Trong những năm gần đây, khi nước ta chuyển từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, một số quan niệm, giá trị xã hội... đã thay đổi, bên cạnh nhiều điều tốt có lẫn lộn không ít điều chưa tốt. Đối với ngành y, bên cạnh một số thành tích rất đáng tự hào, có nơi, có lúc người dân còn kêu ca phàn nàn tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân của 1 số thầy thuốc ít nhiều sa sút, y đức bị xói mòn, y đạo không được tôn trọng. | |
TS.BS Nguyễn Hùng Vĩ - Phó Giám đốc Sở Y tế - Chủ tịch Hội Y học tỉnh Tiền Giang trao đổi cùng bạn đọc. |
Vậy y đức là gì? Y đạo là gì? Nội dung của y đức ra sao? Những nguyên nhân gì đã tác động đến y đức? và điều quan trọng hơn là làm thế nào để nâng cao được y đức trong giai đoạn hiện nay?
Làm thế nào để: "Xây dựng môi trường bệnh viện, cơ sở y tế thân thiện theo đúng tinh thần bệnh viện, cơ sở y tế là nhà, bệnh nhân là chủ, y, bác sĩ là người phục vụ", luôn là điều trăn trở không chỉ riêng của ngành Y tế và cũng là vấn đề quan tâm của nhiều người. Đó là những "vấn đề nóng" của ngành Y tế hiện nay.
Chúng tôi xin phép nêu ra đây để quý đồng nghiệp và các nhà quản lý, thân hữu trong và ngoài ngành bàn bạc, góp ý cho đội ngũ thầy thuốc Tiền Giang.
Trước hết chúng ta hãy xem xét y đức là gì, y đạo là gì?
Trong xã hội loài người, ngành nghề nào cũng đòi hỏi phải có đạo đức mà người ta thường gọi là "đạo đức nghề nghiệp". Ngành Y là một ngành liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người. Mà sức khỏe, tính mạng của con người là vốn quý nhất, nên đòi hỏi người làm việc trong ngành y cũng phải có những phẩm chất đặc biệt. Không phải ai cũng đủ tiêu chuẩn về y đức, hành xử đúng y đạo cho dù đã làm việc trong ngành y lâu năm. Theo các nhà xã hội học: "Đạo đức là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội". Như vậy, đạo đức của ngành Y hay nói cách khác, Y đức là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy phục vụ, hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh, xem nỗi đau của bệnh nhân như nỗi đau của mình. Một người thầy thuốc có y đức thì luôn được mọi người yêu mến và tôn trọng. Y đức của thầy thuốc không chỉ đánh giá ở bề ngoài, ở thái độ phục vụ tận tâm, tận tụy với bệnh nhân mà còn phải giỏi chuyên môn.
Y đức là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi và mối quan hệ giữa thầy thuốc với bệnh nhân và với đồng nghiệp. Nhưng vì tính mạng, sức khoẻ của con người là quý giá nhất nên chỉ dựa vào dư luận xã hội, nghĩa là chỉ có Y đức thôi chưa đủ, mà mỗi Nhà nước, tùy theo hoàn cảnh cụ thể và phong tục tập quán của đất nước, dân tộc mình, đều đưa một số điểm quan trọng của Y đức vào luật và các văn bản dưới luật, quy định bắt buộc cả thầy thuốc và bệnh nhân phải tuân thủ, người ta gọi đó là Y đạo.
Đạo là con đường mà mọi người nên đi theo. Y đạo là y đức đã được thể chế hóa thành các quy định, bắt buộc người Thầy thuốc phải tuân thủ. Nói cách khác, y đạo là con đường hành nghề hợp lý, hợp pháp trong ngành y, là hành lang pháp lý mà người hành nghề y phải tuân thủ. Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Luật khám chữa bệnh, Thông tư 41/2011/TT- BYT hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh... là các cơ sở pháp lý cao nhất về y đạo.
