Hình ảnh hoạt động
Liên kết website
Quảng cáo
Thống kê
Gia đình-Xã hội chủ động góp phần giảm tai nạn giao thông
(Ngày đăng: 29/05/2012)
Sáng ngày 07/9/2011 Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang tổ chức hội thảo: Thực trạng - Giải pháp An toàn giao thông từ gia đình. Đây là một cách tiếp cận mới, đầy sáng tạo với cách can thiệp gần gũi, khả thi, ít tốn kém và hứa hẹn sẽ mang đến kết quả bất ngờ nếu có sự phối hợp tốt ở các cấp, các ngành và mọi gia đình. Tham dự hội thảo này, tôi đã suy nghĩ đến các giải pháp hỗ trợ hạn chế tai nạn giao thông (TNGT) ở nước Úc.

Hiện nay, TNGT không chỉ là vấn đề sức khỏe đơn thuần mà đã trở thành hiểm họa đối với bất kỳ ai khi tham gia giao thông. TNGT đã, đang và sẽ diễn ra từng ngày, từng giờ và có thể cướp đi mạng sống con người bất kỳ lúc nào. Vì vậy, nó là vấn đề đang được mọi người quan tâm hàng đầu.

Tại tỉnh ta, trong 5 năm gần đây, số trường hợp TNGT đến khám và điều trị tại tất cả các cơ sở y tế trong tỉnh trung bình 10.000 trường hợp/năm; thường gặp nhất ở độ tuổi 20 – 60, kế đến là 15 – 19. Trong đó, tử vong khoảng 300 trường hợp mỗi năm. Riêng 6 tháng đầu năm nay (2011), đã có 168 trường hợp tử vong.

          TNGT gây ra những mất mát to lớn và thiệt hại không kể hết về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho con người, gia đình và xã hội... TNGT không chỉ gây đau thương cho một gia đình mà còn liên luỵ đến bao nhiêu người vô tội khác. Riêng về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, TNGT góp phần đáng kể làm cho các Bệnh viện thêm quá tải công việc.

Nhà nước đã ban hành rất nhiều chủ trương và giải pháp nhằm hạn chế TNGT. Tuy vậy hiệu quả vẫn còn ở giai đoạn đầu quá trình phát huy hiệu quả can thiệp. Về mặt khoa học, trong thời gian chờ các giải pháp căn cơ phát huy hiệu quả thì các giải pháp hỗ trợ trong giai đoạn hiện nay cũng hết sức cần thiết. Ở góc nhìn hẹp của người làm công tác chăm sóc sức khỏe, tôi xin nêu một ít số liệu thực trạng về khía cạnh y tế và đề xuất 1 số giải pháp hỗ trợ tạm thời đơn giản, dễ thực hiện góp phần giúp mọi nhà, mọi người chung tay tham gia can thiệp cùng với các cơ quan chức năng. 

 

 

  Về nguyên nhân chủ yếu gây TNGT:

          Theo số liệu của Ban An toàn giao thông Quốc gia, đa số TNGT xảy ra trên phương tiện xe mô tô và gần 90% nguyên nhân dẫn đến TNGT là do người điều khiển phương tiện gây ra. Nguyên nhân của vấn đề này do ý thức người tham gia giao thông, phương tiện giao thông và đường sá. Có tránh được TNGT hay không là do ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông của người lái xe. Tiền Giang hiện có 15.000 xe ô tô và 657.000 mô tô 2 bánh. Đặc biệt, đa số vụ TNGT ở tỉnh ta đều có liên quan đến việc  uống nhiều rượu, bia trước đó.

Cũng theo các thống kê cho thấy những người thiệt mạng do TNGT chủ yếu là đàn ông, thanh niên trẻ. Đây thường là những trụ cột của gia đình. Những tổn thất do TNGT thường làm cho gia đình đột ngột rơi vào cảnh bất hạnh. Hiện nay, tuy văn bản pháp luật đã có quy định các hình thức chế tài đối với hành vi vi phạm Luật Giao thông nhưng vẫn còn chưa đủ mạnh để răn đe. Việc xử lý vi phạm không được thực hiện thường xuyên, liên tục làm mất tính giáo dục của các biện pháp xử phạt.

Ở phạm vi gia đình, việc người lớn không chấp hành các quy định của pháp luật giao thông đường bộ đã trở thành tấm gương xấu cho trẻ em làm theo. Đa số trường hợp tai nạn đều bắt nguồn từ ý thức của người dân còn kém và có thể phòng tránh được. Đặc biệt là những hành vi không đúng thường gặp trong gia đình: chồng say rượu không muốn nói cho vợ biết vì ngại nghe vợ cằn nhằn; vợ không quan tâm đến sức khỏe của chồng khi thấy chồng say rượu; con không quan tâm đến cha và hỗ trợ cha sau khi tiếp khách có uống rượu bia…

Kinh ngiệm của Úc:

Nước Úc 21,7 triệu dân, là đất nước có nền kinh tế và y tế phát triển trong nhiều thập kỷ qua. Thu nhập bình quân theo đầu người ở Úc cao hơn Liên Hiệp Anh, Đức Pháp một chút, theo sức mua tương đương. Nước này cũng được xếp hạng ba về chỉ số phát triển con người của Liên hiệp quốc năm 2007 và hạng sáu về chỉ số chất lượng cuộc sống của tạp chí tin tức The Economist năm 2005. Nước Úc còn nắm giữ kỷ lục với 4 thành phố lớn nằm trong danh sách những thành phố dễ sống nhất thế giới là Melbourne (hạng 2), Perth (hạng 4), Adelaide (hạng 7) và Sydney (hạng 9).

