Hội nghị Nâng cao chất lượng Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Tiền Giang (Cuộc thi) do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang tổ chức vào sáng ngày 22-7-2014. | |
Ông Trần Hoàng Diệu - Bí thư Đảng đoàn - Chủ tịch Liên hiệp Hội - Trưởng Ban Chỉ đạo - Hội đồng Hội thi , Cuộc thi chủ trì hội nghị. |
Tham dự hội nghị có Ban Chỉ đạo – Hội đồng Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ XI (2014 – 2015) và Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tiền Giang lần thứ VII – năm 2014 (Ban chỉ đạo – Hội đồng); các trường THPT; trường trung cấp Kinh tế Kỹ thuật; trường cao đẳng Nghề; phòng Giáo dục – Đào tạo các huyện, thành, thị; Huyện đoàn, Thị đoàn, Thành đoàn và một số trường THCS thuộc thành phố Mỹ Tho. Ông Trần Hoàng Diệu – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật – Trưởng ban chỉ đạo – Hội đồng chủ trì hội nghị.
Cuộc thi đã được phát động trong toàn tỉnh nhằm góp phần kích thích và động viên kịp thời phong trào sáng tạo trong thanh thiếu niên, nhi đồng tạo nền nếp suy nghĩ, khả năng tư duy, ý tưởng sáng tạo ra cái mới trong học tập, lao động và trong sinh hoạt hàng ngày và hưởng ứng Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc.
Đến nay, Cuộc thi đã qua bảy lần tổ chức, có 1628 mô hình, sản phẩm dự thi (mô hình: 1084, sản phẩm: 544), bao gồm các lĩnh vực: Đồ dùng dành cho học tập: 35 mô hình, sản phẩm ; Phần mềm tin học: 111; Đồ chơi trẻ em và đồ dùng phục vụ giải trí, dụng cụ sinh hoạt gia đình: 629 mô hình, sản phẩm; Bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế: 334 mô hình, sản phẩm ; Sản phẩm thân thiện với môi trường: 203 mô hình, sản phẩm.
Đại biểu tham quan mô hình, sản phẩm Cuộc thi
Qua bảy lần tổ chức, Ban tổ chức xét chọn và trao giải thưởng cho 281 mô hình, sản phẩm, trong đó có 04 giải đặc biệt, 17 giải Nhất, 37 giải Nhì, 33 giải Ba, 190 giải Khuyến khích.
Tham dự Cuộc thi toàn quốc gần 80 mô hình, sản phẩm, trong đó có 01 mô hình đạt giải Nhất, 02 giải Nhì, 04 giải Ba, 06 giải Khuyến khích, 01 giải dành cho thí sinh nhỏ tuổi nhất. Với các sản phẩm đạt giải tại Cuộc thi toàn quốc, Tiền Giang có 03 mô hình được chọn tham dự Cuộc thi Triển lãm Quốc tế Công nghệ trẻ tại Nigeria, Hà Nội và Thái Lan, đạt 01 huy chương Bạc cấp quốc tế, một huy chương Đồng cấp quốc gia.
Theo đánh giá của Ban tổ chức Cuộc thi qua bảy lần tổ chức, số lượng mô hình, sản phẩm tham dự tăng lên rất nhiều, từ 146 mô, hình, sản phẩm tham dự Cuộc thi lần đầu tiên của tất cả thí sinh tham dự đến Cuộc thi lần thứ bảy, Ban Tổ chức đã nhận trên 300 mô hình, sản phẩm đã qua chấm sơ tuyển vòng 1 cấp cơ sở. Về đơn vị tham gia, ban đầu chỉ có thành phố Mỹ Tho là đơn vị tham dự nhiều sản phẩm nhất, sau đó các trường THPT Chuyên Tiền Giang, Nguyễn Đình Chiểu đến nay có đều tất cả các phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành, thị; các trường THPT và trường Cao đẳng Nghề tham gia dự thi. Công tác tổ chức Cuộc thi ngày một quy mô, hoành tráng hơn, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc của Sở Giáo dục – Đào tạo, Tỉnh đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Tiền Giang.
Nhìn chung, phong trào đã đón nhận sự đồng tình hưởng ứng của thầy, cô giáo, các em học sinh, các bậc phụ huynh làm cho Cuộc thi có sức lan tỏa lớn, tạo thành phong trào rộng khắp, học sinh đem ý tưởng, ước mơ của mình thể hiện bằng những mô hình, sản phẩm sáng tạo ứng dụng thiết thực vào cuộc sống, trong sinh hoạt, học tập mà hằng năm cứ vào khoảng giữa học kỳ II là tất cả các phòng Giáo dục, các trường THPT mang sản phẩm đến dự thi.
Tuy nhiên, qua đánh giá số lượng sản phẩm, mô hình tham gia dự thi ngày một tiến triển, từ hơn trăm sản phẩm, mô hình ở những năm đầu tiên đến vài trăm sản phẩm, mô hình qua tuyển chọn ở vài năm gần đây. Nhưng nếu đánh giá về chất lượng Cuộc thi thì không tiến bộ, các mô hình, sản phẩm chỉ ở dạng đơn giản, chưa được đầu tư, sáng tạo nhiều chủ yếu là sự mô hình hóa những thiết bị sẵn có, hay là những mô hình, sản phẩm đã dự thi qua các năm trước.