Tuy y đạo, y đức của các nước, các thời đại có khác nhau, nhưng qua các lời thề và những lời di huấn từ xưa đến nay, phương Đông hay phương Tây thì y đức đều có những điểm chung. Đó là hành vi, thái độ của người thầy thuốc đối với bệnh nhân; là bổn phận, trách nhiệm của người thầy thuốc, là sự thông cảm đối với người bệnh.
Chúng ta có thể điểm qua các lời thề và lời di huấn của người xưa để hiểu thêm về nội dung y đức.
Trên thế giới, nói đến ông tổ ngành Y phải kể đến Hypocrate, thầy thuốc danh tiếng thời Hy Lạp cổ đại, người sống cách chúng ta gần 2500 năm, nhưng những tư tưởng, kiến thức của ông cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt ông đã dạy người làm ngành Y phải có Y đức. Những lời dạy ấy, sau này những người nối nghiệp ông đã viết nên một lời thề nghề nghiệp mà tất cả những bác sĩ khi tốt nghiệp ra trường đều phải tuyên thệ, đó là "Lời thề Hypocrate". Trong lời thề này có đoạn: "Tôi xin thề sẽ trung thành với quy tắc danh dự và sẽ liêm khiết trong khi hành nghề bác sĩ. Tôi sẽ săn sóc miễn phí cho người nghèo, không bao giờ đòi hỏi một sự thù lao quá đáng so với công sức đã bỏ ra. Được mời đến gia đình, mắt tôi không để ý đến mọi sự xảy ra, miệng tôi sẽ giữ kín những bí mật mà người bệnh đã thổ lộ. Tôi sẽ không lợi dụng địa vị của mình để làm đồi bại phong tục hoặc tán dương tội ác. Một lòng tôn trọng và biết ơn các thầy, tôi sẽ truyền bá cho các con cháu các thầy những giáo huấn mà tôi đã lĩnh hội được. Nếu tôi giữ trọn lời thề, người đời sẽ quý mến; nếu tôi thất hứa, tôi sẽ mang mối ô danh và cam chịu sự khinh bỉ của các bạn đồng nghiệp và của nhân dân". Như vậy đã hàng ngàn năm nay, dù trong chế độ xã hội nào thì nghề thầy thuốc cũng phải lấy đạo đức làm trọng.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, danh y Việt Nam thời hậu Lê, trong tác phẩm sách thuốc đồ sộ của mình, ngay từ tập đầu tiên đã dạy y đức cho người thầy thuốc trước khi dạy họ làm thuốc. Cụ dạy: "Nếu nhà bệnh có mời, nên tùy bệnh nặng hay nhẹ mà đi xem, đừng thấy người phú quý mà đi trước, nhà nghèo khổ mà đi sau. Xem mạch cho đàn bà con gái, nhất là gái góa và ni cô, phải bảo một người đứng bên để tránh sự hiềm nghi. Đã là nhà làm thuốc phải để ý giúp người, không nên vắng nhà luôn, nhất là đi chơi. Chữa bệnh cho người nghèo và quan quả cô độc càng cần phải lưu ý, nhất là người con hiếu, vợ hiền hay nhà nghèo mà bệnh trọng thì ngoài việc cho thuốc, ta có thể trợ cấp thêm nếu họ không đủ ăn, như thế mới là nhân thuật. Khi bệnh nhân khỏi, chớ cầu trả lễ nhiều, nên để họ tự xử, vì làm thuốc là thuật thanh cao, thì người làm thuốc phải có tiết thanh cao. Tôi thường thấy các thầy thuốc tầm thường, hoặc nhân người bệnh ốm nặng, hoặc nhân lúc nguy cấp về đêm tối, mà bệnh dễ chữa bảo là khó, bệnh khó bảo là không chữa được; hay đối với người giàu sang quyền quý thì ân cần để tính lợi, với người nghèo túng thì lạnh nhạt coi thường, như vậy là bất lương, coi nghề làm thuốc cũng như nghề buôn bán là không được...".