Trước đây, Úc cũng gặp vấn đề về TNGT, dĩ nhiên ở mức độ ít hơn so với nước ta dân số chỉ bằng ¼ Việt Nam. Hiện nay, Úc đã kìm chế được TNGT một cách hiệu quả nhờ thực hiện các giải pháp liên hoàn: Hạn chế xe cá nhân; thực hiện luật giao thông khách quan, nghiêm minh; áp dụng kỹ thuật phù hợp, hiệu quả; hạn chế uống rượu khi tham gia giao thông, đặc biệt hạn chế uống rượu có nồng độ cồn cao bằng cơ chế giá và tăng cường ý thức của gia đình (đặc biệt phát huy vai trò phụ nữ).

- Xây dựng mạng lưới giao thông công cộng giá rẻ, tiện dụng:

        Xe lửa (điện), xe buýt và phà là các phương tiện giao thông công cộng phổ biến ở hầu hết các thành phố nước Úc. Phương tiện giao thông công cộng hơi khác tại mỗi thành phố theo sự điều hành hệ thống của chính quyền mỗi bang. Xe và phà đều chạy rất đúng giờ.

- Thực hiện luật giao thông khách quan, nghiêm minh: Khi ra đường, rất hiếm khi gặp cảnh sát giao thông Úc đứng gác trên đường. Tuy vậy, cảnh sát giao thông vẫn quản lý chặt nhờ vào hệ thống quan sát toàn diện trong đó có vai trò của camera. Ở đa số điểm nóng giao thông thường có gắn camera quan sát. Có 1 điều lạ là cách khoảng 100 m đến cột camera lại có gắn 1 bảng thông báo là sắp đến cột gắn camera để thông báo cho tài xế lưu ý chấp hành tốc độ qui định. (Đây là 1 quy định trong luật về an toàn giao thông: phải thông báo công khai sự việc, tình huống vi phạm trước khi quy trách nhiệm). Tài xế nào cố tình vi phạm, camera sẽ “bắn tốc độ” và chụp hình xa ngay và vài ngày sau sẽ có giấy mời chủ xe đi nộp phạt gửi về nhà và bắt buộc gia đình phải đi nộp phạt ở…Bưu điện. Ai không chịu nộp phạt lần đầu sẽ chịu mức chế tài tiếp theo cao hơn. Vi phạm 3 lần sẽ bị thu hồi bằng lái xe. Các việc này đều được thực hiện dễ dàng, thông suốt nhờ nối mạng thông tin toàn quốc. Hiếm có việc người thân gọi đến công an nhờ can thiệp vì nơi nộp phạt là Bưu điện.

- Áp dụng kỹ thuật phù hợp, hiệu quả và ưu tiên chọn giải pháp có hướng bền vững: Điều gây ngạc nhiên cho người mới đến thăm nước Úc là Úc vẫn sử dụng mạng lưới xe lửa (train) có từ hơn trăm năm trước để nhằm hạn chế xe cá nhân, vừa giảm ùn tắc! (Dĩ nhiên là họ đã cải tiến rất nhiều, dịch vụ đa dạng, liên hoàn, linh hoạt, tiện lợi và phục vụ khách hàng tới nơi tới chốn. Ở thời điểm đầu năm 2011, khi chúng tôi sang Úc công tác, Trung Quốc bắt đầu triển khai tàu hỏa cao tốc. Mặc dù họ biết rõ và đã thông tin rộng rãi về tiến bộ khoa học của Trung Quốc trên đài ABC hàng ngày; nhưng họ lại chú ý khả năng thực tế, cân đối giữa hiệu quả tốc độ và nguy cơ tai nạn tàu hỏa cao tốc tăng cao (Hiện nay, TNGT tàu hỏa cao tốc ở Trung Quốc đã tăng cao đáng quan ngại). Thực tế, Úc vẫn ung dung sử dụng xe lửa điện - đồ cổ - nhưng liên tục cải tiến và hiện nay dịch vụ xe lửa hiện đại của họ làm hài lòng khách hàng không thua gì dịch vụ hàng không).

