Để nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp nông nghiệp – nông dân – nông thôn (Tam nông) phát triển một cách bền vững, Tiền Giang chủ trương chuyển đổi mạnh mẽ từ trồng lúa sang màu, đỗ tương và các cây trồng khác trên những địa bàn khó khăn, thiết thực mở lối ra cho nông dân trong việc khắc phục tình trạng “trúng mùa, mất giá” đồng thời phá được thế độc canh cây lúa. | |
Trước mắt, trong hai năm 2014 – 2015, Tiền Giang thực hiện chuyển đổi 15.425 ha đất trồng lúa sang trồng ngô, đỗ tương, rau màu và cây ăn trái các loại. Trong đó, có việc mở rộng diện tích cây ngô lên 2.000 ha tại ba huyện trọng điểm: Chợ Gạo, Cái Bè và Cai Lậy; 1.000 ha đỗ tương ở hai huyện Cai Lậy và Cái Bè; 5.000 ha rau màu tại các huyện phía đông gồm: Gò Công Đông, Gò công Tây, Chợ Gạo và Thị xã Gò Công. Ngoài ra, tỉnh cũng tr ồng 200 ha cây dược liệu tại các huyện Tân Phú Đông, Cái Bè, Cai Lậy và Tân Phước; 1.000 ha cây ăn trái các loại tại 4 huyện trọng điểm: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và Tân Phước.
Sang giai đoạn 2016 – 2020, Tiền Giang tiếp tục chuyển đổi thêm 18.700 ha đất trồng lúa sang các cây trồng phù hợp khác trong đó có việc mở rộng vùng trồng rau màu tại các huyện phía đông lên 7.760 ha, 3.000 ha cây ăn trái ở phía Nam quốc lộ 1 thuộc các huyện Cái Bè, Cai Lậy và Châu Thành tiến tới hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản phía Nam tỉnh Tiền Giang tiếp giáp với sông Tiền. Để đạt mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu sản xuất hiệu quả, hợp lý và phát huy được tiềm năng đất đai, lao động, tỉnh coi trọng các nhóm giải pháp về giống cây trồng, tập trung ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật công nghệ để tăng năng suất và chất lượng nông sản hàng hóa chủ lực, có cơ chế chính sách phù hợp và hành lang pháp lý thông thoáng, khuyến khích nông dân hưởng ứng chủ trương về chuyển đổi sản xuất, khắc phục những hạn chế lâu nay trong tình trạng độc canh cây lúa. Bên cạnh đó, gắn chuyển đổi sản xuất với kiện toàn kiến thiết hạ tầng giao thông – thủy lợi và đẩy nhanh tiến độ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, góp phần tái tạo độ phì nhiêu và ngăn chận sự suy thoái tài nguyên đất, tài nguyên nước...
Theo khảo sát của tỉnh, thời gian qua các mô hình luân canh lúa + màu trên nền đất lúa như: lúa + khoai + lúa, lúa + bắp + lúa, lúa + đậu các loại + lúa, lúa + dưa hấu + lúa...đều cho lợi nhuận đều cho lợi nhuận gấp đôi, gấp ba so với mô hình độc canh cây lúa 3 vụ/ năm truyền thống. Đây là cơ sở khoa học để Tiền Giang thực hiện việc chuyển đổi sản xuất mang lại hiệu quả cao, được nông dân đồng tình hưởng ứng.