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, cố Bộ trưởng Bộ Y tế, nhân chuyến lên thăm Bệnh viện và công nhân lâm trường Thác Bà, Yên Bái, đã căn dặn cán bộ y tế của Bệnh viện lâm trường khi tiếp đón, chăm sóc bệnh nhân, phải:
"Đến tiếp đón niềm nở,
Về dặn dò ân cần,
Ở tận tình chăm sóc".
Thiết nghĩ, đây cũng là lời của Bộ trưởng căn dặn cán bộ, viên chức của toàn ngành y tế nói chung chứ không chỉ riêng với cán bộ, viên chức của Bệnh viện Lâm trường Thác Bà, Yên Bái.
Và còn biết bao nhiêu điều răn dạy của các bậc danh y, biết bao người đã toàn tâm toàn ý phục vụ người bệnh suốt cả đời mình. Không thiếu những người thầy thuốc đã lấy máu của mình để cho bệnh nhân khi cấp cứu, thậm chí có bác sĩ đã lấy cả "củ phong" chứa rất nhiều vi khuẩn phong (tức vi khuẩn gây bệnh hủi) nghiền nhỏ, tiêm vào cơ thể mình để chứng minh rằng phong là một bệnh khó lây v.v... Đó chính là Y đức.
Những nguyên nhân tác động đến y đức và biện pháp nâng cao đạo đức trong ngành Y tế
Theo chúng tôi, những nguyên nhân chính tác động đến y đức là nhiều cơ sở y tế chưa định hướng người bệnh là trung tâm; sự hài lòng của người bệnh chưa được quan tâm đúng mức; cơ chế của dịch vụ chăm sóc sức khoẻ; vai trò quản lý nhà nước về y tế; sự tăng trưởng kinh tế, mức sống của đội ngũ thầy thuốc; việc đào tạo thầy thuốc trong các trường Y, Dược và công tác đào tạo kiến thức, kỹ năng liên tục; vai trò tự quản lý của các hội nghề nghiệp và dư luận xã hội điều chỉnh hành vi của cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân.
Về định hướng người bệnh là trung tâm, sự hài lòng của người bệnh là chỉ tiêu phấn đấu quan trọng nhất trong các cơ sở y tế: Nội dung này trong thời gian dài chưa được Vụ Điều trị - Bộ Y tế quan tâm đúng mức. Nhiều năm liền các tiêu chí đánh giá bệnh viện xuất sắc toàn diện chỉ quan tâm chủ yếu đến cơ sở vật chất - trang thiết bị và đội ngũ cán bộ nhân viên y tế, còn sự hài lòng của người bệnh chỉ khảo sát qua loa, không phản ánh đúng thực tế khách quan. Đa số đơn vị không ghi rõ địa chỉ và điện thoại liên hệ của người bệnh nên không thể điện mời tái khám, vãng gia, gọi điện hỏi thăm, tư vấn trong những trường hợp bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo cần sự quan tâm đặc biệt. Đa số đơn vị không lấy ý kiến người bệnh trước khi xuất viện; việc kiểm soát sự cố y khoa chỉ làm chiếu lệ; không ít nơi mắc bệnh thành tích, vận dụng cơ chế xin - cho, che dấu khuyết điểm, sửa hồ sơ bệnh án...
Về cơ chế của dịch vụ chăm sóc sức khoẻ: Tốt nhất là nên nhanh chóng can thiệp giảm quá tải bệnh viện công lập bằng cách thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, mở rộng các điểm phòng khám đa khoa khám chữa bệnh ban đầu BHYT; sớm triển khai mô hình Bác sĩ Gia đình khám chữa bệnh BHYT....BHYT nên có nhiều mức dịch vụ, không nên để người thầy thuốc thu tiền trực tiếp từ bệnh nhân. Đành rằng trong cơ chế thị trường, dịch vụ khám chữa bệnh cũng như các dịch vụ khác, nghĩa là cũng có "kẻ bán, người mua", nhưng sự mua bán này nên gián tiếp mà không nên trực tiếp, ví dụ bệnh viện không nên thu viện phí của bệnh nhân mà bệnh nhân nên mua bảo hiểm y tế, bệnh viện nhận kinh phí từ cơ quan bảo hiểm y tế chuyển sang. Những dịch vụ công cộng thì Nhà nước phải chi trả ngành y tế. Nghĩa là không nên đặt đồng tiền xen vào giữa mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân.
