Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Chuyện làm giàu trên quê hương Ấp Bắc anh hùng
(Ngày đăng: 04/04/2014)

Đến tháng 4/2014, Tiền Giang cơ bản thu hoạch xong vụ lúa đông xuân 2013 - 2014. Năm nay, bà con trúng mùa lớn bởi mưa thuận, gió hòa, trình độ thâm canh nâng lên. Theo đánh giá sơ bộ, năng suất bình quân trà lúa đông xuân các địa phương đạt không dưới 65 tạ/ ha. Những nông dân sản xuất giỏi đạt cao hơn, 70 – 80 tạ/ ha. Thế nhưng một trong những nông dân vui mừng nhất về kết quả mỹ mãn sau vụ sản xuất mới có lẽ chính là ông Nguyễn Văn Đức (Sáu Đức) cư ngụ tại Ấp Bắc (Tân Phú, Cai Lậy).
Ông Nguyễn Văn Đức với mô hình công nghệ sinh thái

Gia đình ông Nguyễn Văn Đức có 2,2 ha đất canh tác. Trong vụ đông xuân 2013 – 2014, trà lúa của ông ước đạt năng suất không dưới 75 tạ/ ha, sản lượng 165 tạ (16,5 tấn lúa) với giá bán đến 10.000 đ/kg, gấp đôi giá lúa trên thị trường hiện nay, ông Sáu Đức thu về 165 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi gần 100 triệu đồng. Sở dĩ ông bán được giá cao như thế bởi đây là lúa giống xác nhận cung ứng cho thị trường lúa giống các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ. Có thâm niên sản xuất lúa giống hàng chục năm nay và chọn con đường làm lúa giống để làm giàu cũng là cách làm ăn độc đáo, mang tính đột phá của người nông dân giỏi tiêu biểu trên quê hương Ấp Bắc anh hùng nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ông Nguyễn Văn Đức cho biết, là nông dân nòi lấy ruộng nương làm đầu cơ nghiệp, ngay từ những năm đổi mới đất nước ông đã trăn trở rất nhiều khi nhận thấy bà con sản xuất trong tình trạng chịu nhiều sức ép, từ tập quán canh tác đến thị trường tiêu thụ bấp bênh và điệp khúc “trúng mùa, mất giá” luôn lập đi lập lại khiến người dân mỗi năm mỗi thêm lao đao lận đận vì sinh kế, nhất là những năm sau này đất đai càng bị thu hẹp, chia năm xẻ bảy bởi đà tăng dân số, bị đô thị hóa, công nghiệp hóa... Không thể khăng khăng giữ lối canh tác truyền thống và phương thức sản xuất bị động theo kiểu “con trâu đi trước, cái cày theo sau” mãi được, ông Sáu Đức quyết chí làm giàu bằng cách thay đổi tư duy, thay đổi phương thức canh tác, ứng dụng rộng rãi và đồng bộ các biện pháp thâm canh theo khoa học, chuyển đổi từ trồng lúa thịt để bán phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang chuyên về sản xuất và cung ứng các loại giống lúa tốt, giống lúa xác nhận cho thị trường lúa giống các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ.

