Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Kinh tế Chính trị “Phát triển hợp tác xã vận tải thủy - bộ nội địa ở Đồng bằng Sông Cửu Long”
(Ngày đăng: 05/06/2014)

Ngày 04/5/2014, tại Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Học viện, số 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, nghiên cứu sinh Trần Ngọc Hạnh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Kinh tế Chính trị với đề tài: “Phát triển hợp tác xã vận tải thủy - bộ nội địa ở Đồng bằng Sông Cửu Long”; Chuyên ngành: Kinh tế chính trị; Mã số: 62 31 01 02.
Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Học viện của NCS Trần Ngọc Hạnh.

Hợp tác xã là kiểu tổ chức kinh tế còn tồn tại ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, hợp tác xã hoạt động trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân. nó giữ vị trí như một thành phần kinh tế. Đồng bằng sông Cửu Long, với hệ thống kênh rạch dày đặc, vận tải bằng đường thủy, đường bộ là một phù hợp tất yếu. Mô hình hợp tác xã (HTX) vận tải thủy-bộ nội địa là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, là bộ phận hợp thành của ngành giao thông vận tải của vùng này. Tuy nhiên, cho đến nay, các hợp tác xã vẫn đang hoạt động với qui mô nhỏ, thiếu bền vững, chưa khai thác hết lợi thế các nguồn lực và chưa thực sự hiệu quả, trong khi nhu cầu vận tải của toàn vùng là khá lớn. Vì vậy, việc lựa chọn đề tài nghiên cứu:Phát triển hợp tác xã vận tải thủy- bộ nội địa ở đồng bằng sông Cửu Long vừa có ý nghĩa lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn.

Mục đích nghiên cứu của luận án là đánh giá thực trạng phát triển của các hợp tác xã vận tải thủy-bộ nội địa trong thời gian qua; đánh giá sự cần thiết phải phát triển mô hình kinh tế hợp tác này ở đồng bằng sông Cửu Long. Luận án đã đánh giá một cách tổng thể thực trạng hợp tác xã vận tải thủy-bộ nội địa ở đồng bằng sông Cửu Long và sự tác động các chính sách của Nhà nước; đề xuất những giải pháp đồng bộ, phù hợp để thúc đẩy mô hình hợp tác xã này phát triển trong giai đoạn tới. Luận án nghiên cứu phát triển hợp tác xã vận tải thủy-bộ nội địa ở đồng bằng sông Cửu Long đặt trong mối quan hệ: chế độ sở hữu tư liệu sản xuất (vốn, phương tiện), trình độ của người lao động, môi trường tự nhiên và chính sách của Nhà nước.

Từ góc độ Kinh tế chính trị, kinh nghiệm phát triển hợp tác xã ở một số nước trên thế giới, luận án đã rút ra bài học cho phát triển hợp tác xã vận tải thuỷ-bộ nội địa trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Về phạm vi nghiên cứu: Luận án nghiên cứu tổng thể mô hình hợp tác xã vận tải thủy-bộ nội địa ở 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; phân tích, đánh giá thực trạng các hợp tác xã vận tải thủy-bộ nội địa ở đồng bằng sông Cửu Long; sự tác động các chính sách của Nhà nước, giai đoạn từ 2003 đến 2012. Trên cơ sở đó, đề xuất một số quan điểm, giải pháp nhằm phát triển mô hình hợp tác này đến năm 2020 và định hướng đến 2030.

Luận án được đánh giá là có một số đóng góp về mặt lí luận và thực tiễn: Thứ nhất, bổ sung vào cơ sở lý luận và thực tiễn về vai trò, tác dụng của hợp tác xã vận tải thủy-bộ nội địa trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. Thứ hai, phân tích và làm rõ thực trạng hoạt động của mô hình hợp tác xã vận tải thủy-bộ nội địa ở đồng bằng sông Cửu Long, đánh giá những thành công, tồn tại, tìm ra nguyên nhân của vấn đề còn đang cản trở sự phát triển mô hình HTX này. Coi đây là mô hình tiêu biểu cần được nhân rộng trong toàn vùng. Thứ ba, đề xuất một số quan điểm cơ bản và giải pháp chủ yếu, nhằm phát triển các hợp tác xã vận tải thủy-bộ nội địa ở đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn tới. Thứ tư, kết quả nghiên cứu của luận án làm tài liệu tham khảo khi xây dựng chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và chiến lược phát triển giao thông vận tải ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời có thể dùng làm tài liệu giảng dạy trong các trường chính trị khi nói về vai trò của các thành phần kinh tế.

Luận án đã được Hội đồng nhất trí thông qua với 7/7 phiếu tán thành.

 

 Nghiên cứu sinh Trần Ngọc Hạnh chụp ảnh lưu niệm cùng Hội đồng chấm

luận án tiến sĩ cấp Học Viện

 

Tin và ảnh: Bích Hạnh – Mai Hoa
Tin liên quan