Trong khi virus cúm A/H7N9 ở Trung Quốc ngày càng có những diễn biến đáng lo ngại thì ở trong nước, tình hình dịch cúm H5N1 vẫn có xu hướng gia tăng. Vì vậy, các giải pháp phòng chống dịch cần được triển khai quyết liệt hơn nữa. | |
Bệnh nhân tử vong do cúm đều tiếp xúc với gia cầm. |
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát nhận định tình hình dịch cúm gia cầm hiện nay đang rất nguy hiểm bởi nguy cơ xâm nhập virus cúm A/H7N9 từ Trung Quốc vào Việt Nam là rất cao, còn dịch cúm gia cầm H5N1 trong nước chưa lên đến đỉnh và còn có thể lan rộng. Theo số liệu cập nhật hàng ngày, số tỉnh có dịch, số gia cầm mắc dịch hôm sau cao hơn hôm trước.
Thông tin kịp thời, rõ ràng để người dân chủ động
Hiện cả nước có 24 ổ dịch tại 11 tỉnh với tổng số 23.819 gia cầm mắc bệnh. Nếu không kiểm soát tốt thì mức độ lây lan dịch còn rất rộng, màkinh nghiệm cho thấy khi có nhiều gia cầm nhiễm cúm sẽ có người bị cúm và chết do cúm gia cầm. Ghi nhận từ đầu năm tới nay, đã có 2 ca bị nhiễm cúm H5N1 tử vong.
Đáng lo ngại hơn, số liệu kiểm tra mẫu của Cục Thú y cho thấy, tỷ lệ lưu hành virus cúm A/H5N1 ở các địa phương đang rất cao, trung bình cứ 100 con vịt có 6 con mang virus; 100 chợ có 61 chợ lưu hành virus này.
Trước diễn biến trên, tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm, chiều 18/2., hầu hết các địa phương đang có dịch cúm gia cầm đều thể hiện rõ sự vào cuộc quyết tâm trong công tác phòng chống dịch như tập trung bao vây ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vaccine cúm A/H5N1 trong vùng dịch và vùng lân cận… Đặc biệt, bà Mai Hoan Niê K'dăm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh đã chỉ đạo nếu địa phương nào không làm tốt công tác tuyên truyền, để xảy ra dịch phải chịu trách nhiệm và không được nhận được sự hỗ trợ của tỉnh.
Cũng có thực tế là nhiều địa phương lo ngại việc công bố dịch và truyền thông mạnh mẽ về tình hình dịch cúm sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực chăn nuôi trong nước. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, với 10 năm kinh nghiệm chỉ đạo chống dịch vừa qua, chỉ khi minh bạch thông tin, cập nhật rõ tình hình thì người dân mới chủ động phòng chống dịch hiệu quả. Bộ trưởng chia sẻ quan điểm với các địa phương trong cuộc họp: Với phương châm "phòng là chính, dân là chính, cơ sở là chính" thì chúng ta mới kiểm soát được tình hình dịch. Dân chỉ sợ những gì không biết hoặc không biết rõ chứ mọi thông tin rõ ràng thì người dân chính là những người chống dịch tích cực nhất.
Bộ trưởng khuyến nghị các địa phương, bên cạnh việc thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật như tiêm vaccine phòng dịch... thì cần có chính sách phù hợp khuyến khích nhân dân tham gia để không bán chạy, không giấu dịch.
