Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Thử nghiệm phương tiện thủy chuyên dụng, trục vớt lục bình, cỏ dại
(Ngày đăng: 16/10/2014)

Ngày 22-9-2014, tại xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo, trường Đại học Tiền Giang tổ chức hội thảo đầu bờ “Vận hành thử nghiệm phương tiện thủy chuyên dụng, trục vớt lục bình, cỏ dại trên sông, kênh rạch” do Tiến sĩ Nguyễn Quang Sáng làm chủ nhiệm đề tài, trường Đại học Tiền Giang là cơ quan chủ trì. Dự hội thảo có lãnh đạo trường Đại học Tiền Giang, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi, Hội Nông dân tỉnh và nhân dân tại địa phương.
Phương tiện thủy chuyên dụng, trục vớt lục bình, cỏ dại.


      Phương tiện thủy chuyên dụng, trục vớt lục bình, cỏ dại (phương tiện trục vớt) có kích thước dài 10m, rộng 3m, cao 1,6m, được truyền động bằng động cơ dầu 50 mã lực và vận hành bằng hệ thống thủy lực. Cấu tạo gồm có: dao cắt để phá mảng lớn lục bình cỏ dại (LBCD), băng tải trục vớt LBCD (băng tải1), băng tải chứa LBCD (băng tải 2), máy ép để ép làm giảm thể tích của lục bình, bánh guồng để di chuyển phương tiện trục vớt.

 

Phương tiện thủy chuyên dụng, trục vớt lục bình, cỏ dại

Nguyên lý hoạt động : LBCD trên mặt sông, kênh rạch tạo thành mảng lớn chằng chịt sẽ được dao cắt phá mảng LBCD thành mảng nhỏ rồi đưa lên phương tiện trục vớt bằng băng tải 1, LBCD tiếp tục đưa vào máy ép để làm giảm thể tích (ép lục bình xộp xuống), sau khi ép LBCD được đưa qua băng tải 2 để chứa. Khi chứa đầy LBCD thì cho phương tiện trục vớt di chuyển vào bờ để xả LBCD, băng tải 1 và băng tải 2 được nâng lên và đẩy LBCD vào nơi xả.

Qua vận hành thử nghiệm, phương tiện trục vớt LBCD còn hạn chế khi làm trên kinh rạch lục bình, cỏ dại có lẫn tre, cây, bẹ dừa, trái dừa (vật cứng), máy ép bị kẹt không hoạt động được, mất nhiều thời gian tháo, gỡ.

 Tiến sĩ Nguyễn Quang Sáng báo cáo phương tiện thủy chuyên dụng,

trục vớt lục bình,cỏ dại

Tại hội thảo bước đầu các đại biểu đánh giá cao việc nghiên cứu thiết kế phương tiện thủy chuyên dụng trục vớt LBCD, vận hành được điều khiển hoàn toàn bằng hệ thống thủy lực, có tính sáng tạo cao. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao hơn, phù hợp với LBCD trên kênh rạch trong tỉnh, cần chỉnh sửa phương tiện trục vớt cho hoàn chỉnh như: nghiên cứu thiết kế lưỡi cắt hai bên băng tải 1 cắt phá được mảng lớn LBCD, hướng LBCD vào trục ép không bị rơi ra ngoài, băng tải 2 lắp đầy đủ các thanh ngang, có phương án xử lý LBCD lẫn vật cứng không cho qua trục ép để phương tiện trục vớt hoạt động bình thường, chú ý an toàn lao động khi vận hành.

Được biết, đề tài nghiên cứu đã thực hiện được 2 năm, sản phẩm của đề tài cơ bản hoàn thành. Nếu chỉnh sửa hoàn chỉnh, vận hành có hiệu quả, được nghiệm thu, sản phẩm của đề tài sẽ góp phần giải quyết LBCD trên sông, kênh rạch đang lấn chiếm, làm khơi thông dòng chảy phục vụ tốt cho giao thông đường thủy và sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà.

 

Việt Hồng
Tin liên quan