Con cá tai tượng được biết đến trước tiên qua việc nuôi làm cảnh, có lẽ từ đầu những năm 80. Ký ức tuổi thơ tôi còn lưu giữ hình ảnh 2 con cá màu xám đen lượn lờ trong bể kính của người hàng xóm. Lạ ở chỗ là cho gì nó cũng ăn, từ ngọn rau, gốc cải đến mớ cá tép vụn hay cơm thừa canh cặn… không giống như những con cá cảnh khác. | |
Ao nuôi cá tai tượng ở xã Phú Kiết huyện Châu Thành, Tiền Giang |
Sau khi về làm ở Trung tâm Khuyến nông, tìm hiểu tôi được biết, chỉ không lâu sau đó chính người nông dân đã có công đưa cá tai tượng từ bể kiếng xuống ao nuôi.
Điều này quá ư hợp lý. Mà nếu không như vậy thì đúng là… lãng phí. Vì sao?
Thứ nhất, cá tai tượng ăn tạp và tận dụng rất tốt các loại phụ phẩm nông nghiệp, phụ phẩm nhà bếp… Mà những thứ này thì ở nông thôn nhà nào mà chẳng có. Cá tai tượng ăn tất tần tật các loại rau, củ, quả và một số loại cỏ mềm. Cá không chê các loại trái cây hư, dập; sẵn sàng ăn các phần thân gốc, già úa, sâu xia, dập nát của các loại rau củ; và cũng không từ chối các loại bèo tấm, bèo hoa dâu, bèo tai chuột, rau trai hay các loại rau cỏ thủy sinh mọc ven bờ khác… Những thứ này hoàn toàn không tốn tiền. Vì vậy, cá tai tượng còn được dân gian trìu mến gọi là “con cá của người nghèo”.
Ảnh: minh họa
Thứ hai, cá tai tượng không kén chọn nơi để sống. Cá có thể định cư trong các mương vườn, mương rẫy nhỏ hẹp, có thể sống trong nước phèn nhẹ hay có nhiều tạp chất hữu cơ. Ngày xưa, trong bể kiếng chật chội cá còn chịu được, huống gì được ra ao.
Vì lẽ đó, cá tai tượng nhanh chóng được chào đón ở nhiều vùng quê trong khu vực ĐBSCL (trừ những nơi nước nhiễm mặn hay phèn nặng). Riêng trong tỉnh Tiền Giang, cá tai tượng được nuôi nhiều ở các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo và TP. Mỹ Tho. Đặc biệt, có một số vùng nuôi tập trung ở các xã Thân Cửu Nghĩa, Tam Hiệp, Long An (huyện Châu Thành), xã Phú Kiết (huyện Chợ Gạo)… Vào thời “hoàng kim” của cá tai tượng, nhiều nông hộ ở Thân Cửu Nghĩa đã tận dụng tất cả ao mà mình có để nuôi cá. Còn ở các khu vực nuôi tập trung khác, mỗi hộ có 3 – 4 ao nuôi cá tai tượng với tổng diện tích vài ba trăm mét vuông là chuyện bình thường.
Vùng trồng rẫy có nhiều thuận lợi để nuôi cá, do tận dụng được “bổi” (phần bỏ đi của các loại rau củ sau khi thu hoạch). Theo những người nuôi cá lâu năm kể lại là ngày xưa có ít người nuôi cá nên dễ xin bổi của các nông hộ khác; còn sau này không chỉ khó xin bổi, mà các loại phụ phẩm khác cũng khó tìm hơn. Vì vậy, muốn nuôi được nhiều, các nông hộ phải chịu khó trồng thêm các loại rau lang, rau muống, cây trichantera… Ngoài ra, một số nông hộ còn nấu tấm cám lẫn cá tép, con ruốc hoặc cua ốc vụn… để bổ sung dinh dưỡng cho cá. Sau này khi thức ăn viên công nghiệp ra đời, việc nuôi cá trở nên thuận lợi hơn.
