Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Giàu lên nhờ trồng gấc
(Ngày đăng: 23/04/2015)

Dựa vào đặc tính của cây gấc dễ trồng, không kén đất, đầu ra ổn định, nên những năm gần đây mô hình trồng gấc bắt đầu phát triển mạnh trên vùng đất phèn mặn của huyện Tân Phước (Tiền Giang), giúp cho nhiều bà con có nguồn thu nhập ổn định, từng bước xây dựng được gia đình ấm no, hạnh phúc. Anh Nguyễn Văn Minh, xã Tân Lập 1 (Tân Phước, Tiền Giang) là một trong những người tiêu biểu, thành công với mô hình trồng gấc này.
Anh Minh bên giàn gấc say trái

 

       Ghé thăm giàn gấc được trồng trước nhà của anh Nguyễn Văn Minh, xã Tân Lập 1 với diện tích khoảng 1.000 m2, cao khởi đầu, trái treo lủng lặng, dày đặt với những loại trái lớn, nhỏ khác nhau, mới thấy giá trị cũng như sự thích nghi của cây gấc trên vùng đất này.


       Dẫn chúng tôi ra thăm giàn gấc gần 2 năm tuổi của gia đình và được anh kể cho nghe "cái duyên" đã đưa anh đến với cây gấc và cũng từ cây gấc mà gia đình anh ăn nên làm ra. Anh Minh nói: "Nơi này, trước đây tôi trồng cây xanh để chống lại cái nắng chói chang, gây gắt của vùng đất Tân Phước này. Một hôm, đến tham gia sinh hoạt tại Hội cựu chiến binh của xã và được tham quan, giới thiệu mô hình trồng gấc mang lại hiệu quả của mấy anh em hội viên. Từ đó, ý định trồng gấc nảy sinh, tôi về đốn hết cây xanh và bắt đầu làm giàn, căng dây để trồng gấc, vừa che mát vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình".

 

 

Anh Minh bên cạnh gấc thành phẩm vừa thu hoạch xong


       Chỉ vào dây gấc vừa bò lên giàn với gốc to bằng cổ tay, anh Minh nói tiếp: Gấc thường trồng khoảng hơn 1 năm thì năng suất sẽ giảm, lúc đó không nhổ bỏ dây để trồng lại dây mới, mà tiến hành cắt dây chừa lại một đoạn gốc dài từ 40 - 60 cm trên mặt đất, sau đó đào hố xung quanh gốc, rộng 20 cm, sâu 10 cm cách gốc 25 - 30 cm bón phân rồi lấp đất lại và tưới nước để gốc tái sinh chồi mới. Mỗi năm, người trồng nên cắt dây một lần, cùng với việc chăm sóc tốt, chỉ sau 2 - 3 năm, gốc gấc to sẽ cho nhiều trái. Mỗi công đất có thể trồng từ 35 đến 40 gốc, nếu chăm sóc tốt, đúng kĩ thuật, mỗi gốc gấc có thể cho năng suất 100 đến 150kg, đầu ra được thương lái bao tiêu sản phẩm với giá 10.000/kg (loại trái từ 400gam trở lên). Với giá bán này, mỗi công đất sau khi trừ chi phí mang về cho người trồng hơn 10 triệu đồng, cao gấp 3 - 4 lần so với cây lúa và những loại cây trồng khác.


       Anh Minh cũng cho biết thêm, gấc trồng bằng hạt rất dễ xảy xa trường hợp trồng phải gấc đực không cho trái. Vì vậy, ngay lúc cây non lên khoảng 20cm là tiến hành ghép bo dây gấc cái, cách làm này giúp người trồng an tâm trồng không lo trồng phải gấc đực. Thông thường 1 trái gấc chiếm tỷ lệ khoảng 50% là gấc đực.


       Chia sẻ về kinh nghiệm trồng gấc, anh Minh cho biết, gấc chủ yếu là loại dây leo, vì vậy trồng gấc phải làm giàn. Thường xuyên làm cỏ, xới nhẹ đất quanh gốc cách gốc 25 - 30cm để kích thích rễ gấc phát triển. Ngoài lượng phân hữu cơ bón lót là chính, mỗi năm vào đầu, giữa và cuối mùa mưa nên bón thúc thêm phân hỗn hợp NPK 16 - 16 - 8 hoặc phân NPK 20 - 20 - 15 để cây sinh trưởng mạnh cho nhiều trái, trái to. Có thể đào rãnh rộng rải đều phân lân lên mặt đất cách gốc 20 cm rồi dùng cuốc xới nhẹ lấp phân. Xếp cỏ khô, rơm rạ lên mặt để giữ ẩm và chống rửa trôi. Phải phun thuốc theo định kì để phòng trừ rệp sáp, sâu xanh, nhện đỏ, ruồi vằn đục trái... Đồng thời phải biết cách phòng trị bệnh đốm lá, cháy lá, hoa lá và bệnh tuyến trùng... làm ảnh hưởng đến năng suất cũng như chất lượng trái.


       Anh Minh cho biết, vào mùa nắng nóng (tháng 1 đến tháng 4), gấc thiếu nước nên ra trái ít, 1 tuần anh thu hoạch một lần, mỗi lần được hơn 50kg. Nhưng vào mùa mưa, gấc xanh tốt và ra hoa, kết trái dầy đặc. Trung bình mỗi lần thu hoạch, anh hái được đến hơn 100kg, gấp 2 - 3 lần mùa nắng. Giá gấc trên thị trường cũng dao động theo mùa. Hiện nay, giá thương lái đến tận nhà thu mua 10.000 đồng/kg. Anh Minh phấn khởi nói: "Lúc mới trồng, bán ra được 7.000 đồng/kg là tôi đã thấy có lời hơn so với trồng lúa rồi, sau đó, gia tăng lên 10.000/kg. Chỉ tính riêng trong năm 2014, tôi đã bán được hơn 30 triệu đồng từ tiền gấc. Từ vườn cây xanh không thu hoạch được gì, giờ mỗi năm thu mấy chục triệu đồng, đó là điều mà tôi không thể ngờ tới được".


       Nhờ đam mê và "bén duyên" với cây gấc đến nay gia đình anh Minh đã trở nên khá giả, xây dựng nhà cửa khang trang, cuộc sống đi vào ổn định, con cái thành đạt. Hiện nay, anh Minh đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng gấc, tự ươm, ghép gấc để trồng và bán cho bà con trong vùng nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình. Ngoài ra, anh còn tận tình chia sẻ kinh nghiệm, kĩ thuật trồng gấc cho bà con có nhu cầu đầu tư vào mô hình "trồng gấc" này.


       Hiện tại Công ty Nông nghiệp Đông Phương tại thành phố Hồ Chí Minh bao tiêu, thu mua và hướng dẫn kỹ thuật trồng gấc cho bà con, tạo niềm tin để bà con an tâm đầu tư vào cây gấc. Nhờ có người hướng dẫn kỹ thuật trồng và bao tiêu sản phẩm nên hiện nay ở xã Tân Lập 1 đã có hơn 70 hộ gia đình trồng gấc theo hình thức xem canh, chuyên canh, trồng bờ rào, tường nhà... Phong trào trồng gấc ở Tân Lập 1, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con trên vùng đất "rốn lũ, rốn phèn" này.

 

Minh Toàn
Tin liên quan