- Hạn chế uống rượu khi tham gia giao thông, đặc biệt hạn chế uống rượu có nồng độ cồn cao bằng cơ chế giá:

         Úc là một trong những nước sản xuất rượu nho nổi tiếng thế giới. Bên cạnh việc quảng cáo cho mũi nhọn kinh tế này, họ vẫn rất nghiêm trong việc tìm cách hạn chế hậu quả của việc say rượu. Bên cạnh việc phạt nặng khi say rượu; họ còn có những quy định riêng, cụ thể nhằm hạn chế hậu quả của say rượu. Họ quy định khu vực hạn chế uống rượu, bia; thời điểm trong ngày hạn chế uống rượu; hạn chế tối đa uống rượu khi tham gia giao thông, đặc biệt hạn chế uống rượu có nồng độ cồn cao bằng cơ chế giá: Giá rượu tăng theo nồng độ cồn. Loại có độ cồn càng thấp giá càng rẻ. Loại có nồng độ cồn từ 6-12% có giá rẻ phù hợp với nhóm người có thu nhập từ trung bình đến thấp - nhóm đối tượng này chiếm ¾ xã hội Úc - (rượu nho loại đựng trong hộp giấy có giá khoảng 15AUD/4 lít). Còn loại rượu có nồng độ cồn từ 19% trở lên có giá tăng cao đột biến gấp 5 - 10 lần.

- Tăng cường ý thức của gia đình: Hầu hết phụ nữ đều biết lái xe ô tô. Họ chủ động lái xe đi rước chồng, con khi chồng, con uống rượu. Vận động chồng, con và mọi người chấp hành yêu cầu đo nồng độ rượu khi có yêu cầu của cảnh sát giao thông; phụ nữ áp dụng tiến bộ khoa học vào cuộc sống gia đình. Phụ nữ được trân trọng trong mọi sinh hoạt cộng đồng (Lady first), họ được ưu tiên trên nhiều lĩnh vực. Do được đào tạo, họ được huấn luyện cách vận dụng chủ động kiến thức giải quyết linh hoạt các tình huống trong gia đình và công việc xã hội; đặc biệt là hỗ trợ chồng trong giao tiếp, lễ hội (phụ chồng khi chồng phải tiếp khách xã giao có uống rượu, bia…). Không lạ gì khi thấy phụ nữ Úc tham gia hoạt động cộng đồng và giữ trọng trách xã hội:  Liên bang Úc là một nhà nước theo thể chế quân chủ lập hiến với Nữ hoàng Elizabeth II của Vương quốc Anh cũng là Nữ hoàng của Úc; Thủ tướng Úc hiện nay là Bà Julia Gillard.  

 ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP

- Nhà nước có giải pháp quyết liệt hạn chế uống rượu; nhất là hạn chế uống rượu có nồng độ cồn cao ( có thể tham khảo cách hạn chế bằng cơ chế giá).

- Vận động xây dựng vài chốt quan sát và ghi nhận tốc độ bằng camera, kết hợp đặt biển báo giới hạn tốc độ; giúp cảnh sát giao thông có cơ sở để xử phạt người cố ý vi phạm.

- Vận động mọi người chấp hành yêu cầu đo nồng độ rượu khi có yêu cầu của cảnh sát giao thông.

- Phụ nữ chủ động đi rước chồng, con khi chồng, con uống rượu.

Từ yêu cầu này, đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ dành ưu tiên cho  phụ nữ khi phụ nữ thi lấy bằng lái xe môtô.

- Các ngành chức năng, các địa phương phối hợp Đoàn thể nói chuyện chuyên đề về mặt lợi và hại khi sử dụng rượu, bia; hội thảo nhóm nhỏ tìm giải pháp đặc thù ở từng địa phương, đơn vị; ưu tiên mời phụ nữ tham dự (những người vợ, người mẹ).

          - Tập huấn cho phụ nữ kỹ năng sống, kỹ năng sáng tạo và khuyến khích họ áp dụng sáng tạo kiến thức ấy vào cuộc sống gia đình. Từng bước giúp người phụ nữ nâng dần tính chủ động và biết cách giải quyết linh hoạt các tình huống trong gia đình; đặc biệt là hỗ trợ chồng trong giao tiếp, lễ hội  (phụ chồng khi chồng phải uống rượu, bia xã giao…).

          - Giáo dục cho học sinh, sinh viên ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường: “Tuyệt đối không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông”. Đây là việc làm rất cần thiết và vô cùng bổ ích (theo hướng phòng bệnh từ xa). Cần lưu ý khuyến khích học sinh, sinh viên nữ tăng cường chủ động trong gia đình, cộng đồng để góp phần can thiệp từ bên trong mỗi gia đình, cộng đồng.

Muốn chấn chỉnh giao thông phải cần cả xã hội chung tay, sự đồng thuận của mọi người và bằng hành động cụ thể. Phụ nữ chiếm hơn 51% dân số, nếu phụ nữ vào cuộc tích cực đặc biệt phát huy can thiệp từ góc độ gia đình, gần gũi hứa hẹn mạng lại kết quả bền vững kìm chế TNGT, đặc biệt là TNGT do uống rượu. Cần phải phát huy những mặt tích cực của phụ nữ, đặc biệt là nội lực tiềm ẩn của họ để góp phần kìm chế TNGT theo chiều hướng vừa hiệu quả vừa ít tốn kém nhất mà khả năng duy trì bền vững rất cao ./.

         

TS. BS. Nguyễn Hùng Vĩ (PGĐ Sở Y tế TG)
Tin liên quan