Tại Tiền Giang, mùa khô 2015 đến thật khắt nghiệt, nhất là đối với các huyện nằm trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh: Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, thị xã Gò Công. Nước mặn xâm nhập sâu vào phía thượng lưu sớm hơn cùng kỳ năm trước cả tháng và có diễn biến hết sức phức tạp. Đến thời điểm 11/3, toàn bộ các cống trong vùng dự án đã đóng để ngăn mặn triệt để. Nghĩa là trên 30.000 ha đất canh tác vụ đông xuân tại đây đang nằm trong vòng vây nước mặn mà nếu không có giải pháp đối phó kịp thời và hữu hiệu thì thiệt hại cho sản xuất, đời sống hoàn toàn có thể xãy ra. | |
Khảo sát bơm trữ nước chống hạn ở Đồng Sơn, Gò Công Tây |
Đáng mừng là trước đó, rút kinh nghiệm đối phó với thiên tai hàng năm, tỉnh đã xây dựng lịch thời vụ sản xuất đồng loạt theo hướng né hạn mặn cho toàn vùng dự án. Nhờ vậy, đến thời điểm đóng toàn bộ các cống ngăn mặn, phần lớn diện tích lúa đông xuân trong nội đồng đang vào giai đoạn chín hoặc trổ đều, đã cắt nước nên giảm thiểu được nguy cơ thiệt hại do thiên tai. Chỉ còn khoảng trên 1.500 ha gieo sạ trễ tại những địa bàn nằm xa cuối nguồn cung cấp nước còn phải bơm tưới cho đến cuối tháng 3/2015. Diện tích này cần phải tập trung xử lý, tổ chức bơm chuyền hai cấp chống hạn nhằm đảm bảo sự sinh trưởng của cây, không để bị thiệt hại về năng suất, sản lượng. Trong diện tích trên, thì Gò Công Tây có 490 ha, thị xã Gò Công có 480 ha, huyện Gò Công Đông trên 600 ha.
Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây cho biết, diện tích lúa đông xuân bị nguy cơ hạn hán của địa phương nằm chủ yếu ở các xã cuối nguồn nước: Đồng Sơn, Bình Phú, Bình Tân... trong đó gay nhất là Đồng Sơn với gần 200 ha. Diện tích này nằm kề sông Tra – một chi lưu của sông Soài Rạp thường nhiễm mặn rất sớm và độ mặn rất cao. Hiện nay, để giải quyết nguồn nước tưới, giải pháp huyện đưa ra là tập trung làm thủy lợi nội đồng, dọn dẹp lục bình, khai thông dòng chảy, tổ chức bơm chuyền hai cấp để bơm trữ nước vào nội đồng càng nhiều càng tốt để phục vụ sản xuất khi các cống đập đóng ngăn mặn toàn bộ và nguồn nước dưới kênh mương ngày một cạn kiệt theo đà sự gay gắt của hạn mặn.
Bà Lê Thị Nhân, canh tác 0,5 ha (5.000 m2) lúa đông xuân ở ấp Khương Thọ, xã Đồng Sơn, Gò Công Tây đang tất bật lắp đặt hệ thống máy bơm chuyền hai cấp để bơm nước từ kênh lên ruộng cho biết: diễn biến mặn năm nay phức tạp nên bà con rất lo lắng. Nhờ ngành chức năng trong các ngày qua tích cực lấy nước vào kênh mương qua các cống, vận hành hệ thống cống đập hợp lý và tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nên nông dân cũng đỡ lo và có biện pháp đối phó kịp thời. Cụ thể, gia đình bà tập trung dọn cỏ rác, lắp đặt máy bơm chuyền đưa nước vào ruộng. Do trà lúa còn nhỏ nên từ nay đến cuối tháng 3/2015 còn phải bơm lấy nước ba, bốn lần nữa mới xong. Tuy nhiên, hiện tại đã tạm ổn – Bà Nhân cho biết.
Còn ghi nhận của phóng viên, trong những ngày qua, công tác phòng chống hạn mặn cho nội đồng vùng dự án ngọt hóa Gò Công được các cấp, các ngành chức năng hết sức chú trọng với nhiều giải pháp rất khẩn trương mà ưu tiên là tập trung bơm nước vào ruộng trữ phục vụ sản xuất, nhất là đối với trà lúa đang ở giai đoạn 50 – 70 ngày tuổi đang rất cần nước. Qua khảo sát của Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang cho thấy, tại huyện Chợ Gạo đã phát loa thông báo để người dân chủ động bơm nước vào ruộng đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện để bơm 2 cấp khi cần thiết. Tại huyện Gò Công Tây, đã cập nhật tình hình diễn biến mặn và cấp nước vào nội đồng hàng ngày đặc biệt khuyến cáo nông dân các xã khó khăn: Đồng Sơn, Bình Phú, Bình Tân... bơm trữ nước ngay. Các xã Bình Xuân (thị xã Gò Công), Tân Thành (Gò Công Đông) cũng đã tổ chức bơm chuyền hai cấp trữ nước vào ruộng từ nhiều ngày qua.
Trong vụ đông xuân 2014 – 2015, toàn vùng dự án ngọt hóa Gò Công, nông dân xuống giống trên 30.600 ha trong đó riêng cây lúa trên 29.300 ha, còn lại là rau màu các loại. Ngay từ đầu tháng 3/2015, hầu hết các địa bàn khó khăn đều tổ chức ra quân bơm chuyền hai cấp nhằm khẩn cấp giải quyết nguồn nước bơm tưới, phần công ty tập trung vận hành hợp lý các cống ngăn mặn và lấy ngọt khi có điều kiện. Do vậy, thiệt hại về sản xuất khó xảy ra nhưng chi phí sẽ cao do phải tổ chức bơm chuyền hai cấp.
Để giảm bớt khó khăn cho nông dân và chủ động trong phòng chống thiên tai, trong mùa khô 2015, tỉnh có kế hoạch đầu tư trên 22 tỷ đồng nạo vét 138 tuyến kênh nội đồng bị cạn với chiều dài trên 126.000 m, khối lượng đất đào đắp trên 885.000 m3, đồng thời còn đầu tư thêm trên 2,8 tỷ đồng đắp 166 đập giữ nước và tổ chức 184 điểm bơm chuyền tiếp nước tại các địa bàn sản xuất khó khăn. Tiền Giang đang huy động mọi nguồn lực để đưa công tác phòng chống hạn mặn đạt hiệu quả cao, không để thiên tai gây hại, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân nói chung, đặc biệt là vùng dự án ngọt hóa Gò Công nằm ở duyên hải phía đông thường xuyên phải đối mặt với hạn mặn mỗi năm mỗi thêm gay gắt và phức tạp.