Khóm (dứa) là một đặc sản của tỉnh Tiền Giang, nhưng nói đến “hàng độc” chưng trên mâm ngũ quả ngày Tết thì phải nói đến khóm phụng hay khóm son mà loại khóm này có giá cao hàng chục lần khóm thường. Năm nay, khóm phụng, khóm son hứa hẹn được mùa nên thời điểm này bà con trồng khóm son chỉ chờ trúng giá để có một cái Tết sung súc, trọn vẹn. | |
Khóm phụng là loại khóm kiểng có hình chim phượng hoàng đang xòe cánh rất đẹp mắt và có ý nghĩa tốt đẹp nhất là chưng trên mâm ngũ quả ngày Tết cổ truyền. |
Khóm phụng độc đáo
Chỉ còn hơn 1 tháng nửa là đến Tết Nguyên Đán Ất Mùi 2015 nên bà con nông dân đang tất bật chăm sóc những vườn khóm phụng, khóm son của mình để khóm phát triển tốt, trái có hình dáng độc đáo, màu sắc đẹp và kịp cung cấp cho thị trường Tết.
Khóm phụng là loại khóm kiểng có hình chim phượng hoàng đang xòe cánh rất đẹp mắt và có ý nghĩa tốt đẹp nhất là chưng trên mâm ngũ quả ngày Tết cổ truyền.
Ông Hà Văn Bảy, xã Mỹ Phước là nông dân tiên phong trong mô hình trồng khóm phụng, khóm son ở vùng đất phèn thuộc huyện Tân Phước cho biết, mỗi cây khóm chỉ cho một trái nên năm nay ông dự kiến cung cấp cho thị trường khoảng 1.000 trái khóm phụng từ vườn khóm của mình. Do tỷ lệ khóm phụng đẹp (nặng từ 4-6 kg/trái, hình dáng đẹp, màu sắc rực rỡ, có nhiều trái con có hình dạng giống trái mẹ) thường chỉ khoảng 20% nên ông sẽ có khoảng 200 trái khóm loại đặc biệt bán với giá gần 200.000 đồng/trái, còn những trái khóm còn lại sẽ được bán xô với giá 20.000-30.000 đồng/trái.
Theo ông Bảy, khóm phụng là loại khóm kiểng có thịt trái dai nhưng có hình chim phượng hoàng (chim phụng) đang xòe cánh rất đẹp mắt và có ý nghĩa tốt đẹp nhất là chưng trên mâm ngũ quả ngày Tết cổ truyền. Trồng khóm không đòi hỏi nhiều kỹ thuật phức tạp nhưng khó xử lý hình dạng trái như mong muốn. Thời gian trồng khóm phụng khá dài, tỷ lệ trái đẹp thấp nhưng giá trị của loại khóm này cao hơn khóm thông thường hàng chục lần nên người trồng khóm phụng có lợi nhuận cao.
Thậm chí, trong vụ Tết Nguyên Đán năm 2014, ông Cao Văn Sáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước đã lập một kỷ lục về giá của khóm phụng khi ông bán được một cặp khóm với giá 4 triệu đồng mặc dù ông Sáng chỉ có vài trăm gốc khóm phụng trồng quanh nhà.
Khóm son màu sắc rực rỡ
Bên cạnh khóm phụng, khóm son cũng là loại khóm kiểng được thị trường Tết ưa chuộng để chưng trên mâm ngũ quả. Đây là loại khóm kiểng có màu sắc rất đẹp, rực rỡ như màu son nên cũng được nhiều người ưa chuộng. Mặc dù loại khóm này chỉ có giá khoảng 10-20 ngàn đồng/trái, nhưng không đòi hỏi quá nghiêm ngặt về mẫu mã nên tỷ lệ trái đạt yêu cầu cao hơn.
Khóm son loại khóm kiểng có màu sắc rất đẹp, rực rỡ như màu son nên cũng được nhiều người ưa chuộng.
Ông Đỗ Đức Phối, nông dân trồng khóm son ở xã Mỹ Phước (huyện Tân Phước) cho biết, mọi năm gia đình ông đều thu được khoảng 10 triệu đồng từ trồng khóm son bán phục vụ thị trường chưng nghi trong mấy ngày Tết. Năm nay, trên 2.000 cây khóm son của gia đình ông phát triển tốt nên hứa hẹn bán với giá cao hơn năm ngoái, lợi nhuận từ khóm son dự kiến cũng sẽ cao hơn.
Theo ông Cao Văn Sáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Mỹ (huyện Tân Phước), toàn xã hiện có vài chục hộ trồng khóm phụng, khóm son đang tất bật chăm sóc để những trái khóm phụng, khóm son có hình dáng đẹp, bắt mắt người mua chưng Tết. Thông thường, hàng năm trước Tết Nguyên Đán khoảng 1 tháng thì thương lái các nơi đến đây thu mua khóm phụng, khóm son cung cấp cho thị trường trái cây Tết ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Còn ông Đổng Văn Dũng, xã Tân Hưng (huyện Cái Bè) cho biết, Tết Nguyên đán năm rồi gia đình trồng 7.000 cây khóm son, thương lái đến tận vườn mua khóm 7.000-14.000 đồng/trái, trừ chi phí anh còn lãi hơn 40 triệu đồng. Năm nay ông Dũng tiếp tục trồng khóm son và cũng hy vọng sẽ tiếp tục thắng lớn trong vụ Tết này.
Theo các chuyên gia ngành Nông nghiệp, kỹ thuật trồng khóm son rất công phu, đòi hỏi chăm sóc tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Từ khi trồng đến khi cắt trái khoảng 10 tháng và mỗi cây chỉ cho 1 trái. Vì vậy, muốn có khóm son bán vào đúng dịp Tết thì khoảng tháng 2 âm lịch là bắt đầu trồng cây giống, đến tháng 8-9 âm lịch bắt đầu xử lý để khóm ra hoa, bằng khí đá để đến Tết Nguyên đán trái già, có thể chưng lâu mà không bị mất màu, giảm sắc. Bên cạnh đó, phải thường xuyên tưới nước đầy đủ, phun xịt các loại phân thuốc để rệp sáp không tấn công và khi thời tiết nắng nhiều ngày phải che nắng để không bị nám trái.
Những năm gần đây cùng với sự phát triển kinh tế của cả nước, nhu cầu tiêu thụ các loại trái cây độc đáo cũng tăng theo nên nhiều nông dân trồng khóm đã nghĩ đến việc phát triển loại khóm này. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện toàn tỉnh có hơn 50 hecta trồng khóm phụng, khóm son để phục vụ nhu cầu chưng nghi trên mâm ngũ quả trong mấy ngày Tết cổ truyền, trong đó tập trung chủ yếu tại xã Thạnh Mỹ (huyện Tân Phước) và các xã Tân Hưng, Mỹ Lợi A, Mỹ Tân (huyện Cái Bè).
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Phước, từ nay đến 20 tháng Chạp (âm lịch) sẽ có nhiều thương lái từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đến đặt mua khóm phụng, khóm son để cung cấp cho các thị trường từ Nam đến Bắc và năm nào cũng đắt hàng. Năm nay giá khóm phụng, khóm son hứa hẹn bội thu do thương hiệu khóm son, khóm phụng Tân Phước được nhiều tỉnh thành biết tiếng và tìm đến mua trong dịp tết cổ truyền của dân tộc. Năm nay, nông dân trồng khóm phụng, khóm son sẽ hứa hẹn một vụ khóm Tết trúng mùa vì khóm đang phát triển rất tốt.