Vừa qua UBATGT tỉnh Tiền giang đã làm lễ phát động phong trào xây dưng tập quán “văn hóa giao thông với bình yên sông nước” 2011-2015, sau đây xin giới thiệu bài viết của nhà báo Trần Đỗ Liêm chủ tịch HĐQT HTX Rạch Gầm về chủ đề này | |
Với những người làm nghề kinh doanh vận tải đường sông, hàng ngày rong ruổi trên tất cả các dòng sông, bến cảng, thì “Bình yên sông nước” sẽ làm cho người ta thành đạt, nếu sông nước có vấn đề trục trặc là
ảnh hưởng ngay đến SXKD.
Song muốn “sông nước bình yên”, “thuận buồm xuôi gió, chén chú chén anh” thì quả là điều không dễ dàng chút nào. Điều kiện đầu tiên cho câu tụng niệm thường xuyên của người thuyền trưởng “đi đến nơi về đến bến” đó là an toàn, muốn vậy thì phải không va đụng, không cài cầu, không nằm cạn … Trong 3 yếu tố trên, yếu tố không va đụng là quan trọng nhất, bởi vì va đụng có nhiều loại, va đụng giữa các phương tiện vận tải, va đụng giữa phương tiện với cầu, với đáy lưới, và với nhà dân v.v… Tất cả các nguyên nhân dẫn đến va đụng sinh ra tai nạn đều có yếu tố của người điều khiển phương tiện, chỉ khác là tỷ lệ đó chiếm nhiều hay ít, bên này hay bên kia mà thôi.
Vì vậy phát động phong trào xây dựng, duy trì cuộc vận động nếp sống “văn hóa giao thông với bình yên sông nước” cần phải tập trung vào đối tượng là những con người có liên quan đến giao thông trên đường thủy nội địa.
Nếu nói con người có liên quan đến an toàn giao thông đường thủy nội địa thì có nhiều nhóm, xin nêu một số nhóm chính :
+ Người dân có nhà lấn chiếm dòng sông.
+ Người làm nghề thủy sản trên sông
+ Người điều khiển phương tiện vận chuyển trên sông.
+ Người sinh sống ở ven sông …
+ Cuối cùng là những người làm nghề quản lý nhà nước trên sông như Cảnh sát, Thanh tra, Cảng vụ, Đoạn Quản lý …
Mọi người đều biết, điều kiện đầu tiên rất quan trọng đảm bảo an toàn trong vận chuyển là phương tiện phải đạt yêu cầu kỹ thuật theo quy định của luật pháp. Thứ hai là người điều khiển tàu phải được đào tạo, nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông quy định. Đồng thời họ còn phải phải rành nghề, thuộc đường bởi người lái tàu là “người trần gian nhưng làm việc với âm phủ” vì họ không thể nhìn được những gì dưới nước khi họ lái tàu đi qua. Thứ ba là tất cả những người tham gia giao thông đều phải chấp hành luật giao thông như nhau thì an toàn mới cao. Và cuối cùng là những người sinh sống bên bờ sông phải không lấn chiếm, dòng chảy luồng tàu (như làm nghề đăng đáy) và lấn chiếm bờ sông khi làm nhà ở và các công trình khác. Đặc biệt những người sinh sống bên bờ sông không đổ rác, xả xà bần xuống sông làm ô nhiễm nước và lấp dòng… “Bình yên sông nước” còn liên quan đến một nhân tố khác đó là an ninh trên sông, biểu hiện ở đây như: nạn trộm cướp, cờ bạc, buôn lậu và các tệ nạn xã hội khác.
Với đơn vị làm nghề kinh doanh vận tải, nếu vận chuyển an toàn không tai nạn đã đảm bảo 80% thắng lợi trong kinh doanh, nếu an ninh tốt đảm bảo 90% thành công, còn các yếu tố khác chỉ cộng thêm 10%.
