Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Khoa học và Công nghệ góp phần thiết thực phát triển kinh tế - xã hội
(Ngày đăng: 16/05/2014)

Năm 2013, hoạt động khoa học và công nghệ (KHCN) của Tiền Giang đã đạt được những thành tích đáng khích lệ, đóng góp thiết thực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự chuyển biến tích cực trên một số lĩnh vực.
Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong phòng thí nghiệm.

Năm 2013 Sở KHCN đã nghiệm thu kết quả của 11 đề tài/dự án cấp tỉnh và 15 đề tài/dự án cấp cơ sở. Kết quả nổi bật trong từng lĩnh vực hoạt động như sau:  

- Trong lĩnh vực trồng trọt, đề tài Biện pháp quản lý ruồi hại quả trên diện rộng cho các nhóm quả thuộc tỉnh Tiền Giang có tiềm năng xuất khẩu (thanh long, chôm chôm, nhãn, vú sữa, xoài, sa pô, bưởi lông, sơ ri, mãng cầu), nhằm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm quả, đáp ứng tiêu chuẩn vùng cung ứng quả tươi nhiễm ruồi thấp, để xuất khẩu cho thị trường Bắc Mỹ và các thị trường khác.

Đề tài đã thực hiện: Xác định danh sách loài ruồi gây hại trên các vùng trồng cây ăn quả trọng điểm ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ gạo, Gò Công Tây, Tân Phú Đông, TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công.

Xây dựng quy trình, mô hình quản lý ruồi đục quả thanh long, chôm chôm, nhãn, vú sữa, xoài, sapô, bưởi lông, sơ ri, mãng cầu xiêm trên diện rộng:

Điều tra nghiên cứu thành phần loài ruồi gây hại trên vườn thanh long, chôm chôm, nhãn, vú sữa, xoài, sapô, bưởi lông, sơ ri, mãng cầu xiêm tại Tiền Giang;  xây dựng quy trình, mô hình quản lý ruồi hại quả thanh long, chôm chôm, nhãn, vú sữa, xoài, sapô, bưởi lông, sơ ri, mãng cầu xiêm trên diện rộng.

- Trong lĩnh vực chăn nuôi, đề tài Khảo sát quy trình phòng một số bệnh trên đường hô hấp phổ biến trên heo cai sữa ở tỉnh Tiền Giang. Đề tài đã điều tra tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh: Tỷ lệ bệnh ở nhóm heo cai sữa đứng hàng đầu so với nhóm heo khác; dấu hiệu bệnh trên heo cai sữa liên quan nhiều đến bệnh đường hô hấp; tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh đường hô hấp trên heo rất thấp, chủ yếu là chủ nuôi sử dụng kháng sinh để trộn vào thức ăn cho heo trong từng giai đoạn cần thiết.

Xác định tỷ lệ nhiễm một số bệnh đường hô hấp phổ biến trên heo, xây dựng một số mô hình điểm và xây dựng quy trình phòng các bệnh khảo sát khuyến cáo áp dụng nhằm bảo vệ đàn heo của tỉnh theo hướng an toàn sinh học và an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Lĩnh vực văn hóa - xã hội, đã nghiệm thu chương trình nghiên cứu đánh giá hiệu quả chương trình giáo dục bậc tiểu học tỉnh Tiền Giang. Chương tình bao gồm 3 đề tài nhánh đánh giá hiệu quả các mô hình dạy học ở bậc tiểu học:

Dạy học 2 buổi/ngày, dạy học theo nhóm môn và dạy tiếng Anh. Chương trình tiến hành điều tra thực trạng tổ chức dạy học theo các mô hình bậc tiểu học tại các trường tiểu học tỉnh Tiền Giang; đánh giá hiệu quả thực hiện các mô hình; đánh giá hiệu quả của công tác tổ chức dạy học theo các mô hình; Phân tích SWOT các mô hình dạy học bậc tiểu học mà tỉnh Tiền Giang đang thực hiện;  xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng các mô hình và đề xuất giải pháp mang tính chiến lược, lộ trình triển khai và mô hình bậc tiểu học ở Tiền Giang.

Ngoài ra, còn có những đề tài nghiên cứu về hoạt động tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng,  sở hữu trí tuệ (SHTT) , quản lý công nghệ và an toàn bức xạ hạt nhân.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại như: Tỷ lệ ứng dụng kết quả nghiên cứu từ các đề tài/dự án KHCN vào sản xuất còn thấp; chưa có chính sách thỏa đáng phát triển các sản phẩm sau nghiên cứu thành công. Nguyên nhân của tình trạng trên là do:

Thứ nhất, nguồn nhân lực của địa phương còn thiếu và yếu, chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có cán bộ nghiên cứu đầu đàn trên từng lĩnh vực. Cán bộ làm công tác nghiên cứu - phát triển còn hạn chế về khả năng nghiên cứu độc lập, thiếu say mê, hoài bảo và tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu khoa học. Chưa có sự chủ động trong đề xuất nhân rộng các công trình đã được nghiên cứu và bàn giao kết quả.

Thứ hai, nhận thức về vai trò của KHCN, cũng như sự quan tâm của xã hội đối với lĩnh vực này còn thấp. Bản chất, tính đặc thù của KHCN chưa được các ngành, các cấp nhận thức đúng đắn và thực sự coi trọng, đặc biệt là có một bộ phận cá nhân còn có nhận thức chưa tương xứng về vai trò, vị trí của KHCN.

Thứ ba, nguồn vật lực của tỉnh đầu tư cho KHCN còn thấp, cơ chế tài chính ở địa phương còn chậm đổi mới để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Thứ tư, đội ngũ quản lý KHCN từ tỉnh đến cơ sở còn mỏng (mỗi huyện, thành phố chưa được một biên chế chuyên trách), năng lực của đội ngũ này cũng chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, chậm cập nhật thông tin và kiến thức mới để phục vụ công tác quản lý, thiếu khả năng hợp tác và làm việc theo nhóm.

Thứ năm, việc ban hành văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách còn chậm và nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, nhiều văn bản đã được ban hành nhưng thực thi trong thực tế còn nhiều khó khăn.

Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, thời gian tới hoạt động KHCN cần tập trung đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng trong các ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, cụ thể như:

Xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, ưu tiên cho các xã điểm xây dựng nông thôn mới; xác định chuỗi giá trị và sự liên kết “4 nhà”, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững theo hướng GAP, tăng thu nhập cho nông dân.

Về trồng trọt cần tập trung nghiên cứu sản xuất các sản phẩm chất lượng cao như giống lúa chịu mặn, lúa - rau an toàn, phát triển mô hình nông nghiệp đô thị... Về chăn nuôi, nghiên cứu sản xuất heo siêu nạc, vịt siêu thịt - siêu trứng trong mô hình vườn - ao - chuồng kết hợp biogas, an toàn sinh học, nhân rộng mô hình chăn nuôi heo - gia cầm trên đệm lót sinh thái, mô hình nuôi công nghiệp gắn với công nghệ xử lý chất thải nhằm hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường và kiểm soát hữu hiệu dịch bệnh.

Nguyễn Văn Re (PGĐ Sở KH&CN)

Theo Báo Ấp Bắc
Tin liên quan