Ngày 19/02/2014, Tiền Giang có xảy ra hai trường hợp tử vong do ngộ độc so biển. Nạn nhân là ông Huỳnh Chẩy và ông Đỗ văn Dũng, cùng cư ngụ tại Ấp Cầu Xây, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. | |
Con so |
Vào lúc 11h30 ngày 19/02/2014, tại hộ ông Huỳnh Chẩy (sinh năm 1955) có tổ chức tiệc nhậu với thức ăn là món so luộc, cùng với ông Đỗ Văn Dũng (sinh năm 1966) và ông Nguyễn Văn Mến (sinh năm 1970). Đến 13h00 ông Mến có triệu chứng tê đầu lưỡi, cùng lúc đó thì 2 người còn lại cũng có triệu chứng tương tự, liền sau đó người nhà đưa 3 ông đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Gò Công Đông. Lúc 14h30 ông Dũng đã tử vong tại bệnh viện. Sau đó ông Chẩy và ông Mến được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Khu vực Gò Công. Khi đến BVĐK KVGC tình trạng ông Chẩy nguy kịch hơn được tiếp tục chuyển đến BV Đa khoa Trung tâm Tiền Giang, trên đường đi ông Chẩy đã tử vong lúc 19h30. Riêng ông Mến vẫn còn điều trị tại BVĐK KVGC với tình trạng sức khỏe tỉnh, ổn định (do đến sau và ăn ít hơn 2 người trên).
Nguyên nhân tử vong là do ngộ độc độc tố tetrodotoxin có trong so biển cũng như trong cá nóc và một số loài thủy sản khác như sao biển, bạch tuộc vòng nhẫn xanh, một số loài cua biển...Độc tố tetrodotoxin có độc tính mạnh nhất được con người biết đến, độc gấp 275 lần so với xyanua và gấp 50 lần so với mã tiền, gây ảnh hưởng đối với hệ thần kinh, tim mạch của con người. Độc tố này không bị phân huỷ ở nhiệt độ cao do đó mặc dù các thức ăn được nấu chín kỹ nhưng độc tố vẫn không thay đổi.
Loài so biển gây độc cho người chủ yếu trong thời kỳ sinh sản vì chất độc tập trung chủ yếu ở trứng. Người bị ngộ độc tetrodotoxin có thể biểu hiện rất sớm sau khi ăn 5-15 phút. Tuy nhiên, đa số các trường hợp có triệu chứng ngộ độc trung bình 30 phút đến hai giờ và biểu hiện rõ sau ăn 6 giờ, như tê môi, lưỡi, chân tay, đau bụng, vã mồ hôi, giãn đồng tử, tăng tiết đàm nhớt, nôn, yếu mệt, liệt các cơ, loạn nhịp tim, tụt huyết áp, co giật, hôn mê và có thể tử vong nếu bệnh nhân không được đưa đến bệnh viện kịp thời. Tử vong là do suy hô hấp kết hợp loạn nhịp tim, tụt huyết áp. Hiện thế giới chưa có thuốc giải độc đặc hiệu cho ngộ độc tetrodotoxins.
Các biện pháp sơ cứu khi bị ngộ độc: sau khi ăn, nếu thấy tê miệng, môi, người bệnh còn tỉnh táo thì nhanh chóng gây nôn để tống hết thức ăn ra ngoài (không gây nôn nếu là trẻ em, vì dễ bị sặc). Có thể gây nôn bằng cách uống đầy nước rồi móc họng, ngoáy vào họng. cho uống than hoạt tính, uống oresol bù điện giải, đồng thời gọi cấp cứu y tế nơi gần nhất và đưa ngay đến bệnh viện. Nếu người bệnh tím môi, khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt nếu không có phương tiện cấp cứu). Phải mang theo thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc, chất nôn hoặc phân để giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị tốt hơn. Cách phòng ngừa như tốt nhất là không ăn sam biển, bởi lẽ thịt và trứng sam không nhiều và không ngon, chúng ta còn rất nhiều thức ăn bổ dưỡng khác.
Sam (Xiphosuridae) có 4 loài, có hình dáng đều giống nhau, nhưng ở Việt Nam chỉ có 2 loài là Sam (Tachypleus tridentatus) và So (Carcinoscorpius rotundicauda). Ở Việt Nam cũng như trên thế giới từ trước đến nay, chưa có trường hợp nào ngộ độc chết người do ăn sam nhưng nhiều trường hợp ngộ độc chết người do ăn so. Dân địa phương gọi so là sam nhỏ để phân biệt với sam lớn. Sam lớn thường đi cõng nhau từng đôi, kích thước lớn, gai trên lưng sam dài hơn và nhiều hơn loài so, tiết diện đuôi hình tam giác, với 3 cạnh chạy dài đến cuối đuôi, trên đó có gai nhọn giống như lưỡi cưa. Con so (hình A,B bên trên) có chiều dài thân thường không quá 20 - 25 cm (không kể đuôi), toàn thân màu xanh nâu đậm, đuôi hình tròn, không có gai, trong trứng con so chứa độc tố tetrodotoxins rất nguy hiểm gây chết người. Có thể những nạn nhân đã nhầm so và sam.
Ngành Y tế cũng đã khuyến cao mọi người dân không nên ăn các loại thủy sản có thể gây nguy hiểm trong đó có cá nóc, so biển, sao biển, bạch tuộc, một số loài cua, ốc lạ màu sắc sặc sỡ… để tránh ngộ độc thật đáng tiếc, nhằm bảo vệ tính mạng cho chính bản thân mình./.