Ngày Quyền của Người tiêu dùng (NTD) thế giới bắt nguồn từ bài phát biểu của cố Tổng thống Mỹ John Kennedy tại Thượng viện Mỹ ngày 15-3-1962, cổ vũ cho 8 quyền của NTD. Phản đối những bất công trong xã hội và lạm dụng trên thị trường làm hại đến NTD. | |
Đại biểu tham gia phát biểu tại Hội thảo |
Năm 1983, Liên hiệp quốc đã chính thức tuyên bố ngày 15-3 là Ngày Quyền của NTD thế giới.
Ngày nay, 8 quyền của NTD đã được Liên hiệp Quốc và nhiều nước công nhận, là cơ sở cho các hoạt động bảo vệ NTD của Quốc tế NTD và các tổ chức NTD toàn thế giới.
Liên Hiệp quốc quy định 8 quyền, gồm: Quyền được thỏa mãn những nhu cầu cơ bản, quyền được an toàn, quyền được thông tin, quyền được lựa chọn, quyền được lắng nghe, quyền được khiếu nại và bồi thường, quyền được giáo dục, đào tạo về tiêu dùng, quyền được có môi trường sống lành mạnh và bền vững và 5 trách nhiệm của người tiêu dùng, đó là: Biết phê bình, biết hành động, quan tâm đến xã hội, hiểu biết về tiêu dùng, có ý thức cộng đồng cao.
Quang cảnh buổi Hội thảo
Chủ đề của Ngày Quyền của NTD thế giới năm 2015 do Quốc tế NTD (CI) đưa ra là: “Dinh dưỡng lành mạnh”. Lý do chọn chủ đề này, theo CI là vì chế độ ăn uống không lành mạnh liên quan đến bốn trong mười nguyên nhân gây tử vong lớn nhất trên toàn thế giới: thừa cân và béo phì, huyết áp cao, đường huyết cao và cholesterol cao. Số lượng những người thừa cân và béo phì tiếp tục tăng, cho đến nay, không một quốc gia đơn lẻ nào đã thành công trong việc đảo ngược sự gia tăng này. Các tác động của bệnh béo phì lên GDP toàn cầu tương đương với chi phí của chiến tranh, bạo lực súng đạn và khủng bố. Đây là một vấn đề có ảnh hưởng đến mọi người trong thế giới phát triển và đang phát triển. NTD và sự lựa chọn của NTD là trung tâm để giải quyết vấn đề này. Tính khả dụng và khả năng chi trả của các loại thực phẩm không lành mạnh, việc thực hành tiếp thị của các công ty thực phẩm quốc tế lớn và sự thiếu thông tin cập nhật làm cho NTD ngày càng khó lựa chọn một chế độ ăn uống lành mạnh.
Ở nước ta, Nhà nước đã ban hành hệ thống pháp luật, trong đó có Luật An toàn thực phẩm. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm; Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng; về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và nhiều chương trình cụ thể khác, nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi NTD thực phẩm; đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Sau những năm triển khai thực hiện đã thu nhiều kết quả.
Tuy nhiên, an toàn thực phẩm vẫn là mối quan tâm của toàn xã hội. Nhiều vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra, có vụ dẫn đến tử vong. An toàn thực phẩm trước hết phụ thuộc vào nguồn thực phẩm cung ứng trên thị trường. Bên cạnh những thực phẩm bảo đảm chất lượng, NTD đang phải đối mặt với những thực phẩm không an toàn do tồn dư hóa chất, vi khuẩn độc hại và tác nhân khác, từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu. Quá trình từ sản xuất đến tiêu dùng, an toàn thực phẩm không chỉ phụ thuộc vào sản xuất, chế biến, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh, kiểm tra, kiểm soát mà còn phụ thuộc vào chính NTD. Việc tiêu dùng không hợp lý sẽ dẫn đến những hậu quả không mong muốn đối với sức khỏe. Tình trạng lạm dụng rượu, bia, thuốc lá là một điển hình.
Để hưởng ứng chủ đề do CI đưa ra và từ thực tế Việt Nam, Trung ương Hội đã chọn chủ đề Ngày 15-3-2015 là “Dinh dưỡng lành mạnh”.
Thực trạng và thách thức trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD tại Tiền Giang trong giai đoạn hiện nay.