Ngăn chặn H7N9 từ biên giới
Mối lo ngại về tình hình virus cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam qua biên giới phía Bắc đang gia tăng khi đại diện Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) vừa gửi thư cảnh báo tới Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát. Chính vì vậy, tại hội nghị trực tuyến, nhiều địa phương biên giới đã lên kế hoạch ứng phó với chủng virus nguy hiểm này ở mức "báo động đỏ". Ông Lý Vinh Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, tỉnh có đường biên giới giáp Trung Quốc dài 231km với nhiều đường mòn, lối tắt nên hoạt động buôn lậu nói chung, đặc biệt là buôn bán gia cầm qua biên giới diễn biến phức tạp. Trong thời gian từ 1/1 - 17/2, tỉnh phát hiện 28 vụ vận chuyển gia cầm trái phép, thu giữ 250 gà thịt, hơn 9.000 con gà giống, hơn 2.000kg chim bồ câu…
Do đó, để ngăn chặn virus cúm A/H7N9 xâm nhập, tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng chặn ngay từ biên giới, nghiêm cấm vận chuyển, buôn bán, tặng, cho gia cầm qua đường mòn, lối mở và kiểm soát chặt đường chính ngạch cửa khẩu. Đồng thời, tỉnh đã lên phương án ứng phó khẩn cấp với cúm gia cầm H7N9, trong đó, chuẩn bị hai khu cách ly tại Phòng khám Đa khoa Đồng Đăng với 15 giường bệnh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh với 30 giường bệnh. Ngoài ra, còn một số bệnh viện dã chiến và chuẩn bị máy X-Quang di động, máy đo nhiệt độ tại các cửa khẩu....
Còn tại tỉnh Lào Cai, ngoài nhiệm vụ dập tắt ổ dịch cúm gia cầm H5N1 đang bùng phát tại 4 xã với hơn 7.000 con gia cầm bị chết, tiêu hủy, còn phải lo đối phó với nguy cơ xâm nhập virus cúm A/H7N9 từ Trung Quốc qua đường biên giới dài hơn 200km. Trước mắt, tỉnh đã xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp với chủng virus này, đề ra giải pháp cụ thể cho cả 4 tình huống khẩn cấp có thể xảy ra. Đồng thời, thành lập các khu cách ly để xử lý gọn nếu dịch lây lan.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định, cả việc ngăn chặn virus cúm A/H7N9 xâm nhập vào nước ta và đấu tranh chống dịch cúm A/H5N1 đều quan trọng, song các địa phương cần quan tâm nhiều hơn tới dịch cúm A/H7N9. Bởi chủng virus này không có biểu hiện lâm sàng, chỉ có thể phát hiện bằng xét nghiệm và hiện chưa có vaccine đặc trị. Do đó các tỉnh biên giới phía Bắc cần siết chặt kiểm soát việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, lập "vành đai an toàn" cho cả nước. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý nguy cơ lây lan dịch bệnh qua khu vực biên giới Tây Nam.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các bộ, ngành, địa phương chưa ban hành kế hoạch hành động ứng phó với các chủng virus cúm gia cầm cần ban hành ngay trong tháng 2 với các giải pháp chi tiết, cụ thể.
Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT và UBND các tỉnh rà soát toàn bộ các chợ, kiên quyết làm tốt công tác tiêu độc, khử trùng và phân tách địa điểm bán gia cầm sống. Nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới dưới mọi hình thức. Bộ Công an, Công Thương, GTVT kiểm soát chặt các tuyến. Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT, các tỉnh rà soát các chợ, kiên quyết tiêu độc khử trùng, phân tách địa điểm bán gia cầm sống, khuyến khích giết mổ gia cầm tại các lò mổ; thực hiện tháng tiêu độc khử trùng khẩn cấp.
Tuyên truyền phải mạnh mẽ hơn, trước hết khống chế dịch bệnh trên đàn gia cầm, nếu có lây lan phải khoanh và dập dịch không cho lây lan, nếu có dịch cũng phải tích cực ngăn ngừa để không lây lan sang người. tăng cường công tác tuyên truyền. nâng cao tính trách nhiệm, tự giác của người dân, không để tình trạng giấu dịch, ném gia cầm bị dịch xuống sông.
Về tình hình thông tin dịch bệnh, Bộ trưởng Cao Đức Phát, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống cúm gia cầm quốc gia cũng yêu cầu các địa phương có báo cáo hàng tuần tới Ban chỉ đạo. Còn người dân và công luận sẽ được cập nhật thông tin hàng giờ qua trang web của Cục Thú y, những thông tin này sẽ rất hữu ích để toàn dân nắm bắt tình hình dịch bệnh để có ứng phó phù hợp.