Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường thì nước thải được xem là nguyên nhân hàng đầu. | |
Với những tác động tiêu cực do nước thải mang lại, trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, ngày 13/6/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2003/NĐ-CP (Nghị định 67) về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Nghị định 67 kể từ khi được ban hành, qua hơn 8 năm triển khai thực hiện, đã trở thành công cụ kinh tế quan trọng trong hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Nghị định 67 còn bộc lộ một số bất cập trong quá trình triển khai thực hiện tại các địa phương.
Để khắc phục những bất cập, đáp ứng yêu cầu của thực tế, ngày 29/3/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2013/NĐ-CP (Nghị định 25) về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Nghị định này, kế thừa những ưu điểm của Nghị định 67 và bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng.
Thứ nhất, bổ sung đối tượng không chịu phí (i) nước làm mát thiết bị, máy móc không tiếp xúc với chất gây ô nhiễm trước khi thải ra môi trường và (ii) nước mưa tự nhiên chảy tràn;
Thứ hai, xác định rõ trường hợp các doanh nghiệp sản xuất có sử dụng nước từ đơn vị cung cấp nước sạch thì chỉ phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp (không phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt trên hoá đơn tiền nước).
Thứ ba, thay đổi cách tính và mức phí đối với nước thải công nghiệp, cụ thể là:
Quy định khung mức thu phí cố định theo năm tối đa không quá 1,5 triệu đồng đối với tất cả các cơ sở sản xuất, chế biến thuộc diện nộp phí bảo vệ môi trường đối với loại nước thải này;
Ngoài mức phí cố định nêu trên, các doanh nghiệp xả nước thải với khối lượng từ 30m3/ngày đêm trở lên thì nộp phí biến đổi đối với 2 chất gây ô nhiễm là nhu cầu ô xy hoá học (COD) và chất rắn lơ lửng (TSS) theo khung mức đối với từng chất lần lượt là: 1.000 đồng/kg – 3.000 đồng/kg và 1.200 đồng/kg – 3.200 đồng/kg (thay vì mức khung từ 100 – 300 đồng/kg và từ 200 – 400 đồng/kg quy định tại Nghị định 67).
Riêng các doanh nghiệp có nước thải chứa kim loại nặng thì mức phí cố định nêu trên được nhân thêm với hệ số K từ 2 – 21 tuỳ vào lượng nước xả thải của đơn vị tính theo m3/ngày đêm.
Đối với cơ sở có nước thải chứa kim loại nặng nhưng có đầu tư kỹ thuật, công nghệ để xử lý các kim loại nặng đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt thì được áp dụng hệ số K bằng 1.
Với những nội dung mới căn bản như trên, Nghị định 25 cơ bản khắc phục một số vướng mắc gặp phải trong quá trình thực hiện Nghị định 67, cụ thể là:
Một là, thu được phí đối với các chất kim loại nặng có trong nước thải mà không phải lấy mẫu, đánh giá phân tích bằng cách áp dụng hệ số K;
Hai là, giảm tải khối lượng công việc cũng như chi phí của doanh nghiệp sản xuất và cơ quan thu phí trong việc kê khai, nộp phí đối với nhóm các cơ sở có khối lượng nước thải ít (dưới 30 m3/ngày đêm), do chỉ phải nộp 1 khoản phí cố định cho cả năm sản xuất. Vì theo Nghị định 67 việc thu phí đối với nước thải công nghiệp được tính theo 6 chất gây ô nhiễm, bao gồm: Nhu cầu ô xy hoá học, Chất rắn lơ lửng, Thủy ngân, Chì, Arsenic và Cadmium. Để tính phí được với 6 chất này, doanh nghiệp phải lấy mẫu, phân tích, đánh giá hàm lượng của từng chất gây ô nhiễm dẫn đền tốn nhiều công sức, chi phí, nhiều trường hợp số phí thu được còn thấp hơn cả chi phí cho việc thực hiện các khâu này;
Ba là, đảm bảo công bằng cho các cơ sở sản xuất có nước thải khác nhau;
Bốn là, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư kỹ thuật, công nghệ để xử lý chất lượng nước thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.