Dù nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập quốc tế từ khá lâu, vẫn tồn tại một nghịch lý là những sản phẩm tốt nhất được sản xuất trong nước thường để dành cho các thị trường xuất khẩu, trong khi người tiêu dùng trong nước phải chấp nhận tiêu thụ những sản phẩm nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước có chất lượng kém hơn, thậm chí có hại. | |
Hậu quả là người tiêu dùng Việt Nam luôn phải đối diện với nguy cơ vô hình, từ những hoa quả, thực phẩm, đồ uống sử dụng các chất bảo quản hoặc phụ gia độc hại, các loại thịt chứa thuốc tăng trọng và hóa chất bị cấm. Về phía người nông dân và các nhà sản xuất, họ cũng phải đối diện với nguy cơ vô hình từ các giống cây, con giống chứa vi khuẩn gây bệnh, hoặc phân bón pha trộn đất sét, bột đá, tạp chất, v.v, mang lại những nông sản đầu ra kém phẩm chất, gây thiệt hại về kinh tế và lãng phí mồ hôi, công sức.
Những nguy cơ vô hình này gây rối loạn thị trường, tạo ra tâm lý hoang mang, bởi người sử dụng bằng mắt thường khó lòng nhận biết được những sản phẩm chất lượng tốt hoặc xấu. Hậu quả là các nhà sản xuất buộc phải cạnh tranh bằng giá thấp, giảm động lực đầu tư vào chất xám, công nghệ, và khiến các sản phẩm của chúng ta luôn bị kẹt ở phân khúc hàng giá rẻ - chất lượng thấp. Chưa kể, còn có hiện tượng hàng hóa kém chất lượng của nước khác tuồn vào nước ta, rồi được đội nhãn mác Việt Nam để xuất khẩu đi, khiến uy tín hàng hóa của chúng ta bị suy giảm.
Nguyên nhân chung của tình trạng trên là do việc giám sát thực hiện theo hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật còn nhiều mặt yếu kém. Chúng ta đã có các bộ tiêu chuẩn trong nước như VietGAP, hay quốc tế như Global GAP, nhưng số lượng các doanh nghiệp, hộ nông dân thực hiện còn rất ít. Hệ thống đánh giá của chúng ta còn quá phức tạp, có khi đòi hỏi chi phí cao, không phù hợp cho các hộ nông dân. Đồng thời, bản thân các tổ chức được giao trách nhiệm chứng nhận cho nông sản an toàn cũng có vấn đề, đơn cử như việc có tới một nửa trong số 27 tổ chức chứng nhận VietGAP được Cục Trồng trọt rà soát bị xếp vào diện không đủ điều kiện tiếp tục hoạt động hoặc trong giai đoạn khắc phục sau đánh giá chỉ định lại.
Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, phải coi hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật là một công cụ có tầm quan trọng chiến lược của quốc gia, giúp xây dựng luật chơi và phát ra những tín hiệu kịp thời để không chỉ điều chỉnh các hành vi tạm thời mà còn định hướng đầu tư phát triển lâu dài, của người nông dân, các doanh nghiệp, và nền nông nghiệp theo hướng tối ưu, bền vững hơn. Muốn vậy, trước hết công tác xây dựng và giám sát việc thực hiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật phải được Nhà nước cung cấp, đầu tư nguồn lực đầy đủ, đồng thời Nhà nước nên có chính sách phù hợp để khuyến khích, phát huy các nguồn lực của xã hội trong lĩnh vực này, ví dụ thông qua các hoạt động giám sát thị trường và giám sát lẫn nhau của các hiệp hội nông nghiệp.
Các nỗ lực kể trên phải đi kèm với những chế tài xử lý nghiêm khắc buộc các nhà sản xuất và xuất - nhập khẩu nông nghiệp thực hiện nghiêm túc theo các tiêu chuẩn được ban hành. Nếu không làm được như vậy thì những nguy cơ vô hình cùng sự cạnh tranh không lành mạnh sẽ vẫn tiếp diễn, và nền nông nghiệp Việt Nam sẽ chưa thể dứt bỏ vòng luẩn quẩn kìm hãm sự phát triển.