Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Sáng chế máy bẻ tay dê tiện dụng
(Ngày đăng: 11/04/2014)

Tốt nghiệp đại học ngành điện – điện tử Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật năm 2000, sau đó anh học lấy bằng 2 ngành chế tạo máy Trường đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh. Ra trường, anh quyết định thành lập doanh nghiệp với mong muốn tiếp tục phát triển nghề cơ khí vốn được duy trì qua 3 thế hệ với thương hiệu “Chánh Đức” đã vang tiếng một thời ở đô thị Mỹ Tho ngày trước.
Anh Tùng bên cạnh máy bẻ tay dê do anh sáng chế.

 Đó là anh Nguyễn Thanh Tùng (SN: 1976), chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Chánh Tân Đức (xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang) chuyên sản xuất các thiết bị, chi tiết cơ khí như: bu lông, ốc, vít, êke, bản lề… cùng nhiều loại phụ tùng ôtô cung cấp cho thị trường trong cả nước.

 

Anh Tùng đang khảo sát máy bẻ tay dê tại công trường 

Với mong muốn giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất, hạ giá thành, giúp rút ngắn thời gian hoàn thành các công trình xây dựng, khi quan sát những người thợ xây dựng bẻ tay dê theo phương pháp thủ công phải mất nhiều thời gian, năng suất lại thấp do phải trải qua nhiều công đoạn như: uốn thép thẳng, đo, cắt, sau cùng bẻ tay dê theo quy cách… anh nảy sinh ý tưởng sáng chế ra chiếc máy có thể thay thế người công nhân thực hiện các công đoạn trên với đầu vào là những cuồn thép, đầu ra là những tay dê thép hoàn chỉnh (hay những đoạn thép đã được uốn thẳng và cắt với chiều dài theo ý muốn) trong khi chỉ cần một người thao tác, vận hành máy. 

Ý tưởng trên đã trở thành hiện thực khi cách đây một năm, ông Nguyễn Phan Trường Duy – Cửa hàng vật liệu xây dựng (VLXD) Bảy Sơn (xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) đặt hàng anh Tùng nghiên cứu, chế ra máy bẻ tay dê để cung cấp cho các nhà thầu xây dựng và người dân đang có nhu cầu. Sau khi nhận đơn hàng của ông Duy, anh bắt tay vào nghiên cứu. Sau một tháng mày mò, anh đã cho ra đời chiếc máy bẻ tay dê đầu tiên. Máy có cấu tạo khá đơn giản, gồm: một mâm quay đặt cách mặt đất 0,5 mét, dùng để nâng cuộn thép (trọng lượng từ 200-300 kg chuyển động tròn) và được cuốn vào nhờ các rulô thép (được truyền động bởi hộp số thông qua động cơ điện công suất 200-300w); đến đây thép được nắn và sửa thẳng nhờ hệ thống các con lăn; tiếp theo, thép được uốn và tạo hình theo ý muốn nhờ hệ thống thủy lực; cuối cùng là đến công đoạn cắt với dụng cụ cắt tích hợp 3 chức năng: đế bẻ định hình, đường định vị cho phôi (là một rãnh hình trụ tròn rỗng) và dao cắt. Để có thể tạo ra thanh thép thẳng hoặc tay dê có hình dạng (tam giác, vuông, lục giác, ngũ giác…), kích thước như ý muốn, hệ thống điều khiển gồm máy vi tính (được kết nối với driver điều khiển) với chương trình phần mềm đã được viết sẵn, người vận hành chỉ cần bấm các phím chức năng trên bàn phím. Khi đó, hệ thống driver điều khiển (tủ điện do anh tự thiết kế) sẽ truyền các lệnh dưới dạng xung từ máy tính đến máy công cụ (nắn, sửa thẳng, uốn và cắt); các máy công cụ vận hành tạo ra sản phẩm. So với một số dòng máy được sản xuất trước đây hay một số máy do Trung Quốc sản xuất, máy bẻ tay dê của anh Tùng có ưu điểm hơn ở chỗ khâu vận hành hầu như đã được tự động hóa và hệ thống điều khiển được thiết kế mở, có thể điều chỉnh theo ý muốn (vừa sử dụng bàn phím, vừa sử dụng màn hình cảm ứng nên rất dễ vận hành ngay cả những người bình dân, trình độ khiêm tốn cũng có thể sử dụng)          

Ông Duy cho biết, so với phương pháp thủ công, máy bẻ tay dê do anh Tùng sáng chế cho hiệu quả khá cao. Trước đây, khi thực hiện bằng thủ công, ông phải thuê đến 3 người (thực hiện các công đoạn: cắt, sửa, bẻ) với tiền công gần 500 ngàn đồng (3 người), mỗi ngày và chỉ bẻ được khoảng 70 kg tay dê (từ 800-1.000 tay dê tùy loại). Nhưng hiện tại, sử dụng máy của anh Tùng, ông chỉ cần thuê một người vận hành, mỗi ngày có thể tạo ra 400-500 kg tay dê. Nhờ vậy, anh mới đảm bảo có đủ hàng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng (khoảng 2 tấn tay dê/tuần). Đại diện DNTN Tân Hoàn Thiện (nhà thầu đang thi công công trình Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân – TP. Mỹ Tho) cho biết, nhờ sử dụng máy bẻ tay dê của anh Tùng, mỗi tháng doanh nghiệp ông tiết kiệm đáng kể chi phí nhân công; đồng thời, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công công trình (sử dụng lực lượng nhân công tiết kiệm được để tăng cường cho công đoạn khác hay điều động sang công trình khác).

Anh Tùng cho biết, so với chiếc máy sản xuất đầu tiên, những dòng máy sau này đã được anh cải tiến về kiểu dáng, nâng cao năng suất (có thể cho ra 10 tay dê/1 phút) và máy có thể bẻ được các loại thép có đường kính từ 6-10 mm. Hiện tại, máy bẻ tay dê của doanh nghiệp anh Tùng được các nhà thầu, cửa hàng kinh doanh VLXD, người dân đặt mua với số lượng ngày càng tăng bởi những tiện ích cũng như hiệu quả sử dụng. Tính đến nay, anh đã xuất bán được tổng số 10 máy với giá 40 triệu đồng/máy và anh cũng chuẩn bị cho xuất xưởng chiếc máy thứ 11 vừa được cải tiến có thể bẻ được tay dê tới kích thước vuông 80cm (trước đây máy chỉ bẻ được tay dê lớn nhất là vuông 40cm) với giá bán 65 triệu đồng.

“Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng nhà xưởng để gia tăng sản lượng sản xuất máy tay dê gắn với sản xuất một số phụ tùng thay thế nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường đang gia tăng. Hiện tại, tôi đã gửi hồ sơ sản phẩm “Máy bẻ tay dê” đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ Tiền Giang hỗ trợ việc đăng ký bảo hộ về kiểu dáng công nghiệp, ý tưởng công nghệ và lôgô sản phẩm; đồng thời, tôi cũng gửi hồ sơ tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XI (năm 2014-2015) do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang phối hợp các ngành liên quan tổ chức” – anh Tùng phấn khởi cho biết thêm.  

Huỳnh Văn Xĩ
Tin liên quan