(Ở Úc, Bác sĩ gia đình chỉ khám và ghi toa, BHYT trả công khám cho Bác sĩ. Người bệnh tự mua thuốc tại Cửa hàng thuốc mình thích. Người nghèo được hỗ trợ tiền thuốc theo tỷ lệ phù hợp từng đối tượng cụ thể).
Hiện tượng phí ngầm khá phổ biến trong các cơ sở y tế trung ương hiện nay, nhiều khi chi phí này cao hơn rất nhiều lần viện phí. Chính phí ngầm này làm xói mòn đạo đức của ngành Y. Báo chí và dư luận hay tập trung phê bình hiện tượng này tại các cơ sở tuyến trung ương; vô tình tuyến tỉnh cũng bị mang tiếng. Sự tăng trưởng kinh tế và mức sống của đội ngũ thầy thuốc cũng có vai trò quan trọng trong y đức, vì khi kinh tế càng cao, đời sống của cán bộ y tế được nâng lên thì y đức cũng được nâng lên theo. Tất nhiên, không phải ở đâu và bao giờ y đức cũng luôn luôn tỷ lệ thuận với sự tăng trưởng kinh tế và mức sống của cán bộ y tế. Nhiều khi sự tăng trưởng kinh tế lại tỷ lệ nghịch với y đức. Bởi vì mức sống cao thì nhu cầu cũng cao, giá cả nhiều loại cũng tăng tỉ lệ thuận với sự tăng trưởng kinh tế. Hàng hóa tăng theo cơ chế thị trường còn giá dịch vụ y tế thì không thể tăng lên hơn nữa. Bởi vì phần lớn người bị bệnh là người nghèo, vì người nghèo mới hay mắc bệnh và thường là bệnh nặng. Giá trị thực của dịch vụ y tế chênh lệch so với giá do Nhà nước quy định về chăm sóc y tế cũng là một nguyên nhân gây nên phí ngầm. Có đơn vị cố gắng thu thêm 1 số khoảng hay tiết kiệm 1 số việc đáng lẽ cần chi để bù đắp chi phí, cân đối thu - chi?!
Bác sĩ là một nghề được đào tạo lâu nhất, cẩn thận nhất, khó khăn, phức tạp nhất trong các ngành nghề đào tạo. Người bác sĩ phải học 6 năm, trong thời gian học lại phải thực tập ở phòng thí nghiệm, mổ xác, thực tập tại bệnh viện cũng bằng ấy thời gian, nhưng khi mới ra trường, cũng chỉ là "bác sĩ trẻ", chưa được nhân dân tin tưởng ngay. "Thầy già, con hát trẻ" mà. Đã thế, lương của bác sĩ học 6 năm cũng không khác lương một cử nhân ngành khác học 4 năm. Ở các nước phát triển, lương Bác sĩ và Luật sư là những loại lương cao nhất. Đãi ngộ không tương xứng cũng là một trong các nguyên nhân gây y đức xuống cấp.
Ngoài các yếu tố trên đây còn đòi hỏi Nhà nước phải tăng cường vai trò quản lý của mình bằng luật và các văn bản dưới luật, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời động viên, khuyến khích người làm tốt, xử phạt thích đáng những người vi phạm. Những việc hành nghề quá quyền hạn, quảng cáo sai sự thật, bán thuốc giả, bác sĩ thì vừa khám bệnh vừa bán thuốc, dược sĩ thì bán thuốc không cần đơn, cần phải được ngăn chặn kịp thời.