Tại Hội nghị nâng cao chất lượng Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, nhiều ý kiến cho rằng, tư duy sáng tạo của các em có sẳn, nhưng làm thế nào để các em phát huy được tư duy đó.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Ánh – Phó chủ tịch Liên hiệp hội – Trưởng ban tổ chức Cuộc thi cho rằng: rất trân trọng những mô hình, sản phẩm của em các đem đến Cuộc thi hôm nay, những mô hình sản phẩm đó bắt nguồn từ cuộc sống hàng ngày của các em, từ việc làm hàng ngày buộc các em phải sáng tạo ra những cái mới để phục vụ thiết thực hơn, như nói về cần bao trái sapô của em học sinh trường THCS Bàn Long. Hàng ngày, sau giờ học, em cùng cha, mẹ chăm sóc cho ba công sapô đã cho trái nhưng cứ bị sâu, ruồi đục phá, thu hoạch không bao nhiêu, từ đó ý tưởng xuất hiện, em đề xuất bao trái cho sapô, nhưng cây đã lớn, đứng dưới đất không thể bao được trái trên cao, em tiến hành sáng chế Cần bao trái, kết quả trái đậu nhiều, ít sâu đục phá, cho năng suất cao…và ông đưa ra 9 cách để nâng cao khả năng sáng tạo của con người là nghe nhạc, luôn mang theo một quyển sổ nhỏ và một chiếc bút chì, hãy nghĩ về những thứ liên quan tới vấn đề càng nhiều càng tốt, sách cung cấp cho bạn rất nhiều thông tin mà dựa vào đó ý tưởng của bạn hình thành, hãy mở một quyển từ điển ra vào chọn ngẫu nhiên một từ nào đó, hãy tự xác định vấn đề của mình, đi bộ hay chạy bước nhỏ xung quanh hồ cũng là một cách hay để giúp bạn thư giản và sẳn sàng đón nhận những ý tưởng mới, đừng hút phiện kể cả thuốc lá và cuối cùng là hãy sáng tạo hàng ngày.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành – Sở Khoa học Công nghệ cho rằng, cần có hướng dẫn, định hướng cho các em phát huy khả năng sáng tạo, tạo ra những sản phẩm có hiệu quả, được ứng dụng trong cuộc sống. Thời gian qua, các em có nhiều ý tưởng nhưng chưa được định hướng nên những ý tưởng đó còn mờ nhạt, chưa phát huy tính sáng tạo thông qua các mô hình, sản phẩm dư thi. Ông Ngô Huỳnh Quang Thái – Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Tiền Giang cho rằng cần tuyên truyền sâu rộng Cuộc thi và phát triển thành phong trào rộng khắp, không dừng lại ở giai đoạn phát động rồi lắng êm, cần có sự đầu tư, hỗ trợ để biến ý tưởng thành những mô hình, sản phẩm có tính sáng tạo cao, phục vụ trong học tập, vui chơi và trong sinh hoạt hàng ngày. Bà Nguyễn Thị Nghiệm – Sở Tài nguyên – Môi trường cho rằng trước hết các em cần có ý tưởng sáng tạo và ý tưởng đó phải tập trung vào vấn đề gì, Ban tổ chức nên thành lập tổ tư vấn để hỗ trợ các em tập trung vào những mô hình, sản phẩm cụ thể từ đó mới phát huy được tính sáng tạo của các em học sinh, đồng thời phải tận dụng nguồn lực xã hội, huy động để hỗ trợ cho các em phát huy khả năng tư duy của mình.
Với thầy Nguyễn Hồng Thanh – Phó hiệu trường trường tiểu học Thủ Khoa Huân, thành phố Mỹ Tho, nhà trường luôn quan tâm, tạo điều kiện cho giáo viên hướng dẫn tham gia cùng các em học sinh sáng tạo ra sản phẩm dự thi. Tính sáng tạo bắt nguồn từ cuộc sống lao động, học tập, từ đam mê của mỗi cá nhân, nhà trường luôn ủng hộ để các em đem tư duy sáng tạo của mình trên những sản phẩm cụ thể. Còn đối với thầy Trương Văn Thưởng – Phòng Giáo dục huyện Chợ Gạo, ông cho rằng, thời gian qua, Phòng Giáo dục huyện Chợ Gạo là đơn vị tham gia đầy đủ và rất nhiều mô hình, sản phẩm dự thi, tuy nhiên, tư duy sáng tạo của các em ngày càng cạn kiệt, chỉ dừng lại ở những mô hình nhà tăm tre, máy bơm nước. Nhà trường cần có tổ tư vấn hoặc Ban tổ chức Cuộc thi nên có buổi hướng dẫn, định hướng để các em học sinh có sự đầu tư cao vào những mô hình, sản phẩm dự thi, đồng thời đề nghị Liên hiệp Hội có ý kiến đề xuất Sở Tài chính – Sở Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn kinh phí để chủ động trong việc tổ chức Cuộc thi cấp cơ sở.
Để Cuộc thi ngày càng trở thành phong trào rộng khắp, là diễn dàn để các em trong độ tuổi thanh – thiếu niên, nhi đồng thể hiện ước mơ, ý tưởng và trở thành nhà sáng chế trong tương lai, trước hết cần có sự quan tâm của gia đình, nhà trường để biến ước mơ, ý tưởng của các em thành hiện thực. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật luôn là cầu nối giúp các em phát huy tính sáng tạo qua những mô hình, sản phẩm dự thi đề từ đó kích thích niềm đam mê sáng tạo của các em khi còn ngồi trên ghế nhà trường.