Theo quy hoạch, đến năm 2020 và định hướng năm 2030, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với 8 tỉnh, thành sẽ trở thành vùng kinh tế động lực đầu tàu, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP từ 8 - 8,5% giai đoạn 2011 - 2015; từ 8,5 - 9% giai đoạn 2015 - 2020 tầm nhìn đến 2030, trong đó công nghiệp và dịch vụ chiếm 95 - 96% GDP.
Ảnh minh họa. Ảnh: Vân Anh |
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao và công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên phát triển nhanh các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng và tạo nhiều giá trị gia tăng; chuyển hướng mạnh mẽ phát triển công nghệ hiện đại với hàm lượng khoa học công nghệ cao.
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là hạt nhân, phát triển đồng bộ các loại hình dịch vụ về tài chính, ngân hàng; thành phố Vũng Tàu là trung tâm du lịch, trung tâm dịch vụ khai thác dầu khí cấp quốc gia và quốc tế; Biên Hòa và Thủ Dầu Một là trung tâm dịch vụ lớn về phát triển công nghiệp.
Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và định hướng 2030 sẽ là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thủy sản, hoa quả, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thủy sản của cả nước.
Đây cũng là trung tâm năng lượng lớn của cả nước với ba trung tâm điện lực Ô Môn, Cà Mau, Kiên Lương và cung cấp khí đốt từ các mỏ khí Tây Nam. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng khoảng 10,5%/năm giai đoạn từ 2016 - 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 2.470 USD năm 2015 và năm 2020 khoảng 4.400 USD. Đảo Phú Quốc sẽ trở thành trung tâm giao thương quốc tế của cả khu vực Nam Bộ và Hạ lưu sông Mê Kông.
Dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ vào khoảng 6,5 triệu tỷ đồng và Vùng kinh tế trọng điểm Đồng Bằng Sông Cửu Long là gần 1,6 triệu tỷ đồng.
Phát biểu tại lễ công bố quy hoạch, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nói: “Chúng tôi đề nghị các địa phương trong 2 vùng kinh tế trọng điểm trên phối hợp với các bộ, ngành trung ương rà soát, lựa chọn các lĩnh vực đầu tư trọng điểm, thực hiện thành công các nhiệm vụ theo đúng như quy hoạch đã được phê duyệt. Các địa phương cũng cần phải nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển theo quy hoạch.