Nghĩ là làm, ông đăng ký tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chọn tạo giống cộng đồng do ngành chức năng tổ chức, sau đó ký hợp đồng sản xuất lúa giống theo nhu cầu của các đơn vị chuyên kinh doanh lúa giống, cây giống trong ngoài tỉnh, trước tiên là Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang. Thời điểm bắt đầu hợp tác với Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Tiền Giang sản xuất lúa giống từ năm 2001 - 2002 – cách nay 13 năm. Ông Sáu Đức cho biết, sản xuất lúa giống xác nhận đòi hỏi kỹ thuật khắt khe hơn so với trồng lúa thịt tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đặc biệt nghiêm ngặt là các khâu khử lẫn, chăm sóc theo IPM, “Ba giảm ba tăng”, bón phân theo nguyên tắc “4 đúng” hoặc dựa trên bảng so màu lá lúa...Bù lại, lúa giống tốt do ông sản xuất và cung ứng được Trung tâm Giống nông nghiệp Tiền Giang mua theo tỉ lệ gấp 1,3 đến 1,4 lần lúa thường. Cứ như thế, trong suốt 13 năm qua, ông Nguyễn Văn Đức hoàn toàn đi theo con đường sản xuất lúa giống cung ứng cho thị trường mà ông gọi vui là “con đường làm giàu bền vững” trên đất thuần nông của chiến trường Ấp Bắc máu lửa một thời. Ngay trong vụ đông xuân 2013 – 2014, ông sản xuất giống lúa Nàng Hoa 9 – một giống lúa đặc sản, hạt dài, cơm dẽo, có nhiều ưu điểm về năng suất cũng như khả năng chống chịu sâu bệnh, đang được trồng phổ biến trên những vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Văn Đức tính toán: với 2,2 ha đất canh tác mỗi năm sản xuất 3 vụ ông thu hoạch đạt sản lượng khoảng 35 tấn lúa giống. Tùy năm và tùy theo vụ, ông thường sản xuất các giống lúa chất lượng cao phục vụ nhu cầu nông dân: Nàng Hoa 9, OM 4900, OM 6976, OM 5451...bán với giá 10.000 đ/kg lúa giống, mỗi năm ông thu khoảng 350 triệu đồng, sau khi trừ đi chi phí vẫn còn lãi gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, để tăng thêm nguồn lợi cho kinh tế gia đình, ông Đức còn cất chuồng trại chăn nuôi heo nái, heo thịt, đào ao nuôi cá giống trê lai, giống cá tai tượng...Trung bình mỗi năm ông xuất chuồng hàng trăm con lợn thịt, khoảng 4 tấn cá trê lai hoặc cá tai tượng giống tùy theo năm...nhờ vậy, nâng tổng lợi nhuận từ lúa giống, cá giống, heo hơi và heo giống lên khoảng 300 triệu đồng. “Ngày nay, cuộc sống gia đình tôi khá giả hẳn lên nhờ biết chọn hướng đi đúng trong việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp hiệu quả, đa dạng được cây trồng vật nuôi, phù hợp với nhu cầu thị trường trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.” – Ông Nguyễn Văn Đức nói.

Đặc biệt, mô hình chuyên về sản xuất lúa giống thay vì trồng lúa thịt của ông Nguyễn Văn Đức trong những năm gần đây nhờ tính hiệu quả cao đã được nông dân Ấp Bắc, Tân Phú, Cai Lậy áp dụng một cách rộng rãi và đều thành công. Hiện tại, địa phương thành lập được Tổ Hợp tác nhân giống lúa xác nhận qui tụ 14 nông dân sản xuất giỏi với tổng diện tích đất canh tác trên 12 ha do ông Nguyễn Văn Đức làm tổ trưởng. Hàng năm, Tổ Hợp tác nhân giống lúa do ông Sáu Đức làm tổ trưởng,  đã sản xuất và cung ứng cho thị trường hàng trăm tấn lúa giống xác nhận đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân trong ngoài tỉnh Tiền Giang. Nhờ hiệu quả thu được từ sản xuất lúa giống,  hàng năm 100% tổ viên đều được công nhận nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong đó ông Nguyễn Văn Đức được công nhận nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh 13 năm liên tục, 3 nông dân được công nhận nông dân giỏi cấp tỉnh trong năm 2013. Thành tích đó khẳng định hiệu quả con đường làm giàu bền vững của người nông dân năng động, nhạy bén trước những cơ hội có một không hai mang lại của nền kinh tế thị trường. Rõ ràng, tư duy kinh tế và cách làm ăn của ông Nguyễn Văn Đức đáng để noi gương và học tập, áp dụng để đổi mới diện mạo nông nghiệp – nông dân – nông thôn hôm nay./.

Minh Trí
Tin liên quan