Như trên đã đề cập, nghề Y là một nghề đặc biệt, vì vậy không phải ai cũng có thể trở thành thầy thuốc được. Điều này cần phải xem xét ngay từ khâu tuyển sinh. Nghề y là nghề nhân đạo, vì vậy nó đối lập với kinh doanh. Những ai có mục đích sẽ kiếm tiền bằng nghề y thì tốt nhất là không nên tuyển họ vào trường. Và trong 6 năm trong trường đại học hay 3 năm trong trường trung học y, nhà trường đủ thời gian để đưa ra khỏi ngành những người thầy thuốc tương lai thiếu đạo đức. Vấn đề là ta có đặt ra không và tiêu chuẩn của người thầy thuốc là gì.
Khi đã ra trường rồi người thầy thuốc cần tham gia hoạt động trong các hội nghề nghiệp: Hội Y học, Hội Dược học, Hội Điều dưỡng...để luôn luôn được trao đổi thông tin, kinh nghiệm quý; đồng thời được sự giám sát, giúp đỡ của đồng nghiệp. Tổng hội Y học Việt
Cuối cùng là vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng, nghĩa là của dư luận xã hội trong việc điều chỉnh hành vi của người thầy thuốc. Vai trò của báo chí rất quan trọng, nhưng báo chí không nên chỉ nêu hiện tượng, sự việc tiêu cực, sai sót, tai biến chuyên môn... mà điều quan trọng hơn là nên phán xét theo tính hệ thống, công bằng, khách quan. Nghĩa là báo chí cần biểu dương, động viên kịp thời những việc làm tốt, phê phán những việc làm sai trái của cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân. Mục đích là để điều chỉnh hành vi và thái độ ứng xử của cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân theo những chuẩn mực mà xã hội đã thừa nhận.
Tóm lại, y đức, y đạo đang là vấn đề nóng bỏng của xã hội, nhất là trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Xã hội đòi hỏi người thầy thuốc phải có những phẩm chất đặc biệt. Để nâng cao y đức, chúng ta không thể hô hào chung chung mà phải xem xét nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái về y đức và đề ra các biện pháp khắc phục ngay từ khi tuyển chọn cán bộ vào ngành và liên tục tổ chức cập nhật, tăng cường kiến thức, kỹ năng, nghệ thuật phục vụ trong suốt chặng đường nghề nghiệp. Cần kết hợp việc quản lý của nhà nước và tự quản trong hội nghề nghiệp. Lãnh đạo các đơn vị cần định hướng người bệnh là trung tâm; lấy tiêu chí hài lòng của người bệnh làm mục tiêu chính để phấn đấu, thi đua. Cần xây dựng các quy trình chuyên môn, phác đồ điều trị, chăm sóc... và yêu cầu nhân viên thực hiện theo các khuôn mẫu đã được Hội đồng chuyên môn thống nhất trước ấy để giúp nhân viên an tâm, vững vàng, sáng tạo trong công tác chăm sóc sức khoẻ người bệnh. Mặt khác, mỗi người cán bộ y tế cũng phải tự trau dồi đạo đức của mình, quan tâm đến sức khoẻ toàn diện cả thể chất, tinh thần và xã hội của người bệnh chứ không chỉ lo 1 việc trị bệnh mà thôi; không phân biệt đối xử với người bệnh dù giàu hay nghèo; không phân biệt người bệnh thuộc đối tượng BHYT nào; mọi người bệnh đều được tận tâm phục vụ như nhau; người bệnh nghèo còn được quan tâm giúp đỡ nhiều hơn, học tập và phát huy kỹ năng mềm trong giao tiếp, luôn giữ trên môi nụ cười thân thiện và sẻ chia với người bệnh và thân nhân, xứng đáng với danh hiệu cao quý mà Bác Hồ đã dạy: Thầy thuốc như mẹ hiền.