Lần đầu tiên, một hệ thống dây chuyền rửa, xử lý, làm khô trái thanh long được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và vận hành thành công tại Việt Nam. | |
Lần đầu tiên, một hệ thống dây chuyền rửa, xử lý, làm khô trái thanh long được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và vận hành thành công tại Việt Nam. Thiết bị sơ chế này đã mở ra một khả năng cạnh tranh cho trái thanh long trong việc xuất khẩu: trái thanh long vừa đạt được độ an toàn vệ sinh thực phẩm, vừa kéo dài được thời gian bảo quản từ 28-30 lên 40-45 ngày.
Nhờ thời gian bảo quản được kéo dài thêm, trái thanh long có thể được vận chuyển bằng tàu (thay cho máy bay) khi xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, châu Mỹ. Việc vận chuyển bằng tàu đã giúp giảm giá đáng kể chi phí, chỉ tốn khoảng 40 cent/kg trong khi vận chuyển bằng máy bay tốn gần 4 USD/kg. Đây là kết quả vừa được nghiên cứu triển khai thành công của KS.Nguyễn Đức Trường, Phân viện cơ-điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch tại TP.HCM.
Thiết bị có công suất xử lý trung bình 1,5 tấn thanh long trong một giờ, có thể điều chỉnh tăng công suất lên 2,5 tấn/giờ. Giá trọn gói cho hệ thống sơ chế này gần 800 triệu đồng.
Thiết bị hoạt động theo quy trình như sau: thanh long được công nhân xếp vào máng và sẽ được tự động làm sạch bằng nước (thanh long được rửa sạch hoàn toàn không còn bám các tạp chất như đất, cát, bụi, các loại nấm); tiếp theo sẽ được xử lý bằng hoá chất (an toàn đối với thực phẩm); kế tiếp là được làm khô (bằng hệ thống phun khí nén, kết hợp quạt thổi và đèn tia tử ngoại để diệt nấm); sau cùng là phân loại và bảo quản bằng màng PE (có đục lỗ theo quy định bảo quản trái cây). Trong khâu làm khô trái thanh long, còn có công đoạn người công nhân đứng máy sẽ trực tiếp dùng vòi phun áp lực, phun vào phần đầu của từng trái thanh long để đảm bảo trái thanh long thật sạch đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Số lượng trái thanh long bị gãy cuống trong quá trình rửa và xử lý không đáng kể.
Bước đầu hệ thống đã được đưa vào vận hàng thử nghiệm và kết quả thu được rất khả quan, thiết bị hoạt động tốt, tăng năng suất so với cách làm thủ công, giảm chi phí nhân công, đảm bảo tính ổn định và chất lượng trong quá trình sơ chế, bảo quản trái thanh long.