Trong những năm qua công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD, được các ngành, các cấp và Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh Tiền Giang rất quan tâm và chú trọng, công tác bảo vệ quyền lợi NTD có nhiều chuyển biến tích cực như: Đa số người dân được trang bị kiến thức cơ bản về tiêu dùng, về mua sắm hàng hóa dịch vụ, biết được cơ quan bảo vệ quyền lợi NTD và biết đi khiếu kiện khi quyền lợi của mình bị xâm hại. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD là:
1. Vẫn còn hơn 1/3 người dân chưa được phổ biến kiến thức về tiêu dùng, chưa nhận biết được quyền và trách nhiệm của mình khi mua sắm hàng hoá, dịch vụ, kiến thức mà NTD nắm được là chưa sâu, còn mơ hồ, đặc biệt là các vùng kinh tế còn khó khăn, nơi mà NTD có rất ít cơ hội tiếp cận với việc tìm hiểu và thực thi quyền và trách nhiệm của mình.
2. Đa số chưa biết tên tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD, NTD còn lúng túng, chưa biết ai là người giải quyết những vấn đề vi phạm đến quyền lợi của họ. Do không biết Hội bảo vệ quyền lợi NTD nên NTD sẽ không biết làm cách nào khi quyền lợi của họ bị xâm hại.
3. Đa số NTD không khiếu nại khi quyền lợi bị xâm hại nguyên nhân là do e ngại thủ tục hành chánh, sợ tốn thời gian, tốn kém chi phí đi lại… trong khi giá trị hàng hóa không cao. Đây cũng là một phần nguyên nhân làm cho hàng gian, hàng giả, bán hàng lừa dối người tiêu dùng tồn tại trên thị trường, vần đề này đề rất cần được quan tâm.
4. NTD chưa quan tâm đến hóa đơn, chứng từ khi mua sắm hàng hóa, điều này gây bất lợi cho họ nếu có khiếu nại xảy ra, đây là vấn đề cần được quan tâm tuyên truyền trong thời gian tới.
5. Mạng lưới tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD còn mỏng, việc hoàn thiện bộ máy bảo vệ quyền lợi NTD chưa theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế thị trường. Nguồn nhân lực hạn chế, tình trạng cán bộ kiêm nhiệm, thậm chí một số nơi không có cán bộ chuyên trách, cán bộ thiếu kinh nghiệm, nguồn kinh phí hoạt động của Hội còn hạn chế... Điều này đã làm cho công tác bảo vệ quyền lợi NTD chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
6. Vấn đề được xã hội quan tâm nhất hiện nay là vấn nạn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, bán hàng lừa dối người tiêu dùng đang diễn ra phổ biến trên thị trường, với các hình thức vi phạm ngày càng tinh vi, thủ đoạn ngày càng gian xảo làm cho NTD hiện nay không yên tâm khi mua sắm hàng hoá dịch vụ. Đòi hỏi các ngành, các cấp cần có giải pháp hữu hiệu để bảo vệ NTD trong giai đoạn hiện nay.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng, cấp thiết trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang được cả cộng đồng xã hội quan tâm, đòi hỏi phải có sự nổ lực phối hợp tích cực của các Sở, Ban ngành các cấp, Hội bảo vệ người tiêu dùng cũng như chính bản thân người tiêu dùng. Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, giúp cho người tiêu dùng biết được quyền và trách nhiệm của mình khi mua sắm hàng hóa, dịch vụ. Mua sắm hàng hóa đảm bảo chất lượng không những bảo vệ được người tiêu dùng mà còn bảo vệ được được doanh nghiệp làm ăn chân chính, ngăn chặn hàng gian, hàng giả thâm nhập vào thị trường thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong tỉnh.
Bảo vệ quyền lợi NTD đóng vai trò quan trọng, đòi hỏi cấp thiết trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Bảo vệ quyền lợi NTD đang được cả cộng đồng xã hội quan tâm, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, phối hợp tích cực của các các ngành, các cấp, Hội bảo vệ NTD cũng như chính bản thân NTD. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm giúp cho NTD biết được kiến thức pháp luật của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD. Mua sắm hàng hóa đảm bảo chất lượng không những bảo vệ được quyền lợi NTD mà còn bảo vệ được được doanh nghiệp làm ăn chân chính, ngăn chặn hàng gian, hàng giả thâm nhập vào thị trường, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.