Theo quan niệm dân gian ở một số ít vùng sông nước Nam bộ, khi có trẻ bị té xuống nước thì cấm người thân, đặc biệt là cha mẹ, vớt trẻ lên, thậm chí không được “lại gần” trẻ vì “kị tuổi” với con mình, mà phải tri hô lên nhờ người khác tới cứu, sơ cứu thì trẻ mới sống được. Đây là một quan niệm không đúng, cần phài thay đổi. Quan niệm trên có lẽ do xuất phát từ tâm lý bối rối, hốt hoảng của người thân, nhất là cha mẹ khi thấy con cháu mình gặp nạn. Do đó, nếu để người thân tham gia cứu hộ, cứu nạn thì dễ “hư chuyện”. Theo nguyên tắc cấp cứu người sắp chết đuối là phải vớt nạn nhân lên khỏi mặt nước càng nhanh càng tốt. Vì nếu để nạn nhân ngưng thở quá 5 phút là não sẽ tổn thương không hồi phục. Đây là khoảng thời gian vàng, quý báu quyết định sự sống chết của con người. | |
Một cách xử trí thông thường khác của người dân có thể làm cho tình trạng nạn nhân thêm nguy hiểm là kéo dài thời gian xốc nước. Người dân thường nắm chổng ngược nạn nhân lên và cõng chạy vòng vòng cho nước chảy từ phổi ra ngoài. Có nơi còn để nạn nhân lên cái lu, vừa lăn cái lu vừa đốt lửa bên trong lu để cho lu nóng lên nhằm giúp nạn nhân ấm lên. Hai cách này đều không cần thiết vì không phải tất cả nạn nhân đuối nước đều có nhiều nước trong phổi. Khi bị rơi xuống nước, có khoảng 10% nạn nhân không có hít nước vào phổi do phản xạ co thắt thanh môn, còn lại 90% có hít nước, nhưng lượng nước này cũng nhanh chóng được hấp thu vào máu khi nạn nhân thở lại được. Hơn nữa thời gian xốc nước kéo dài sẽ mất thời gian vàng quí báu để cấp cứu, não bé sẽ bị thiếu oxy, nếu có sống được thì nạn nhân sẽ sống đời sống thực vật.
Bà con chỉ nên để nạn nhân lên nền đất phẳng, kiểm tra nạn nhân còn thở hay không, nếu không thì tiến hành sơ cứu tại chỗ ngay, bằng cách dùng tay lấy dị vật ở miệng nạn nhân như đất, cát, cây cỏ… để đường thở được thông nhưng không được móc sâu khiến dị vật rơi vào phổi nguy hiểm; dùng hai bàn tay nâng đầu nạn nhân ngửa ra, kéo cằm lên ( còn gọi là cằm chỉ thiên) và tiến hành thổi ngạt miệng qua miệng ngay.
Chú ý nếu có chấn thương cột sống cổ thì phải dùng phương pháp ngửa đầu và cố định cột sống cổ bằng bao cát, gối…đặt 2 bên cổ, để tránh di lệch cột sống cổ. Thổi vào miệng nạn nhân hai cái có hiệu quả. Sau đó tiến hành ấn tim ngoài lồng ngực. Tùy theo lứa tuổi của nạn nhân, chúng ta dùng một bàn tay (trẻ từ 1-8 tuổi), hoặc hai bàn tay (trẻ trên 8 tuổi) để ấn vào trên mấu xương ức khàng vài phân, ấn sâu 2- 3cm, tần suất ấn tim và thổi ngạt theo tỉ lệ 5/1 (trẻ dưới 8 tuổi) hoặc 15/2 (trẻ trên 8 tuổi) như thế, vừa thổi ngạt vừa ấn tim cho đến khi nạn nhân thở lại được thì đưa vào bệnh viện gần nhất.