Trong các năm qua, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở Tiền Giang không ngừng được nâng cao, tình hình vệ sinh môi trường và cảnh quan nông thôn cũng được cải thiện rất nhiều: đường làng thông thoáng, nhà cửa khang trang, sân vườn sạch đẹp, xử lý hiệu quả hơn các chất thải sinh hoạt, sản xuất và chăn nuôi. | |
Tuy nhiên, so với yêu cầu hiện đại hóa nông thôn và so với tiêu chí môi trường của Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới hiện nay thì cơ sở vật chất và cảnh quan môi trường nông thôn trong tỉnh chưa đáp ứng được: hệ thống cấp nước sạch qua đường ống còn hạn chế, thu gom và xử lý các loại chất thải chưa đạt yêu cầu bảo vệ môi trường, tình trạng gây ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi còn xảy ra ở nhiều nơi, nhiều xã chưa có nghĩa trang nhân dân... Từ đó cho thấy việc bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn bền vững trong quá trình phát triển kinh tế xã hội là một công tác rất quan trọng, đặc biệt gắn với việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Đối chiếu giữa yêu cầu nội dung về tiêu chí môi trường xã nông thôn mới của Bộ tiêu chí Quốc gia áp dụng ở đồng bằng sông Cửu Long với thực tế tại Tiền Giang cho thấy đến cuối năm 2011 trong tỉnh đạt được như sau:
STT Tiêu chí môi trường Mức đạt được năm 2011 ở Tiền Giang 1 Đạt: 75% hộ gia đình được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia (QCVN); 83% dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là nước cấp từ trạm cấp nước, giếng nước lẻ và nước mưa nhưng không xác định được có đạt quy chuẩn quốc gia hay không; 2 Đạt: Các cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) đạt tiêu chuẩn về môi trường (TCMT); Chưa xác định được tỷ lệ cơ sở SXKD đạt TCMT vì ở nông thôn thường là cơ sở vừa và nhỏ do cấp huyện quản lý mà đến nay chỉ có dưới 40% cơ sở hoàn tất thủ tục môi trường (được xác nhận đăng ký cam kết bảo vệ môi trường hay đã lập đề án bảo vệ môi trường) để quản lý việc xử lý chất thải nhằm xác định đạt TCMT hay không; 3 Đạt: Không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; Nông thôn vẫn còn ô nhiễm môi trường cục bộ do sản xuất, chăn nuôi (hoạt động sản xuất nào cũng gây suy giảm môi trường nên điều quan trọng cần đạt được là hoạt động không gây ô nhiễm môi trường và phải kịp thời khắc phục ô nhiễm môi trường nếu có). Nông thôn có hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp: trồng cây, bảo vệ rừng, xử lý chất thải… nhưng chưa nhiều; 4 Đạt: Có nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; Nghĩa trang nhân dân ở mỗi xã còn rất hạn chế; đến nay, chủ yếu vẫn chôn cất người chết trên ruộng vườn và tại các nghĩa trang tự phát trong dân; 5 Đạt: Chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định. Chưa đạt yêu cầu đối với việc thu gom và xử lý chất thải, nước thải sinh hoạt trong khu dân cư và tại cơ sở SXKD.
Để đạt được tiêu chí môi trường của xã nông thôn mới, xin đề xuất những giải pháp tổ chức thực hiện như sau:
- Đảng, Chính quyền và các đoàn thể tăng cường tổ chức tuyên truyền và vận động thực hiện tiêu chí môi trường xã nông thôn mới, đặt trọng tâm vào: tăng cường cung cấp và sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn; thu gom và xử lý các lọai chất thải sinh hoạt và sản xuất, chăn nuôi hợp vệ sinh; dừng và giảm các hoạt động gây suy thoái và ô nhiễm môi trường; đồng thời phát triển các hoạt động xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp; huy động các nguồn lực từ sự hỗ trợ của các tổ chức, nhà nước, nhà đầu tư, vốn tự có của dân và vốn vay từ các ngân hàng để tăng cường xây dựng và đưa vào sử dụng các công trình cung cấp nước sạch, thoát nước công cộng, nhà tắm, hố xí hợp vệ sinh tại gia đình ở các xã nông thôn mới.
- Chính quyền phối hợp với các đoàn thể hướng dẫn, vận động thực hiện các hoạt động vì môi trường xanh, sạch, đẹp phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng ấp và xã văn hóa, xây dựng và nâng chất trường học Xanh - Sạch - Đẹp tại các trường học ở các xã nông thôn mới.
- Hội Phụ nữ và Nông dân cần mở rộng thực hiện Chương trình Giáo dục hành động bảo vệ môi trường tại gia đình và cộng đồng ở các xã nông thôn mới để thúc đẩy cải thiện môi trường nông thôn và sớm đạt các tiêu chí môi trường xã nông thôn mới.
- Ngành chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ quản lý môi trường cấp huyện và cấp xã về tiêu chí môi trường xã nông thôn mới, quy định bảo vệ môi trường đối với cơ sở sản xuất kinh doanh và chăn nuôi để triển khai, vận dụng trong quản lý và phối hợp với các ngành hướng dẫn thực hiện.
- Ngành chuyên môn tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý, điều chỉnh các hành vi gây ô nhiễm môi trường tại cơ sở SXKD và chăn nuôi; kịp thời đề nghị xử lý các vi phạm bảo vệ môi trường, đề nghị chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời nhằm giữ vệ sinh môi trường nông thôn.
- Cấp huyện và xã thực hiện quy hoạch đất để xây dựng các nghĩa trang cấp xã hoặc liên xã; sắp xếp lại việc chôn cất mai táng ở địa phương; tăng cường hướng dẫn và kiểm soát thực hiện văn minh, giảm ô nhiễm môi trường trong tổ chức đám tang (không gây ồn ào quá mức so với tiêu chuẩn môi trường, không kéo dài đám tang nhiều ngày, không rải vàng mã trên đường khi di chuyển quan tài, không đốt quá nhiều hình nộm, tiền vàng và vật dụng bằng giấy).
- Ngành tài nguyên và môi trường tăng cường điểm giám sát môi trường định kỳ vùng nông thôn trong quy hoạch hệ thống quan trắc môi trường chung của tỉnh để nắm biết tình hình diễn biến chất lượng môi trường và kịp thời thông báo, yêu cầu địa phương giải quyết nguyên nhân, địa chỉ gây ra ô nhiễm môi trường nước, đất và không khí ảnh hưởng tới môi trường sinh thái khu vực nông thôn.