Song có một điều là trong thực tế không phải lúc nào xảy ra tai nạn cũng là do vi phạm luật giao thông, mà còn do thái độ của người vận hành phương tiện trên sông, thái độ ứng xử đó thể hiện ở một số hành động:
+ Nhậu say vẫn lái tàu
+ Không nhường nhịn nhau khi gặp tình huống phức tạp
+Thiếu ý thức cẩn trọng vận hành tàu khi gặp trời tối, thời tiết xấu diễn biến phức tạp.
+ Thái độ vô trách nhiệm khi mình có ưu thế, (ví dụ chạy tàu tốc độ cao trong rạch nhỏ làm, ảnh hưởng đến xuồng, đò, nhà dân …)
+ Tổ chức bài bạc, buôn bán trái phép trên phương tiện …
+ Thể hiện trách nhiệm giúp cứu lẫn nhau khi thấy tàu gặp sự cố trên đường hành trình...
Dân gian có câu “Nhậu tới bến” tức là khi tàu tới bến mới nhậu, chứ không phải như những bợm nhậu của chúng ta khi chuốc nhau cho say xỉn gọi là “tới bến”. Bởi vì lái tàu đã nhậu say xỉn còn biết đâu trời trăng mây nước, đường đi mà đưa tàu tới bến ?!
- Xây dựng văn hóa cho người điều khiển tàu còn thể hiện ở thái độ không mua bằng, không dùng bằng giả, có học có thi mới nhận bằng, có bằng mới đi lái tàu …
- Văn hóa là một phạm trù rộng; văn hóa liên quan tới cuộc sống “bình yên sông nước” cũng bao gồm nhiều phạm trù, từ suy nghĩ đến hành động, cũng như phát ngôn của những người trực tiếp tham gia giao thông và sinh sống bên sông. Ngoài những vấn đề cụ thể nói trên văn hóa giao thông còn thể hiện ở mặt đảm bảo vệ sinh môi trường trên sông, đảm bảo hoạt động bình thường của luồng lạch v.v…
Vì vậy, tôi cho rằng để đạt kết quả cao thiết thực góp phần làm cho “sông nước bình yên,” cuộc vận động này cần sớm xây dựng cụ thể các tiêu chí cho từng nhóm đối tượng tham gia vào cuộc vận động; không nên đưa ra quá nhiều tiêu chí, yêu cầu, quá cao trong thời gian 5 năm (mà thực tế chỉ còn 4 năm) khiến cho cuộc vận động không đạt hiệu quả. Tôi nghĩ nên tập trung vào những vấn đề bức xúc nhất, dễ làm nhất làm trước, làm cho được. Sau đó tổng kết rút kinh nghiệm, phổ biến rộng, tiếp tục đề ra và thực hiện những vấn đề khác trong thời gian tiếp theo sao cho trong khoảng hai kỳ phát động có thể làm thay đổi căn bản tình hình giao thông đường thủy trong tỉnh, tạo sức lan tỏa suốt các tuyến luồng chính và sang các tỉnh khác; tiếp tục duy trì phong trào và truyền tiếp lửa cho các thế hệ người trẻ thực hiện.
Những người làm nghề vận tải trên sông nói chung, ở tỉnh Tiền Giang nói riêng, hơn ai hết thấy được lợi ích của việc xây dựng tập quán “văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Bởi nếu kế hoạch triển khai thành công tốt đẹp, nó sẽ giúp cho họ có một đội ngũ thuyền viên chuyên nghiệp có tay nghề giỏi, có đạo đức tốt, nó cũng đồng nghĩa với sự thành công trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với quá trình thay thế những chiếc ghe thuyền nhỏ thành các đoàn tàu vỏ sắt hiện đại có trọng tải lớn và chắc chắn nó góp phần quan trọng cho thành công trong sản xuất kinh doanh. Tôi nghĩ nhiều đơn vị và cá nhân làm nghề vận tải đường sông sẽ nhiệt liệt ủng hộ và đi đầu thực hiện.
Tốt đẹp biết bao nhiêu khi một thuyền, máy trưởng quốc gia giỏi, chấp hành tốt luật lệ, trung thực, nhân ái, lịch sự lại biết nói những lời hay, làm những việc tốt.
Mong kế họach xây dựng phong trào “văn hóa giao thông với bình yên sông nước” thu được kết quả ngoài mong đợi.