Ban đầu, các nông hộ nuôi cá có khuynh hướng sử dụng chủ yếu thức ăn xanh. Theo kiểu nuôi “truyền thống” này, thời gian nuôi thương phẩm kéo dài đến 3 năm hoặc hơn. Sau đó, theo trào lưu sử dụng thức ăn viên công nghiệp, một số nông hộ rút ngắn thời gian nuôi còn chỉ 1,5 năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy kiểu nuôi này khó đạt hiệu quả kinh tế do không tận dụng tốt các phụ phẩm nông nghiệp, nhất là trong điều kiện giá bán cá không cao. Phần lớn các nông hộ hiện nay chọn kiểu nuôi có thời gian từ 2 – 3 năm. Nếu dự đoán giá cá thời gian tới sẽ giảm, họ sẽ nuôi thúc cá bằng thức ăn viên để nhanh bán; hay nếu đoán giá sẽ tăng sau một thời gian nào đó, họ sẽ nuôi trì hoãn để chờ giá.
Ngoài ra, một số nông hộ vùng nuôi chuyên canh cũng rất thích áp dụng kiểu nuôi chuyền. Với kiểu nuôi này, quá trình nuôi cá đươc chia làm 2 – 3 giai đoạn; sau mỗi giai đoạn thỉ chuyển cá sang ao khác (đã cải tạo trước đó), trong khi ao cũ cũng được cải tạo lại để thả tiếp đợt giống mới. Kiểu nuôi rất hợp lý và hiệu quả ở chỗ nó giải quyết tận gốc vấn đề môi trường ao nuôi (đối với cá tai tượng, thời gian nuôi dài gây tồn đọng nhiều chất thải trong ao). Ngoài ra, kiểu nuôi “cuốn chiếu” này giúp nông hộ năm nào cũng có tiền bán cá, để chi tiêu trong nhà và cũng để có vốn nuôi tiếp lứa cá sau.
Và cũng như bao công việc khác, nghề nuôi cá tai tượng không tránh khỏi những bước thăng trầm. Đầu tiên là quy luật cung cầu, nếu gặp lúc cung vượt cầu thì giá giảm, đôi khi tiêu thụ khá chậm. Điều này buộc người nuôi cá tai tượng phải điều chỉnh giảm diện tích nuôi, tìm các biện pháp làm giảm giá thành. Chọn thời điểm để bán cũng là vấn đề, vì có khi thị trường chuộng cá dưới 0,8kg nhưng có khi cá đạt 1 kg có giá tốt hơn. Đặc sản cá tai tương vốn hay được các nhà hàng và các đám tiệc lựa chọn đưa vào thực đơn, nên hay hút hàng vào các kỳ lễ lớn, đặc biệt là vào thời điểm cuối năm. Cái lo tiếp theo của người nuôi tai tượng là bệnh “sùi bọt cua”. Theo ghi nhận của người viết bài này, năm 2006 bệnh xuất hiện như dịch, rãi rác trên nhiều vùng nuôi ở huyện Châu Thành. Kể từ đó, năm nào cũng có một số hộ nuôi cá tai tượng bị thiệt hại, nhưng mức độ thấp hơn. Theo các nhà chuyên môn, bệnh này có tác nhân gây bệnh là bào tử sợi ký sinh trên mang cá, gây tổn thương mang khiến cá khó hô hấp phải lên mặt nước đớp không khí và xì hơi nên được gọi là bệnh sùi bọt cua. Bệnh dễ lây lan, tán phát nhanh, gây thiệt hại lớn trên cả cá giống và cá thịt. Người nuôi cá tai tượng nhiều kinh nghiệm chỉ ngán bệnh này nhất bởi nếu giá bán thấp, người nuôi vẫn gỡ được vốn hoặc chỉ lỗ công; còn nếu cá vướng vào bệnh này thì có thể mất cả chì lẫn chài.
Nhưng dẫu sao, cá tai tượng không hổ danh là con cá “xóa đói giảm nghèo”. Không chỉ vậy, nó còn giúp nhiều người vươn lên khá giàu. Chỉ cần có 200 m2 ao, có thể thu hoạch được trên 1 tấn cá/vụ. Bán cá tai tượng để sửa nhà, mua xe máy, sắm tiện nghi trong nhà là chuyện khá phổ biến. Nhiều nông hộ ở vùng nuôi chuyên xây nhà cao, cửa rộng nhờ vận dụng tốt mô hình “rẫy – cá tai tượng”. Điều này giải thích tại sao, qua bao thăng trầm đến nay ngót hơn 30 năm, nhiều nông hộ vẫn chung thủy với con cá này.