở các địa phương vùng Đồng Tháp Mười của hai tỉnh Tiền Giang- Long An rất phấn khởi vì cây Tràm đã có đầu ra khi một nhà máy sơ chế cây tràm thành lập. Như vậy, từ nay cây tràm đã thoát khỏi cảnh lao đao do bế tắc đầu ra như nhiều năm qua. | |
Chúng tôi đến công ty trách nhiệm hữu hạn Châu Thành Hưng ( tại xã Long Hưng huyện Châu Thành) vào buổi sáng sớm ,nhưng cảnh hoạt động của nhà máy sơ chế cây tràm diễn ra rất nhộn nhịp.Theo ban quản lý nhà máy, trong thời gian gần 3 tháng sau khi thành lập, nhà máy hoạt động hết công suất.Hiện tại lượng cây tràm dự trử nơi đây được chất thành nhiều đống cao hàng chục mét.
Được biết nhà máy sơ chế cây tràm của công ty trách nhiệm hữu hạn Châu Thành Hưng hoạt động chính thức vào ngày 13/6/2007.Phương thức hoạt động của Nhà máy là xay phần gỗ của cây tràm và cây bạch đàng thành dăm nhỏ. Số dăm tràm này được đóng thành từng container để chở đi xuất khẩu sang Trung Quốc.Sau đó dăm tràm được chế biến thành bột sản xuất giấy.
Cụ thể, trước khi thực hiện thành phẩm xuất khẩu, cây tràm phải được bốc hết phần vỏ và cắt thành từng đoạn dài từ 1,8 mét đến 2,2 mét. Sau đó vào máy xay- xay nhuyễn ra dăm tràm. Để đảm bảo cho hoạt động theo quy trình khép kín ,công ty TNHH Châu Thành Hưng phải đầu tư đến 18 tỷ đồng để trang bị các thiết bị máy móc cần thiết. Hiện tại nhà máy có 4 cổ máy hoạt động ,với công suất 320 tấn /ngày ,và cho đến nay, công ty TNHH Châu Thành Hưng đã xuất khẩu sang Trung Quốc được hơn 9000 tấn dăm tràm. Để có đủ lượng cây tràm nguyên liệu cho nhà máy hoạt động liên tục, công ty phải mua cây tràm từ huyện Tân Phước và các huyện ở vùng đồng Tháp Mười như Thạnh Hoá , Mộc Hoá ( tỉnh Long An). Như vậy phải nói sự ra đời của nhà máy sơ chế cây tràm này đã góp phần giải quyết được lượng cây tràm tồn đọng trong nhiều năm qua tại vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Tiền Giang cũng như các địa phương lân cận.
Tiếp xúc với chúng tôi ,ông Lê Hữu Đạo- một hộ dân trồng tràm huyện Thạnh Hoá ( Long An) bày tỏ niềm vui” trước giờ người dân nơi tôi trồng tràm bán cừ nhưng ế ẩm rồi chuyển qua bán củi giá rất thấp. Từ khi có nhà máy sơ chế, chúng tôi rất yên tâm vì các loại cây tràm dù tốt xấu đều có thể bán được”
Ở thời điểm này công ty TNHH Châu Thành Hưng mua tràm nguyên liệu với giá là 430 ngàn đồng /tấn. Tuy giá này chưa cao lắm, nhưng các loại cây tràm tốt xấu đều được nhà máy thu mua hết. Tính trung bình 1 ha tràm ngưồi dân bán được giá khoảng 30 triệu đồng. Đề cập đến đầu ra của cây tràm hiện nay ,Ông Huỳnh Văn Bườn Trưởng Phòng nông nghiệp huyện Tân Phước nói:” khi có Nhà máy sơ chế cây tràm thì nông dân địa phương rất vui. Bởi gần 8000ha tràm và bạch đàng ở địa phương đang bị ế ẩm đầu ra. Gần đây, đã có nhiều hộ phá bỏ tràm để trồng các loại cây khác. Nhưng giá tràm thương phẩm hiện nay chỉ có 430 ngàn đồng /tấn thì còn thấp, vì cây tràm trồng 5- 7 năm mới bán được. Chúng tôi đề nghị nhà máy sơ chế nên tăng giá lên cho nông dân nhờ…”
Có thể nói đầu ra của cây tràm hiện nay ra sao còn phụ thuộc vào hoạt động của nhà máy sơ chế tràm của công ty TNHH Châu Thành Hưng. Với đà hoạt động của nhà máy như hiện nay thì lượng tràm Tân Phước cũng như cả khu vực Đồng Tháp Mười tỉnh Long An cũng không đủ phục vụ cho nhu cầu chế biến dăm tràm xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Hằng - giám đốc Công ty TNHH Châu Thành Hưng nói“để đảm bảo nguyên liệu tràm cho nhà máy hoạt động, hướng tới đây công ty sẽ hợp đồng với các địa phương có thể trồng tràm ở các tỉnh Tiền Giang- Long An và Đồng Tháp để trồng loại cây tràm Úc. Vì loại cây này chỉ có 3 năm sẽ cho thu hoạch . Đồng thời đầu tư xây dựng thêm một nhà máy sơ chế cây tràm ở tỉnh Cà Mau. Còn về đầu ra thì cây tràm không sợ ế ẩm. Nhu cầu cần nguyên liệu dăm tràm để chế biến ra giấy ở Trung Quốc rất lớn”
Có thể nói cây tràm ở vùng Đồng Tháp Mười đã hồi sinh.Qua tìm hiểu của chúng tôi sau thời gian bỏ ngõ hiện nay, nông dân vùng Đồng Tháp Mười bắt tay vào chăm sóc lại rừng tràm và đặt niềm tin vào giá cả loại cây này sẽ tăng lên để có nguồn thu nhập khá .
ChuTrinh