Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Những điểm mới của Nghị định số 18/2015/NP-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ
(Ngày đăng: 14/04/2015)
Ngày 14 tháng 02 năm 2015 Chính phủ ban hành Nghị định 18/2015/NĐ-CP quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường. Nghi định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-04-2015

 

       Một số điểm mới của Nghị định 18/2015/NĐ-CP như sau:


       1. Quy định cụ thể thêm về việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường, trong đó quy định quy hoạch bảo vệ môi trường được lập phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội với kỳ đầu cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2040 theo 02 cấp độ là quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia và quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh. Theo đó, quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia bao gồm các nội dung chính sau: diễn biến, mục tiêu quản lý môi trường rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; thực trạng môi trường biển, hải đảo, lưu vực sông; mục tiêu và các giải pháp bảo tồn, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, hải đảo, lưu vực sông; thực trạng phát thải khí và chất lượng môi trường không khí; mục tiêu và giải pháp quy hoạch đối với các hoạt động phát triển có nguồn phát thải khí lớn; thực trạng ô nhiễm suy thoái môi trường đất; mục tiêu và các giải pháp phòng ngừa suy thoái, ô nhiễm môi trường đất, phục hồi các vùng đất đã bị ô nhiễm, suy thoái; thực trạng ô nhiễm môi trường nước; mục tiêu và các giải pháp quản lý nước nước thải và bảo vệ nguồn nước; thực trạng thu gom, xử lý và các mục tiêu, giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại; Thực trạng mạng lưới quan trắc và giám sát môi trường; mục tiêu, định hướng quy hoạch hệ thống quan trắc và giám giá môi trường;…và Quy hoạch bảo vệ môi trường cấp tỉnh được lập dưới hình thức báo cáo riêng hoặc lồng ghép vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội.


       2. Nghị định cũng quy định danh mục các dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường cũng như phải báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường. Chủ dự án thuộc Phụ lục II của Nghị định này có trách nhiệm tự thực hiện hoặc thuê tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Điều 19 Luật Bảo vệ môi trường 2014; chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trường và các thông tin số liệu được sử dụng trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong quá trình thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án phải tiến hành tham vấn ý kiến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thực hiện dự án, các tổ chức và cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi dự án; nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến khách quan, kiến nghị hợp lý của các đối tượng liên quan được tham vấn để hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của dự án đến môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học và sức khỏe cộng đồng.


       3. Đồng thời quy định cụ thể trường hợp lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Khoản 1 Điều 15 như sau: có những thay đổi quy định tại các Điểm a, b Khoản 1 Điều 20 Luật Bảo vệ môi trường 2014; bổ sung những hạng mục đầu tư có quy mô, công suất tương đương với đối tượng thuộc danh mục Phụ lục II Nghị định này; có thay đổi về quy mô, công suất, công nghệ hoặc những thay đổi khác dẫn đến các công trình bảo vệ môi trường không có khả năng giải quyết được các vấn đề môi trường gia tăng; theo đề nghị của chủ dự án.


       4. Quy định thực hiện lập đề án bảo vệ môi trường cụ thể tại Khoản 2 Điều 22: các đối tượng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã đi vào vận hành chính thức nhưng không có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thì trong thời hạn tối đa 36 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành phải thực hiện một trong hai biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm sau đây: (1) Lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết đối với các cơ sở có quy mô, tính chất tương đương với đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định tại Nghị định này gửi cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định này để tổ chức thẩm định phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết; (2) Lập đề án bảo vệ môi trường đơn giản đối với các cơ sở có quy mô, tính chất tương đương với đối tượng phải đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường quy định tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định này gửi cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 19 Nghị định 18/2015/NĐ-CP để đăng ký. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt đề án bảo vệ môi trường chi tiết và việc lập, đăng ký đề án bảo vệ môi trường đơn giản.


       5. Nghị định này thay đổi cụm từ “Cam kết” thành “Kế hoạch” tại Chương V của Nghị định này nhằm tạo điều kiện cho chủ dự án thực hiện trách nhiệm và chủ động trong bảo vệ môi trường, mặt khác sẽ thuận lợi cho công tác quản lý bảo vệ môi trường đối với các dự án không lập đánh giá tác động môi trường. Tại Phụ lục IV của Nghị định 18/2015/NĐ-CP quy định những đối tượng không phải đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường.

 

Huỳnh Thị Tú Quyên - CCBVMT
Tin liên quan